Ngày 18/8, Chương trình Chống lao Quốc gia tổ chức Sơ kết công tác phòng, chống lao 6 tháng đầu năm 2023 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 tại Nghệ An với sự tham gia của đại diện ngành y tế 63 tỉnh, thành phố.
Công tác phát hiện, điều trị lao còn hạn chế
Năm 2022 đã chứng minh cho sự phục hồi mạnh mẽ của Chương trình chống lao, với số phát hiện bệnh lao tăng gần 31% so năm 2021. Số liệu phát hiện 6 tháng đầu năm 2023 của chương trình so cùng kỳ năm 2022, 2021 và thậm chí còn cao hơn cả cùng kỳ năm 2020, thời điểm Covid-19 chỉ mới xảy ra tại Việt Nam.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, do chỉ tiêu cam kết với Quỹ toàn cầu cho giai đoạn 2021-2023 ở mức cao nhằm hướng đến quá trình thanh toán bệnh lao trong những giai đoạn tiếp theo, Chương trình Chống lao Quốc gia trong 6 tháng đầu năm cũng mới chỉ đạt được 37,1% chỉ tiêu kế hoạch cả năm (51.254 ca bệnh/chỉ tiêu 138.000 ca).
Dịch tễ lao ở Việt Nam còn cao, xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới và xếp thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu.
Về hoạt động lao kháng thuốc, trong 6 tháng đầu năm, tổng số bệnh nhân được phát hiện là 1.632, và thu nhận 1.632 vào điều trị. Tuy nhiên kết quả này mới chỉ đạt mức 36% so với chỉ tiêu kế hoạch (4.548).
Tỷ lệ điều trị thành công của bệnh nhân 2 quý đầu năm 2021 là 73%, còn thấp hơn chỉ tiêu đề ra rất nhiều (78%) và ghi nhận tỷ lệ bỏ trị còn cao (12%) trong khi phác đồ chuẩn ngắn hạn đã được mở rộng trên cả nước.
Tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát mới chỉ đạt 80,2%, thấp hơn so năm 2020 là 84,9% và thấp hơn so với chỉ tiêu của WHO (85%). Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn có một số tỉnh có tỷ lệ điều trị khỏi cao như Vĩnh Phúc (100%), Bắc Cạn (96%), Phú Yên (93%) và Trà Vinh (99%).
Tỷ lệ âm hóa đờm sau 2, 3 tháng điều trị của bệnh nhân trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 85,2%, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Các đại biểu tham gia chương trình. |
Chương trình đã triển khai 40 chuyến giám sát thường quy nguồn quỹ toàn cầu từ Trung ương-tỉnh và 923 chuyến giám sát tỉnh-huyện, với nhiều phát hiện đáng lưu ý. Trong hoạt động phối hợp y tế công tư, tổng số bệnh nhân lao phát hiện do y tế công-tư chuyển đến trong 6 tháng đầu năm là 17.317 (chiếm 33,7%).
Bệnh viện Phổi Trung ương đã đặt ra mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035. Nếu chúng ta không làm, hậu quả sẽ là rất rõ, hơn 12.000 người chết mỗi năm, hơn 100.000 gia đình lo lắng và ảnh hưởng đến thu nhập và sản xuất của cải vật chất cho xã hội. 63% bệnh nhân lao nhạy cảm, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hằng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững.
Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương
Đẩy mạnh vai trò của y tế cơ sở trong công tác phòng, chống lao
Công tác chống lao vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn kể từ sau đại dịch Covid-19.
Theo Tiến sĩ Đinh Văn Lượng, hiện công tác chống lao tại 12 tỉnh chưa thành lập bệnh viện lao và bệnh phổi, sát nhập Trung tâm CDC còn khó khăn do thiếu nhân lực...
Việc tự chủ về tài chính tại các tuyến có ảnh hưởng nhất định tới hoạt động của chương trình. Nhiều bệnh viện lao có lượng người bệnh khám và điều trị thấp gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí phải nợ lương cán bộ, nhiều đơn vị thắt chặt hơn về nhân lực và tần suất đi giám sát chương trình chống lao.
Tăng cường phát hiện ca nhiễm lao tại y tế cơ sở. |
Sự thay đổi về cơ chế chính sách đối với việc cung ứng thuốc lao từ nguồn ngân sách nhà nước gây ra nhiều khó khăn cho hệ thống cung ứng thuốc của Chương trình Chống lao quốc gia.
"Thuốc còn tồn tại địa phương có hạn sử dụng ngắn, nguy cơ hết hạn trong khi chưa có cơ chế chính sách rõ ràng về mua sắm thuốc cho đối tượng bệnh nhân lao không có thẻ bảo hiểm y tế, bệnh nhân lao tại các cơ sở chưa đủ điều kiện thanh toán nguồn bảo hiểm y tế.
Đặc biệt, việc cấp phép nhập khẩu ở Bộ Y tế kéo dài do sự thay đổi về cơ cấu tổ chức, quy trình phê duyệt… ảnh hưởng đến tiến độ tiếp nhận hàng, hạn sử dụng của hàng hóa khi về đến Việt Nam còn lại ngắn. Một số mặt hàng đang thiếu trầm trọng do chưa xin được giấy phép nhập khẩu là sinh phẩm Tubeculin PPD và thuốc lao hàng 2", Tiến sĩ Lượng cho hay.
Hiện nhiều tỉnh vẫn còn lúng túng trong việc triển khai mô hình PPM do thiếu nhân lực, thiếu kinh phí và sự chỉ đạo của Sở Y tế. Nhiều cơ sở y tế mức độ phối hợp còn hạn chế, sự đóng góp vào hoạt động phát hiện bệnh nhân lao còn chưa được như mong muốn.
Bác sĩ khám cho bệnh nhân mắc lao còn rất trẻ. |
Sự phản hồi 2 chiều giữa chương trình chống lao tỉnh với các cơ sở y tế công-tư đã tham gia phối hợp còn chưa thật sự khăng khít nên ảnh hưởng đến sự tích cực chuyển gửi người nghi lao từ hệ thống các cơ sở y tế ngoài chương trình.
Hoạt động phát hiện lao trẻ em còn hạn chế, số ca lao trẻ em phát hiện còn thấp so với kỳ vọng và so với ước tính của WHO.
Theo Giám đốc Đinh Văn Lượng, từ đầu năm 2023, chương trình chống lao đã triển khai thí điểm Mô hình phát hiện chủ động bệnh lao trên diện rộng tại cộng đồng với sự tham gia tích cực của hệ thống y tế cơ sở, sự vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo UBND và lãnh đạo Sở Y tế tại Ninh Bình.
"Mô hình này đã có những kết quả khả quan ban đầu, và chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục được nhân rộng ra các tỉnh khác trên cơ sở rút ra các bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai. Chương trình chống lao nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống y tế cơ sở, vận động đẩy mạnh vai trò của y tế cơ sở trong công tác phòng chống lao. Đây là lực lượng gần dân nhất, trực tiếp nhất, một mạng lưới y tế cơ sở đủ năng lực, có trách nhiệm, tâm huyết luôn là lá chắn bảo vệ cộng đồng trước bệnh lao", bác sĩ Lượng bày tỏ.