Nâng cao hiệu quả phòng, chống bệnh lao tại các trại giam

NDO - Số lượng đối tượng mắc bệnh lao, lao/HIV hằng năm được phát hiện thu dung điều trị tại trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng vào khoảng 2.000 phạm nhân. Trong khi trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh tại các trại giam chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, đây là nguy cơ khiến bệnh lao có thể lây lan, khó khống chế dịch bệnh.
0:00 / 0:00
0:00
Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ về những thách thức trong tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam.
Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ về những thách thức trong tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam.

Mới đây, tại Hội nghị "Tổng kết hoạt động cung cấp điều trị lao kháng thuốc cho phạm nhân trong trại giam năm 2023”, Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (Cục C10), Bộ Công an cho biết, theo báo cáo trong 11 tháng đầu năm 2023, các trại giam thuộc Cục C10 đã phối hợp chương trình chống lao tỉnh tổ chức khám sàng lọc định kỳ bệnh lao cho 22 trại giam với trên 60.000 phạm nhân.

Hiện vẫn còn 32 trại giam chưa được sàng lọc bệnh lao chủ động do chương trình chống lao trên địa bàn chưa có xe X-quang di động, sẽ được triển khai trong tháng 12 sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu.

Theo đó, số phạm nhân được phát hiện và thu nhận điều trị là 604 phạm nhân, số phạm nhân mắc lao kháng thuốc được đưa vào điều trị là 27 phạm nhân.

Hiện vẫn còn 32 trại giam chưa được sàng lọc bệnh lao chủ động do chương trình chống lao trên địa bàn chưa có xe X-quang di động, sẽ được triển khai trong tháng 12 sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu.

“Tại các trại giam, tỷ lệ phạm nhân mắc lao, lao/HIV, lao đa kháng thuốc, nhiễm HIV, viêm gan B, C và các bệnh lây nhiễm khác cao gấp khoảng 10 lần so với ngoài cộng đồng. Do đặc thù công việc, cán bộ, chiến sĩ phải thường xuyên tiếp xúc, thường xuyên đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao nên ở một số đơn vị đã có cán bộ chiến sĩ bị mắc lao, lao đa kháng thuốc”, Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng cho biết.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng giam giữ cũng như trang thiết bị y tế tại các trại giam chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, nhiều đơn vị bệnh xá xây dựng đã lâu đến nay bị xuống cấp, chưa có khu cách ly, điều trị, thiếu nhân lực, thiếu các phương tiện chẩn đoán, phát hiện sớm các bệnh lây nhiễm như lao, lao đa kháng thuốc.

Nhận thức của phạm nhân, trại viên, học sinh về bệnh lao, lao/HIV, lao đa kháng thuốc còn hạn chế, nên nguy cơ lây nhiễm trong môi trường trại giam là rất cao.

Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời cũng là nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình chống lao Quốc gia nhận thức rõ trại giam là nơi có số lượng đối tượng mắc bệnh lao, lao/HIV, lao kháng thuốc cao hơn bên ngoài cộng đồng; điều kiện khám chữa và dự phòng bệnh hiện còn nhiều hạn chế.

Do đó, những năm qua, Bệnh viện Phổi Trung ương đã phối hợp Cục C10 triển khai các hoạt động phòng, chống lao, hỗ trợ khám sàng lọc định kỳ, hỗ trợ sàng lọc đầu vào giúp phát hiện, thu dung điều trị số lượng lớn phạm nhân mắc lao, lao kháng thuốc, giúp hạn chế lây lan trong khu giam giữ.

Đồng thời, Chương trình chống lao Quốc gia cũng đã cấp một số trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám sàng lọc lao cho phạm nhân.

Nâng cao hiệu quả phòng, chống bệnh lao tại các trại giam ảnh 1

Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (Cục C10), Bộ Công an đề xuất chương trình phối hợp tăng cường phòng, chống lao tại các trại giam.

Tuy nhiên, trên thực tế, kinh phí của Chương trình chống lao trong các giai đoạn đều thiếu hụt so với tổng nhu cầu của chương trình, không thể đáp ứng đầy đủ các đề xuất của các đơn vị tuyến dưới cũng như đối tác cùng triển khai hoạt động phòng chống lao, chỉ có thể phân bổ cho những can thiệp đưa lại hiệu quả tối ưu nhất trong khả năng kinh phí có sẵn.

Để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống lao tại khu giam giữ, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đề nghị Cục C10 tham mưu Bộ Công an hỗ trợ kinh phí cũng như tích cực vận động các nguồn viện trợ khác để bổ sung kinh phí cho các hoạt động phòng, chống lao trong trại giam.

Cục C10 nên tham mưu đề xuất kinh phí từ Bộ Công an, cũng như Chương trình chống lao để được trang bị thêm máy X-quang di động kỹ thuật số cho các trại giam chưa có máy X-quang hoặc có máy X-quang nhưng bị hỏng không sửa chữa được.

"Cùng với đó, Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình chống lao Quốc gia cam kết hỗ trợ áp dụng các phác đồ điều trị có thời gian ngắn, không thuốc tiêm, ít tác dụng phụ, hiệu quả điều trị cao trong khu vực trại giam, giúp tăng tỷ lệ điều trị thành công lao và lao kháng đa thuốc cho phạm nhân”, Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Văn Lượng nhấn mạnh.

Cục C10 và Chương trình chống lao Quốc gia đề xuất hai bên cần phối hợp để xây dựng kế hoạch chiến lược chi tiết cho hoạt động phòng, chống lao trong khu vực trại giam, bao gồm nhu cầu trang bị công cụ chẩn đoán, cải tạo khu vực điều trị bảo đảm kiểm soát lây nhiễm, hỗ trợ quá trình chẩn đoán và điều trị phạm nhân mắc lao, lao kháng thuốc, nâng cao năng lực, các chính sách hỗ trợ cán bộ y tế chăm sóc bệnh nhân...

Kế hoạch cũng cần tính toán đến các nguồn kinh phí có khả năng được phân bổ, những nguồn kinh phí có tiềm năng vận động thành công... để định hướng các hoạt động tiếp theo.