Ông Vũ Đức Thuật, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết: Các cơ quan liên ngành chia làm ba đoàn sẽ tiến hành thanh tra từ ngày 1/1/2021 cho đến thời điểm thanh tra. Mục tiêu cao nhất khi tiến hành thanh tra là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Vì chỉ khi thu được tiền nợ đọng, cơ quan bảo hiểm xã hội mới có căn cứ để giải quyết, chi trả các chế độ bảo hiểm ngắn hạn, dài hạn, khám, chữa bệnh... cho người lao động. Do đó, rất mong các đơn vị khắc phục số tiền nợ đọng để bảo đảm quyền lợi của người lao động và tính nghiêm minh của pháp luật.
Thống kê của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho thấy, đến cuối tháng 8/2022, tổng số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn Thủ đô là hơn 5.000 tỷ đồng, chiếm 8,97% tổng số tiền cần thu, trong đó số nợ phải tính lãi là hơn 1.860 tỷ đồng, chiếm 3,29% tổng số tiền cần thu. Việc doanh nghiệp chậm đóng, nợ đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã khiến nhiều lao động không được giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ chế độ, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Năm 2021 khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, do đơn vị nợ tiền bảo hiểm xã hội cho nên nhiều người lao động đã không được hưởng tiền hỗ trợ (từ 1,8 triệu đồng đến 3,3 triệu đồng/người) từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Một tín hiệu tích cực đáng ghi nhận là ngay khi Thanh tra thành phố Hà Nội công bố quyết định thanh tra, nhiều doanh nghiệp, đơn vị có tên trong danh sách thanh tra đã có những động thái tích cực, cam kết sẽ sớm khắc phục tiền nợ. Là một trong 105 đơn vị nằm trong danh sách thanh tra, Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế khảo sát và đo đạc Việt Phát đã khắc phục toàn bộ số tiền nợ đọng. Bà Nguyễn Thị Xuân, kế toán trưởng của công ty cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp nợ đóng 150 triệu đồng bảo hiểm xã hội của nhân viên từ tháng 1/2021 đến nay. Việc này vừa ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, vừa giảm uy tín của doanh nghiệp. Chính vì vậy, khi nhận được quyết định liên ngành sẽ tiến hành thanh tra, công ty đã cố gắng khắc phục bằng cách đóng kịp thời toàn bộ số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, hoàn thành nghĩa vụ cho người lao động đến hết ngày 30/9/2022 và cố gắng không để tái diễn.
Trưởng phòng Thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo 4 (Thanh tra thành phố Hà Nội) Phạm Văn Giáp cho biết: Căn cứ vào kết quả thanh tra, tùy theo mức độ, Đoàn thanh tra liên ngành của thành phố sẽ đề xuất xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Hồ sơ của những đơn vị vi phạm ở mức độ nghiêm trọng sẽ được chuyển sang cơ quan điều tra để xem xét xử lý hình sự. Trường hợp các đơn vị được thanh tra tự giác chấp hành nộp đầy đủ số tiền chậm đóng, tiền nợ đọng, thì Đoàn thanh tra tiếp nhận hồ sơ và báo cáo Trưởng đoàn Thanh tra, để báo cáo các bên liên quan xem xét, dừng thanh tra tại đơn vị đó.
Các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội hiện quản lý hơn 102.400 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng với gần 1,92 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tám tháng đầu năm 2022, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã tiến hành hơn 5.000 cuộc thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị, doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và đã thu hồi hàng trăm tỷ đồng tiền nợ đọng. Việc thành phố Hà Nội tổ chức thanh tra các doanh nghiệp chậm đóng, nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là một giải pháp quan trọng khắc phục tình trạng nợ bảo hiểm xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động.