Hoạt động giám sát đáp ứng đòi hỏi cấp thiết của cuộc sống và quá trình phát triển

Nâng cao hơn nữa tính chủ động

Thực tiễn vừa qua cho thấy, việc xây dựng, triển khai các kế hoạch giám sát nhiều nơi chưa chủ động, kịp thời, thiếu trọng tâm, trọng điểm, còn hình thức, nhiều nơi trùng lắp về nội dung, đối tượng giám sát; các ý kiến, kiến nghị sau giám sát tính thuyết phục chưa cao. Những vấn đề lớn về hoạt động giám sát cần được Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội tiếp thu, nghiên cứu kỹ lưỡng, từ đó trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tới.
0:00 / 0:00
0:00
Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội giám sát việc thực hiện kỷ cương hành chính tại quận Cầu Giấy.
Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội giám sát việc thực hiện kỷ cương hành chính tại quận Cầu Giấy.

Nhận diện “điểm nghẽn” trong hoạt động giám sát

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, giải trình của Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) có nhiều đổi mới, sôi nổi, tâm huyết đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong cử tri và nhân dân Thủ đô Hà Nội.

Tại các quận và thị xã Sơn Tây, HĐND, Thường trực HĐND và các Ban HĐND đã tăng cường hoạt động giám sát chuyên đề tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, Chủ tịch UBND phường khi không tổ chức HĐND phường; chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc cùng cấp và Mặt trận Tổ quốc tại các phường trong việc giám sát triển khai thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND và các cơ quan chuyên môn tại quận, thị xã và UBND, Chủ tịch UBND phường.

 Nâng cao hơn nữa tính chủ động ảnh 1

Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý y dược tư nhân trên địa bàn thành phố.

Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND thành phố ứng cử tại các quận, thị xã tổ chức nhiều cuộc giám sát chuyên đề đối với chính quyền cơ sở trong việc thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội tại các phường trên địa bàn các quận; Tổ đại biểu HĐND tại các quận, thị xã Sơn Tây và các phường đã tăng cường tiếp xúc với nhân dân, đại diện cho người dân, lắng nghe mọi ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân...

Mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội hiện nay là phù hợp.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh

Mặc dù không tổ chức HĐND phường, những vấn đề dân sinh bức xúc của cử tri, kiến nghị phản ánh của cử tri đã được đại biểu HĐND quận, thị xã tiếp nhận và đôn đốc trả lời, giải quyết. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội hiện nay là phù hợp. Những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện chính quyền đô thị đều có thể xử lý được.

Cụ thể hơn, lãnh đạo thành phố cho rằng, khi bỏ HĐND cấp phường giúp chính quyền phường chủ động hơn rất nhiều; giảm bớt thủ tục quy trình, quan hệ công việc, giúp nhanh hơn trong xử lý công việc.

Ở cấp phường khi bỏ HĐND vẫn phát huy được vai trò giám sát của người dân bởi thành phố đã được tăng số lượng đại biểu HĐND cấp quận, trực tiếp giám sát hoạt động của chính quyền phường; việc đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với Chủ tịch UBND phường do HĐND quận thực hiện, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phân tích.

 Nâng cao hơn nữa tính chủ động ảnh 2

Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội giám sát việc thực hiện kỷ cương hành chính tại quận Cầu Giấy.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội chỉ ra một số bất cập trong thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội như: Số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách tuy được bố trí theo quy định của luật, tuy nhiên còn chiếm tỷ lệ thấp ở cả ba cấp; một số địa phương chưa bố trí đủ theo quy định.

Thực tế cho thấy, tỷ lệ Thường trực HĐND, lãnh đạo các Ban HĐND tham gia cấp ủy còn thấp. Một số đại biểu HĐND cấp huyện chưa chú trọng nâng cao kỹ năng hoạt động, còn nể nang, ngại va chạm; hoạt động chất vấn ở một số nơi chưa nhiều, hiệu quả chưa cao.

Chưa quyết liệt, thiếu chủ động

Qua các cuộc khảo sát gần đây cho thấy, Thường trực HĐND, các Ban HĐND ở không ít địa phương còn chưa chủ động trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, chưa thật sự quyết liệt trong đôn đốc việc thực hiện các kết luận giám sát, thực hiện các kiến nghị của cử tri và đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Tính chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ của nhiều đại biểu HĐND còn hạn chế, một số đại biểu chưa phát huy được trách nhiệm của mình trước cử tri, chưa dành thời gian thỏa đáng cho các hoạt động của HĐND.

Sau hai năm thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Chính phủ cũng chỉ ra rằng, UBND phường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách, không còn nguồn kết dư, chi khác, dự phòng và tăng thu ngân sách.

 Nâng cao hơn nữa tính chủ động ảnh 3

Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội giám sát hoạt động quảng cáo tại huyện Đan Phượng.

Từ đó, UBND phường không còn sự chủ động trong công tác điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cũng như gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm kịp thời nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, đột xuất như phòng chống, khắc phục thiên tai, dịch bệnh phát sinh trên địa bàn.

Ngoài ra, khối lượng công việc của HĐND các quận, thị xã tăng lên nhiều khi thực hiện chính quyền đô thị do không còn HĐND phường. HĐND các quận, thị xã phải tăng cường giám sát, tiếp xúc cử tri, đối thoại với nhân dân, tiếp công dân..., nhưng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân quận, thị xã so với nhiệm kỳ trước giảm, số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận, thị xã chỉ còn một người.

Do vậy, nhiệm vụ của các đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND quận, thị xã nặng nề hơn so với nhiệm kỳ trước. Với quy định số lượng biên chế công chức phường bình quân là 15 người/phường như hiện nay, các phường của thành phố gặp nhiều khó khăn về việc bố trí số lượng biên chế công chức tại những phường có quy mô dân số lớn, áp lực công việc nhiều.

Trăn trở về việc đổi mới và nâng cao chất lượng của hoạt động giám sát và phản biện, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Bản thân các đại biểu phải ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình là do dân bầu, mình đại diện cho quyền lợi của người dân.

Trong các hoạt động giám sát, nếu đại biểu làm việc vì lợi ích chung, lợi ích của người dân thì không phải e ngại điều gì cả. Trong hoạt động giám sát không phải chúng ta mong đơn vị bị giám sát làm sai để bắt lỗi, mà các đơn vị làm tốt là điều đáng mừng.

Tuy nhiên, theo ông Cao Thanh Bình, “để chống bệnh thành tích, làm dở, báo cáo hay, nể nang, né tránh, hoặc giám sát cho có thì hoạt động giám sát cần phải đổi mới từ cách làm, đến nội dung giám sát”. Ông cho rằng, chẳng hạn giám sát mà không báo trước; tái giám sát những nội dung đã giám sát trước đó; quy trách nhiệm cụ thể cho cả đơn vị, cá nhân người giám sát lẫn bị giám sát…

 Nâng cao hơn nữa tính chủ động ảnh 4

Hội đồng nhân dân thị xã Sơn Tây (Hà Nội) giám sát việc thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Kiến nghị đổi mới hoạt động giám sát

Muốn làm được điều này, theo ý kiến của nhiều chuyên gia pháp luật và đại biểu Quốc hội, HĐND tại các địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND cần phải sửa đổi, bổ sung; theo đó, khi sửa đổi, cần quan tâm việc quy định cụ thể nguyên tắc về bảo đảm hoạt động giám sát cung cấp thông tin trung thực, chính xác, thực tiễn cho hoạt động xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương.

Các nội dung cần sửa đổi, bổ sung khác liên quan quy định về tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, người bị chất vấn, giám sát chuyên đề, vấn đề được giải trình, người được yêu cầu giải trình tại kỳ họp, phiên họp, hoạt động giám sát của các cơ quan có thẩm quyền giám sát; quy định về thẩm quyền giám sát của đại biểu Quốc hội thông qua hoạt động kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Cần bổ sung quy định về việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động giám sát.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Qua phân tích, đánh giá, các chuyên gia pháp luật và nhiều đại biểu Quốc hội chỉ ra rằng, luật hiện hành chưa quy định nguyên tắc về bảo đảm hoạt động giám sát cung cấp thông tin thực tiễn cho hoạt động xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương.

Hay như những “khoảng trống” pháp lý khác, như: thiếu quy định về thẩm quyền giám sát của đại biểu Quốc hội thông qua hoạt động kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Thậm chí, một số quy định chưa thật sự rõ ràng, cụ thể và đầy đủ như quy định về phạm vi, cách thức giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội đối với văn bản quy phạm pháp luật; quy định về nội dung cơ bản, yêu cầu của nghị quyết, kết luận giám sát, chưa lượng hóa được bằng chỉ tiêu định lượng…

Theo GS, TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đánh giá về hoạt động giám sát chuyên đề; những năm qua, pháp luật về giám sát chuyên đề của Quốc hội và HĐND từng bước được hoàn thiện làm cơ sở cho việc tăng cường hoạt động này ngày càng hiệu quả.

Hoạt động giám sát chuyên đề đã được các cơ quan của Quốc hội tiến hành thực hiện ngày càng nhiều hơn cùng với quá trình đổi mới, nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội và được dần hoàn thiện cả về cơ sở pháp lý, nội dung và phương thức tiến hành, kết quả ngày càng thiết thực hơn.

Quốc hội đã tiến hành giám sát với nhiều chuyên đề về kinh tế-xã hội đời sống của người dân, về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19. Hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội bước đầu đã có tác dụng tích cực hỗ trợ cho hoạt động lập pháp của Quốc hội và công tác quản lý nhà nước nói chung.

Quy trình giám sát, trách nhiệm báo cáo giải trình, trách nhiệm cung cấp thông tin chưa được quy định chặt chẽ cho nên giám sát chuyên đề chủ yếu vẫn dựa trên việc xem xét báo cáo; thông tin có được chủ yếu dựa vào lòng “hảo tâm” của người chịu sự giám sát. Sự tham gia của các cơ quan, tổ chức hữu quan và chuyên gia độc lập chưa nhiều, hiệu quả chưa cao.

Trên thực tế, tại nhiều địa phương, hoạt động giám sát qua “kênh” HĐND hiện chưa có cơ chế cụ thể, biện pháp xử lý trách nhiệm trong trường hợp đối tượng giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kết luận, kiến nghị của Đoàn giám sát. “Những vấn đề nêu trên cần được tổng kết, nghiên cứu để sửa đổi bổ sung trong luật hoạt động giám sát”, GS, TS Phan Trung Lý đề nghị.

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 30, 31/8/2024.

Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân hiện chỉ tập trung chủ yếu vào các vấn đề kinh tế-xã hội, rất ít có các cuộc giám sát chuyên đề về công tác tổ chức cán bộ, nhân sự và nếu có thì cũng rất hình thức, hiệu quả không cao.

GS, TS Phan Trung Lý

Cơ cấu tổ chức của HĐND các cấp, tổ chức, bộ máy biên chế của cơ quan trực tiếp giúp vệc HĐND chưa tương xứng với yêu cầu hoạt động của HĐND. Các cuộc giám sát chuyên đề chuyên môn sâu chưa mời được các chuyên gia có kinh nghiệm để hỗ trợ tư vấn; chưa có cơ chế huy động, sử dụng các chuyên gia từng lĩnh vực.

Bùi Văn Hoàng, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam

>> Kịp thời tháo gỡ vướng mắc

>> Sự hài lòng của người dân là "thước đo"