Hoạt động giám sát đáp ứng đòi hỏi cấp thiết của cuộc sống và quá trình phát triển (Tiếp theo kỳ trước)(*)

Bài 2: Sự hài lòng của người dân là "thước đo"

Thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội, từ tháng 7/2021, Đà Nẵng thí điểm thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị, với 6 quận và 45 phường không tổ chức Hội đồng nhân dân. Để bảo đảm nhiệm vụ giám sát, Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban, tổ đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố tiến hành xem xét, giám sát 51 báo cáo của các quận, phường và 28 báo cáo của các cơ quan tư pháp 2 cấp thành phố…
0:00 / 0:00
0:00
Các đồng chí lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố thực hiện chương trình giám sát về chăm lo đời sống công nhân tại Công ty Cao-su Đà Nẵng.
Các đồng chí lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố thực hiện chương trình giám sát về chăm lo đời sống công nhân tại Công ty Cao-su Đà Nẵng.

Đa dạng hóa hình thức giám sát

Thời gian qua, Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Đà Nẵng phát huy tốt hiệu quả hoạt động giám sát tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố, Hội đồng nhân dân huyện Hòa Vang và 11 xã có tổ chức Hội đồng nhân dân.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi, nguyên Phó Chủ tịch HĐND thành phố, hoạt động thảo luận, chất vấn tại các kỳ họp của HĐND, của Thường trực HĐND ngày càng đi vào trọng tâm, có chiều sâu. Phần tiếp thu, báo cáo, giải trình của Ủy ban nhân dân thành phố và lãnh đạo các sở, ban, ngành ngày càng công khai, minh bạch, có hiệu quả và cam kết thời gian giải quyết, thực hiện cụ thể.

Bài 2: Sự hài lòng của người dân là "thước đo" ảnh 1

Cử tri Đà Nẵng phát biểu sôi nổi tại chương trình tiếp xúc cử tri của Đoàn biểu Quốc hội.

Về giám sát chuyên đề, mỗi năm HĐND thành phố Đà Nẵng tiến hành giám sát từ 2 đến 3 chuyên đề; Thường trực HĐND thành phố giám sát từ 4 đến 6 chuyên đề; mỗi ban thuộc HĐND thành phố giám sát từ 4 đến 5 chuyên đề. Công tác giám sát chuyên đề đều có trọng tâm, trọng điểm, hướng đến những vấn đề mang tính thời sự, cấp bách, được cử tri quan tâm. HĐND thành phố Đà Nẵng đổi mới công tác giám sát giữa hai kỳ họp bằng việc tổ chức các chương trình "Hội đồng nhân dân với cử tri" theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, được cử tri và nhân dân thành phố quan tâm, đánh giá cao.

Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thành ủy và các Nghị quyết của HĐND thành phố, ngay từ đầu năm, Thường trực HĐND thành phố Đà Nẵng đã chủ động xây dựng và ban hành chương trình công tác, chương trình giám sát năm 2023 gắn với chủ đề năm là: "Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội".

Bài 2: Sự hài lòng của người dân là "thước đo" ảnh 2
Cử tri chất vấn, kiến nghị tại các kỳ tiếp xúc cử tri và chương trình HĐND với cử tri.

Cùng với đó, việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố bảo đảm tính toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm làm cơ sở quan trọng trong quản lý, điều hành hoạt động của Thường trực HĐND thành phố. Năm 2023, Thường trực HĐND thành phố đã cụ thể hóa, ban hành hơn 300 văn bản chỉ đạo đôn đốc, kịp thời điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ phù hợp tình hình và yêu cầu thực tiễn của thành phố.

Đồng chí Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Đà Nẵng cho biết: Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã tổ chức 14 phiên họp thường kỳ hằng tháng với UBND thành phố và các đơn vị liên quan, 74 phiên họp Thường trực HĐND thành phố mở rộng hằng tuần và các phiên họp đột xuất nhằm kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền. Qua đó, kịp thời giám sát, đôn đốc UBND thành phố và các ngành chức năng liên quan trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh trên địa bàn thành phố, kịp thời giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc phát sinh. Các kế hoạch, chương trình giám sát hằng năm được Thường trực HĐND thành phố cụ thể hóa thành các chuyên đề giám sát của HĐND, Thường trực HĐND và chuyên đề giám sát của các Ban HĐND...

Bài 2: Sự hài lòng của người dân là "thước đo" ảnh 3

Hội nghị tiếp xúc cử tri ở Đà Nẵng luôn thu hút đông đảo cử tri, người dân tham dự, theo dõi.

Tránh chồng chéo, bỏ sót

Đồng chí Hồ Thị Cẩm Nhung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ cho biết: Trước mỗi kỳ họp HĐND thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường cùng đại diện Đảng ủy, Mặt trận và các đoàn thể tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân theo từng khu vực về hoạt động của phường, báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri mà phường, quận, thành phố đã thực hiện theo thẩm quyền. Đồng chí cũng cho biết dịp này, lãnh đạo các cấp lắng nghe, ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri, giải quyết hoặc trình lên trên theo thẩm quyền. "Chúng tôi thường xuyên cải cách thủ tục hành chính, với mục tiêu rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục một cách thuận lợi nhất cho người dân" đồng chí Hồ Thị Cẩm Nhung nêu rõ.

Cùng chung nhận xét, ông Nguyễn Quốc Tuấn, cử tri phường An Hải Bắc cho rằng: Những năm gần đây, khi Đà Nẵng không tổ chức HĐND cấp phường, quận, thì ý kiến người dân được chuyển trực tiếp đến UBND quận hoặc HĐND thành phố, nhờ đó, việc xử lý những vấn đề bức xúc, cần giải quyết ngay lại trở nên nhanh chóng và kịp thời hơn. "Chúng tôi có thể phản ánh qua các kỳ tiếp xúc cử tri, hoặc gọi điện, nhắn tin trực tiếp cho lãnh đạo phường, quận, cho HĐND thành phố qua tổng đài hành chính công, qua zalo, email, tin nhắn…", ông Tuấn trao đổi thêm.

Bài 2: Sự hài lòng của người dân là "thước đo" ảnh 4

Cử tri chất vấn, kiến nghị tại các kỳ tiếp xúc cử tri và chương trình HĐND với cử tri.

Đánh giá về việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị ở Đà Nẵng, TS Lê Văn Đính, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III cho rằng: Khi thực hiện chính quyền đô thị, quyền đại diện của người dân được thực hiện thông qua các kênh, như đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội của thành phố; Thường trực HĐND, các ban, tổ đại biểu và của đại biểu HĐND thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp…

Tuy nhiên, số lượng đại biểu hoạt động kiêm nhiệm chiếm phần lớn; chức năng, nhiệm vụ của HĐND thành phố tăng thêm do không tổ chức HĐND quận, phường, vì vậy cũng ảnh hưởng đến việc tiếp nhận, xử lý các ý kiến của người dân. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Khi không tổ chức HĐND quận, phường, HĐND thành phố quyết định phương hướng, nhiệm vụ và ngân sách của quận, phường, do vậy khối lượng công việc tập trung nhiều vào các cơ quan chuyên môn của thành phố, UBND thành phố, HĐND thành phố.

Bài 2: Sự hài lòng của người dân là "thước đo" ảnh 5

Cử tri chất vấn, kiến nghị tại các kỳ tiếp xúc cử tri và chương trình HĐND với cử tri.

Theo Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng, công tác giám sát còn những hạn chế. Cụ thể như các buổi tiếp xúc cử tri theo chuyên đề chưa nhiều, một số nghị quyết được ban hành chất lượng chưa cao, công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp trong hoạt động giám sát có lúc chưa chặt chẽ, trùng lặp về thời gian thực hiện... Lãnh đạo thành phố thừa nhận, công tác theo dõi, giám sát kết quả các cam kết sau chất vấn, giải quyết kiến nghị cử tri, đơn thư khiếu nại thiếu kịp thời, việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát chưa được thực hiện thường xuyên, sâu sát cho nên ảnh hưởng hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát. Vừa qua, một số cuộc giám sát chuyên đề còn lúng túng, kiến nghị sau giám sát chung chung, chưa rõ trách nhiệm…

Nêu những khó khăn, hạn chế trong công tác giám sát của Quốc hội, HĐND hiện nay, đồng chí Nguyễn Duy Minh, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng cho rằng: Việc bố trí thời gian các chuyên đề giám sát thường tập trung vào đầu năm mới cho nên có rất nhiều hoạt động, nhiệm vụ cần thực hiện. Các nội dung giám sát thường có phạm vi rộng, tính chất phức tạp, đề cương giám sát cần được hướng dẫn chi tiết cụ thể hơn.

Bài 2: Sự hài lòng của người dân là "thước đo" ảnh 6

Cử tri chất vấn, kiến nghị tại các kỳ tiếp xúc cử tri và chương trình HĐND với cử tri.

Từ thực tiễn địa phương cho thấy, việc giao nhiệm vụ cho Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND cùng báo cáo một chuyên đề (có nội dung giống nhau) vào cùng một thời điểm sẽ không tránh khỏi sự chồng chéo trong công tác xây dựng kế hoạch, lựa chọn đối tượng, thời gian giám sát. Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh: Thời gian tới, công tác lựa chọn các nội dung giám sát của HĐND thành phố Đà Nẵng tiếp tục được đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm. HĐND thành phố Đà Nẵng tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến để đổi mới công tác giám sát giữa hai kỳ họp bằng việc tổ chức các chương trình "Hội đồng nhân dân với cử tri" bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Bên cạnh đó, Thường trực, các Ban HĐND thành phố tổ chức nhiều phiên họp với UBND thành phố và các sở, ngành liên quan trong việc giải quyết kiến nghị của công dân, tổ chức, doanh nghiệp… Bà Nguyễn Thị Kim Dung, trú tại 19 Lê Văn ­Thành, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn chia sẻ: Chúng tôi có thể theo dõi và tham gia chương trình "Hội đồng nhân dân với cử tri" ngay tại nhà qua truyền hình. Nếu cần kiến nghị, ý kiến thì gọi điện, nhắn tin trực tiếp đến người tổ chức chương trình để đăng ký và phát biểu... Cách tổ chức này sát thực và hiệu quả hơn nhiều so với tổ chức tiếp xúc trực tiếp. Những vấn đề cử tri nêu, chất vấn, sẽ được nhắc lại và trả lời về kết quả giải quyết ở chương trình kế tiếp, chứ không phải "lời hứa suông", nói rồi để đó. Cử tri và nhân dân thành phố rất quan tâm, đánh giá cao các kỳ họp chuyên đề và nhất là chương trình "Hội đồng nhân dân với cử tri" của Đà Nẵng.

Bài 2: Sự hài lòng của người dân là "thước đo" ảnh 7

Cử tri chất vấn, kiến nghị tại các kỳ tiếp xúc cử tri và chương trình HĐND với cử tri.

Đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh: Thành ủy Đà Nẵng xác định, thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của Đảng bộ và cả hệ thống chính trị. Trong đó, công tác giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, của HĐND, Thường trực và các Ban của HĐND, của Ủy ban Mặt trận, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân đóng vai trò quyết định trong quản lý, điều hành của chính quyền, cơ quan chức năng.

Để tiếp tục nâng cao hơn chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đã đề xuất lên Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xây dựng chế tài đủ mạnh nhằm tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, nhất là đối với các trường hợp không chấp hành việc báo cáo theo đề cương giám sát; thiếu hợp tác khi đoàn giám sát tổ chức giám sát; không thực hiện đầy đủ, kịp thời các nội dung kết luận sau giám sát. Lãnh đạo thành phố kiến nghị cần có quy định cụ thể hướng dẫn về công tác phối hợp trong việc giám sát tại địa phương giữa Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực HĐND, các Ban của HĐND để nâng cao vai trò, hiệu quả trong hoạt động giám sát, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót.

(Còn nữa)

---------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 30/8/2024.