Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động thanh tra

NDO - Sáng 25/10, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội ủng hộ việc tiếp tục duy trì, củng cố thanh tra huyện, đồng thời kiến nghị tổ chức thanh tra chuyên ngành với các tiêu chí cụ thể, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động thanh tra.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh phiên họp sáng 25/10 tại Hội trường Diên Hồng.
Quang cảnh phiên họp sáng 25/10 tại Hội trường Diên Hồng.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về cơ bản, các đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thanh tra (sửa đổi) và nhất trí với những nội dung cơ bản của dự thảo Luật.

Nhất trí duy trì thanh tra cấp huyện

Về những nội dung cụ thể liên quan thanh tra huyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, những bất cập trong tổ chức và hoạt động của thanh tra huyện thời gian qua không phải do thiết chế này không còn phù hợp mà vì chưa được bố trí đủ nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho quy định về thanh tra huyện như trong dự thảo Luật, đồng thời đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp căn cơ, đồng bộ để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của thanh tra huyện thời gian qua.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động thanh tra ảnh 1

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Về thành lập thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ; thanh tra Cục thuộc Tổng cục, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định rõ trong Luật các tiêu chí, nguyên tắc thành lập theo hướng thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thành lập trong 3 trường hợp: theo quy định của luật; tại các Tổng cục, Cục thuộc Bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội do Chính phủ quy định; và theo yêu cầu của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu bổ sung quy định về thành lập cơ quan thanh tra tại Cục thuộc Tổng cục được tổ chức theo hệ thống ngành dọc đặt tại địa phương, có phạm vi đối tượng quản lý lớn, quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội và được luật giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

Về thanh tra Sở, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định theo hướng thanh tra Sở được thành lập trong trường hợp: theo quy định của luật; tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ; và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập thanh tra Sở ở các Sở còn lại căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao.

Cần thiết thành lập thanh tra chuyên ngành

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động thanh tra ảnh 2

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ sự tán thành việc thành lập thanh tra cấp huyện; thanh tra Tổng cục, Cục; thành lập thanh tra Sở tùy theo tính chất đặc thù của mỗi tỉnh.

Đại biểu phân tích, việc quy định hệ thống thanh tra 3 cấp là cần thiết, đặc biệt với việc thành lập thanh tra huyện, dù ở huyện với quy mô dân số nhỏ cũng cần có cơ quan thanh tra. Theo đại biểu, điểm yếu của các cơ quan này là do chưa được bố trí nguồn lực đầy đủ, chưa bảo đảm điều kiện hoạt động, nhưng nếu thiếu thanh tra huyện thì ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước ở cấp huyện, nhất là trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng việc thành lập thanh tra chuyên ngành là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho công tác thanh tra, không phát sinh biên chế, tổ chức bộ máy. Tuy nhiên, không nhất thiết Cục, Tổng cục nào cũng cần có thanh tra, mà cần có nguyên tắc cụ thể trong việc thành lập này, giao Chính phủ quy định.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động thanh tra ảnh 3

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang phát biểu tranh luận. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Tranh luận về quy định tổ chức thanh tra Sở, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) cho rằng vẫn nên quy định việc thanh tra Sở được thành lập ở những Sở thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh. Theo đại biểu, xuất phát từ chức năng, vị trí, vai trò của thanh tra đối với cơ quan quản lý nhà nước, ngành, lĩnh vực, thanh tra là 1 chức năng thiết yếu của cơ quan quản lý nhà nước, là việc xem xét, đánh giá, xử lý của cơ quan nhà nước đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Qua thanh tra, sẽ có các kiến nghị để khắc phục những sơ hở, yếu kém, đề xuất những biện pháp đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý, cũng như sửa đổi cơ chế chính sách nhằm quản lý tốt hơn và hiệu quả hơn. Chính vì vậy, trong hoạt động quản lý nhà nước phải có thanh tra, và thanh tra phải phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước.

Ở đâu có quản lý nhà nước thì ở đó phải có thanh tra, quản lý nhà nước mà không có thanh tra sẽ dẫn tới quan liêu, xa rời thực tiễn.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Việt Hà

“Ở đâu có quản lý nhà nước thì ở đó phải có thanh tra, quản lý nhà nước mà không có thanh tra sẽ dẫn tới quan liêu, xa rời thực tiễn”, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nhấn mạnh, đồng thời cho rằng cũng giống thanh tra huyện, thanh tra Sở đã có cả 1 quá trình hình thành, phát triển ổn định, lâu dài, góp phần quan trọng không thể thiếu cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Vì vậy, vẫn nên quy định việc thanh tra Sở được thành lập ở những Sở thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động thanh tra ảnh 4

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Cho ý kiến vào dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) tán thành với quy định trong dự thảo Luật phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập thanh tra Sở.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần quy định ngay trong Luật những tiêu chí, điều kiện được thành lập thanh tra Sở để tạo sự thống nhất chung trên toàn quốc, bởi với quy định như trong dự thảo sẽ dẫn đến tình trạng cùng 1 chức năng, nhiệm vụ, cùng phạm vi quản lý Nhà nước nhưng mỗi địa phương lại có 1 mô hình khác nhau.

Đại biểu cũng đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định chế tài xử lý sau thanh tra đối với các sai phạm về kinh tế của các tổ chức, đơn vị, cá nhân là đối tượng thanh tra có sai phạm nhưng thực hiện không nghiêm túc, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Chung quan điểm, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa-Vũng Tàu) bày tỏ kỳ vọng dự án Luật lần này sẽ phát huy cao nhất hiệu quả cơ chế kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước, nhưng không làm lãng phí nguồn lực, chồng chéo công việc, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Để bảo đảm tính chặt chẽ của dự án Luật, đại biểu đề nghị cần xem xét, bổ sung quy định cụ thể về căn cứ, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ sung, sửa đổi kết luận thanh tra, nhằm tránh tiêu cực, hạn chế việc sửa đi sửa lại kết luận thanh tra.

Về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, đại biểu đề nghị cần quy định rõ việc phối hợp xử lý chồng chéo giữa hoạt động thanh tra với hoạt động giám sát của cơ quan dân cử và hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng.