Kiện toàn lực lượng sẵn có để bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là một trong những dự án luật quan trọng do Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Mục tiêu của việc xây dựng luật này là tạo cơ sở pháp lý để sắp xếp, kiện toàn lại 3 lực lượng sẵn có gồm: Bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách thành một lực lượng thống nhất với chức năng, nhiệm vụ tập trung, làm nòng cốt trong hỗ trợ công an chính quy bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Trong quá trình thảo luận về dự án luật, có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật để bao quát hết các lực lượng có tính chất tự nguyện, tự quản tham gia hỗ trợ công an cấp xã bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm sát thực tiễn
Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với lực lượng thuộc các tổ chức hội, đoàn thể, lực lượng tình nguyện, tự quản, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, bảo vệ chung cư… sẽ không phù hợp về vị trí, vai trò, cũng như tính chất hoạt động giữa lực lượng do chính quyền thành lập với lực lượng hoạt động tự nguyện, tự quản ở cộng đồng dân cư, cơ sở. Vì vậy, đề nghị không mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật để bao quát hết các lực lượng có tính chất tự nguyện, tự quản tham gia hỗ trợ công an cấp xã bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Trước ý kiến đề nghị quy định quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại dự thảo luật, cơ quan chủ trì soạn thảo nêu rõ, đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, không thực hiện chức năng quản lý nhà nước mà tính chất hoạt động là tham gia hỗ trợ theo sự hướng dẫn, phân công, chỉ đạo trực tiếp của công an cấp xã nên việc quy định quyền hạn của lực lượng này là không phù hợp. Vì vậy, đề nghị không quy định quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại dự thảo luật.
Mô hình tự quản về an ninh trật tự tại cổng trường học ở xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. (Ảnh: MAI TÚ) |
Dự thảo luật quy định theo hướng “mở” để chính quyền địa phương căn cứ yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, điều kiện kinh tế-xã hội của từng địa phương để quyết định số lượng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cần thành lập và số lượng người tham gia hoạt động là phù hợp và bảo đảm tính khả thi.
Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng được tuyển chọn tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, dưới sự quản lý và do chính quyền cơ sở thành lập, bảo đảm kinh phí chi trả chế độ, chính sách. Do đó, nếu quy định “cứng” trong Luật về khung mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng và khung mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế sẽ không phù hợp với thực tế, nhất là ở các địa phương còn khó khăn về kinh tế và có thể là áp lực về kinh phí đối với các địa phương chưa tự chủ được ngân sách.
Về nội dung này trong quá trình hoàn thiện dự án luật, Bộ Công an cũng đã trao đổi, xin ý kiến và các địa phương thống nhất quy định theo hướng mở như thể hiện trong dự thảo luật để chính quyền địa phương quyết định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, quyết định mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để phù hợp với thực tế điều kiện ở từng địa phương và bảo đảm tính khả thi của luật.
Tăng hiệu quả, không tăng biên chế
Các thành viên "Ðội tự quản về an ninh trật tự tại khu dân cư" xã Tự nhiên, huyện Thường Tín, Hà Nội hội ý về công tác trên địa bàn. (Ảnh: HỒNG SƠN) |
Cơ quan soạn thảo cũng khẳng định, việc xây dựng, ban hành luật không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động, không làm tăng chi ngân sách, bởi dự thảo luật chỉ thực hiện sắp xếp, kiện toàn lại các lực lượng, chức danh đã được thành lập, hoạt động hiện nay và đang được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật để thống nhất thành một lực lượng chung.
Theo đó, các chế độ, chính sách đang chi trả cho các lực lượng, chức danh này đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đánh giá là phù hợp, bảo đảm tính khả thi sẽ tiếp tục được kế thừa để quy định cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm không làm tăng chi ngân sách nhà nước.
Chính phủ đã có Báo cáo số 518/BC-CP ngày 6/10/2023 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cụ thể về chế độ, chính sách, kinh phí, nguồn nhân lực bảo đảm thực hiện luật khi được ban hành là bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tiễn.
Bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở không tăng về nhân lực và tổng kinh phí
Về nguồn nhân lực bảo đảm trên cơ sở tiếp tục sử dụng lực lượng đang thực tế hoạt động hiện nay với khoảng 300 nghìn người, đây là nguồn lực sẵn có hiện nay của lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng.
Các địa phương căn cứ yêu cầu thực tiễn tại địa phương mình về nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và số lượng người đang được sử dụng thực tế để quyết định việc bố trí lực lượng theo hướng tăng hoặc giảm số lượng phù hợp với điều kiện, khả năng và yêu cầu của từng địa phương.
Đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 35 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, thời gian tới, nhiều đơn vị hành chính sẽ được sáp nhập nên việc bố trí lực lượng tại thôn, tổ dân phố theo quy định của dự thảo luật sẽ càng thuận lợi hơn.
Đại diện cơ quan soạn thảo cũng nhấn mạnh, dự án luật khi được thông qua sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng khẳng định vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ quan trọng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở cũng như bảo đảm về chế độ, chính sách, điều kiện hoạt động của lực lượng này.
Qua đó, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra đó là tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; xây dựng được nền an ninh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân để giải quyết kịp thời các vụ, việc liên quan đến an ninh, trật tự và giữ vững an ninh, trật tự ngay từ địa bàn cơ sở, từ sớm, từ xa, góp phần quan trọng trong xây dựng xã hội an ninh, an toàn vì cuộc sống bình yên của nhân dân.
Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm 6 chương, 34 điều, dự kiến sẽ được Quốc hội khóa XV thông qua trong ngày làm việc áp chót (28/11) của Kỳ họp thứ 6.