Đáp ứng cao nhất yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 6, ngày 27/10, tại Nhà Quốc hội, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum phát biểu thảo luận dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. (Ảnh THỦY NGUYÊN)
Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum phát biểu thảo luận dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. (Ảnh THỦY NGUYÊN)

Phát huy hiệu quả “cánh tay nối dài của an ninh cơ sở”

Mở đầu phiên họp sáng qua, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Phần lớn các đại biểu đánh giá cao nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, bày tỏ tán thành với sự cần thiết ban hành Luật nhằm khẳng định, làm sâu sắc nghĩa vụ tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của mọi công dân Việt Nam, các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trên lãnh thổ nước ta cũng như cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Tuy nhiên, một số đại biểu đã bày tỏ băn khoăn về những quy định còn chưa rõ ràng, có dấu hiệu chồng chéo với các Luật hiện hành. Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình), dự án Luật chưa đề cập đến việc kiện toàn lực lượng bảo vệ dân phố và một số nội dung ưu tiên đối tượng công an xã bán chuyên trách hiện vẫn đang thực thi nhiệm vụ.

Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần làm rõ thêm một số vấn đề để bảo đảm tính thống nhất, tránh nguy cơ chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các lực lượng đã được quy định ngay trong dự án Luật.

Trong khi đó, các đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) và một số đại biểu khác cho rằng, cùng với nội dung bảo đảm điều kiện sức khỏe, dự án Luật cần nghiên cứu thêm các quy định về độ tuổi của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, vì đây được xem như “cánh tay nối dài” của lực lượng công an xã, phường, thường xuyên phối hợp triển khai canh gác, tuần tra ngoài giờ hành chính, nhất là ban đêm.

Hai đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông), Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật xem xét bổ sung quy định về đánh giá, phân loại dựa theo giới tính và giới hạn độ tuổi tối đa của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhằm mục đích cuối cùng là bảo đảm các tiêu chuẩn về thể chất, tình trạng sức khỏe để đáp ứng nhiệm vụ.

Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) đề nghị làm rõ hơn trách nhiệm, nhiệm vụ trong phối hợp giữa lực lượng trên với cấp ủy, tổ dân phố, ban công tác mặt trận nhằm đưa ra đánh giá thường xuyên về hiệu quả hoạt động của các bên.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở không thuộc bộ máy nhà nước, vì thế cần có thêm các quy định bảo đảm sự phối hợp giữa lực lượng và các bên liên quan để bảo đảm trật tự an toàn xã hội qua việc đánh giá, rút kinh nghiệm thường xuyên.

Cuối phiên làm việc, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã giải trình, làm rõ một số vấn đề còn ý kiến khác nhau mà các đại biểu đã nêu.

Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ

Buổi chiều, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Quốc hội, Chính phủ đã đẩy mạnh việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường bộ, đến nay đã đưa vào khai thác sử dụng nhiều công trình trọng điểm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội chung của cả nước.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai áp dụng các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ đã bộc lộ, phát sinh một số quy định cần điều chỉnh cho phù hợp tình hình, nhằm khơi thông nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công vào lĩnh vực giao thông đường bộ, là một trong những lĩnh vực hạ tầng quan trọng quốc gia.

Báo cáo thẩm tra Tờ trình số 588/TTr-CP ngày 20/10/2023 của Chính phủ về Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, nhấn mạnh về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Chính phủ đề xuất các chính sách thí điểm đặc thù nhằm bảo đảm thực hiện thành công chủ trương của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, đổi mới mạnh mẽ phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các hình thức huy động nguồn lực, nhất là các nguồn lực ngoài nhà nước.

Về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) (Điều 4), Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với đề xuất tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án đề xuất thí điểm.

Bên cạnh đó, thời gian qua các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư quan ngại việc tham gia đầu tư các dự án giao thông PPP. Do đó, đề xuất của Chính phủ về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) sẽ chưa xử lý triệt để được những khó khăn, vướng mắc của các dự án giao thông PPP hiện nay.

Liên quan các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương (Điều 6), Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương nhằm cho phép sử dụng ngân sách của địa phương này hỗ trợ vốn cho các địa phương khác, tạo sự linh hoạt trong điều hành ngân sách, đáp ứng nhu cầu cấp bách của các địa phương và thuận lợi hơn cho công tác quản lý dự án…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, đối với các dự án hiện đã có trong danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025: Chính phủ chỉ đạo rà soát, lựa chọn các dự án cấp thiết, đã đáp ứng đủ các điều kiện luật định, để giao kế hoạch vốn kịp thời, đúng quy định pháp luật và chịu trách nhiệm về tính tuân thủ pháp luật trong phân bổ vốn, bảo đảm tính hiệu quả kinh tế-xã hội, không dàn trải, gây thất thoát, lãng phí.

Đối với những dự án mới chưa có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội: dành nguồn và giao Chính phủ khẩn trương chuẩn bị thủ tục đầu tư, tuân thủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, quyết định theo đúng thẩm quyền, trong đó, báo cáo Quốc hội việc bổ sung các dự án đủ điều kiện vào danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Tiếp đó, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ cho ý kiến đối với hai nội dung, về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Tham gia góp ý tại phiên thảo luận về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, đại biểu Nguyễn Văn An (Thái Bình) đề nghị, để chính sách đặc thù sớm được triển khai trên thực tế tại các địa phương có dự án, cần xem xét bổ sung quy định trong dự thảo Nghị quyết về việc giao Cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn về hồ sơ đăng ký; trình tự thực hiện thủ tục đăng ký, xác nhận khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án được thí điểm.

Đồng thời, đề nghị rà soát, xem xét thời gian tổng kết thực hiện Nghị quyết tại khoản 1 Điều 9 của dự thảo Nghị quyết (năm 2026) cho phù hợp với thời gian dự kiến khởi công - hoàn thành các dự án được thí điểm chính sách đặc thù.

Liên quan đến tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng, việc đề nghị tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư PPP đầu tư không quá 70% là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Có thể thấy khi thực hiện các dự án giao thông đường bộ, chi phí để thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chiếm tổng mức đầu tư rất lớn. Do đó, nếu không tăng nguồn vốn đầu tư của nhà nước thì cũng sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp.

Hiện, lực lượng công an được tổ chức chính quy thành 4 cấp. Tuy nhiên, do biên chế phân định hạn chế và ít được bổ sung, cho nên tới nay mỗi xã chỉ được bố trí năm đồng chí và tối đa là chín đồng chí đối với các đô thị lớn. Việc Luật Lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở được thông qua sẽ góp phần huy động thêm nguồn lực hỗ trợ lực lượng công an, tăng cường hiệu quả giữ gìn an ninh trật tự ở các địa phương.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước (Kon Tum)

Cần làm rõ khi Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được ban hành, thì khoản chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước sẽ là bao nhiêu. Bởi theo các quy định của dự án Luật, lực lượng này được hưởng mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ các khoản bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế cũng như công tác bồi dưỡng, huấn luyện, trang bị, trang phục, công cụ hỗ trợ, địa điểm làm việc…

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau)