Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả của cơ chế thanh tra

NDO - Chiều 17/8, tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh phiên họp chuyên đề cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH)
Quang cảnh phiên họp chuyên đề cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH)

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này đã được chỉnh lý 87/117 điều (80 điều được chỉnh lý về nội dung, 7 điều chỉnh lý về kỹ thuật văn bản); về bố cục, tăng thêm 1 điều và sắp xếp, bố cục lại các điều, mục trong các Chương của dự thảo Luật cho hợp lý.

Cần thiết duy trì, củng cố Thanh tra huyện

Theo báo cáo, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với dự thảo Luật về việc giữ hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện hành, gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh và Thanh tra huyện; trong đó, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần phải có giải pháp đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động và bố trí số lượng biên chế hợp lý để bảo đảm cho Thanh tra huyện có đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Một số ý kiến đề nghị không tổ chức Thanh tra huyện hoặc không thành lập Thanh tra huyện tại một số đơn vị hành chính cấp huyện có quy mô nhỏ, dân số ít, không có nhiều yêu cầu về thanh tra.

Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo nhận thấy, hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện hành trong đó có Thanh tra huyện đã có quá trình hình thành và phát triển ổn định, lâu dài. Việc tiếp tục duy trì, củng cố Thanh tra huyện để tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra là cần thiết, bảo đảm cho chính quyền địa phương cấp huyện thực hiện hiệu quả nhiệm vụ theo phân cấp, kịp thời phát hiện sai phạm ngay từ ở cơ sở; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất về tổ chức với cơ quan thanh tra ở cấp tỉnh và trung ương.

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường bày tỏ đồng tình với tiếp tục duy trì Thanh tra huyện, bởi đây là cơ quan quan trọng, phụ trách luôn cả thanh tra cấp xã, đồng thời tham gia xử lý khiếu nại, tố cáo ngay từ đầu.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả của cơ chế thanh tra ảnh 1
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Tán thành quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết sự bất cập của thanh tra cấp huyện là do nhiều nơi thiếu quan tâm cả về tổ chức biên chế, đào tạo nhân lực cũng như nguồn lực bảo đảm hoạt động của thanh tra cấp huyện, chứ không phải do thiết chế này không còn phù hợp.

Ngoài nhiệm vụ thanh tra giúp cho cấp ủy, chính quyền, Thanh tra huyện còn là đầu mối tổ chức triển khai nhiều nhiệm vụ được giao trong các luật khác, như tham gia vào công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nhấn mạnh nguyên tắc “nơi nào có cấp hành chính, nơi đó có thanh tra”, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc duy trì Thanh tra huyện là cần thiết, và cần củng cố thiết chế này cả về tổ chức biên chế, đào tạo nhân lực, và chế độ, chính sách…

Xác định rõ thẩm quyền của cơ quan thanh tra, đoàn thanh tra

Góp ý vào dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật. Đồng thời, khẳng định việc ban hành Luật này sẽ giúp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong luật cũ, cũng như bảo đảm không phát sinh thêm những vướng mắc, bất cập mới trong thực tiễn triển khai, qua đó nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ thêm mối quan hệ về trách nhiệm, thẩm quyền giữa thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, thủ trưởng cơ quan thanh tra và trưởng đoàn thanh tra trong việc đưa ra kết luận thanh tra.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả của cơ chế thanh tra ảnh 2

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu thảo luận tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Theo đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát tính độc lập về chuyên môn của cơ quan thanh tra, những vướng mắc trong việc đưa ra kết luận thanh tra, cũng như xác định quyền hạn của trưởng đoàn thanh tra, chánh thanh tra. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là nội dung rất quan trọng, giúp nâng cao tinh thần tự chịu trách nhiệm, cũng như đẩy nhanh quá trình công bố kết luận thanh tra.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, mối quan hệ giữa thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, thủ trưởng cơ quan thanh tra và trưởng đoàn thanh tra đã được quy định trong luật hiện hành, nhưng trên thực tế tính độc lập về chuyên môn của tổ chức thanh tra không cao do nhiều vướng mắc phát sinh trong thực tiễn triển khai.

Để khắc phục vấn đề này, Điều 74 của dự thảo Luật quy định ban hành Kết luận thanh tra nêu rõ, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo Kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra ký ban hành Kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình.

Tham gia làm rõ nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết dự thảo Luật đã cố gắng bảo đảm tính độc lập về chuyên môn của đoàn thanh tra. Về nguyên tắc, đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm về Kết luận thanh tra. Dự thảo Kết luận thanh tra được gửi cho thành viên đoàn thanh tra để tham gia ý kiến trước khi trình người ra quyết định thanh tra.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả của cơ chế thanh tra ảnh 3
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu. (Ảnh: DUY LINH)

Thành viên đoàn thanh tra có quyền bảo lưu ý kiến về nội dung dự thảo Kết luận thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra có quyền bảo lưu ý kiến về nội dung Kết luận thanh tra trước người ra quyết định thanh tra. Ý kiến bảo lưu được thể hiện bằng văn bản gửi kèm theo dự thảo Kết luận thanh tra.

Bên cạnh đó, Điều 49 dự thảo Luật cũng phân định rõ trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, người ra quyết định thanh tra và trưởng đoàn thanh tra.

Kết luận nội dung thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, làm rõ các nội dung liên quan vấn đề tổ chức bộ máy thanh tra trong cả hệ thống thanh tra; xác định rõ hơn thẩm quyền của cơ quan thanh tra, đoàn thanh tra để tránh khoảng trống pháp luật đối với hoạt động thanh tra.

Đồng thời, làm rõ quy trình thanh tra và thực hiện kết luận thanh tra, công bố kết luận thanh tra với các khâu, các bước cụ thể, cũng như tính độc lập của đoàn thanh tra, cơ quan thanh tra gắn với chịu trách nhiệm theo pháp luật…