Nâng cao hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa-thể thao

Thực hiện chủ trương của Ðảng và Nhà nước, thời gian qua, hệ thống thiết chế văn hóa-thể thao của các tỉnh vùng Ðông Bắc và duyên hải Bắc Bộ như Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Ninh được chú trọng đầu tư, từng bước hoàn thiện. Nhiều công trình được xây mới khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, rèn luyện thể dục thể thao của nhân dân và đóng vai trò quan trọng trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở.
0:00 / 0:00
0:00
Kiểm tra tiến độ thi công Trung tâm Văn hóa-Triển lãm tỉnh Bắc Giang.
Kiểm tra tiến độ thi công Trung tâm Văn hóa-Triển lãm tỉnh Bắc Giang.

Một số thiết chế trở thành điểm nhấn độc đáo trong thiết kế cảnh quan, là điểm đến thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm hiện nay là giải pháp, cách làm để phát huy hiệu quả công năng của các công trình tiền tỷ này.

Thời gian qua, hệ thống thiết chế văn hóa-thể thao tại các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang và Quảng Ninh đã tăng về số lượng và từng bước cải thiện về chất lượng. Tuy chưa đáp ứng hoàn toàn nhu cầu thụ hưởng của nhân dân, nhưng hệ thống thiết chế này đã phát huy được công năng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, thể chất của nhân dân trong tỉnh.

Từng bước hoàn thiện đồng bộ hệ thống

Tại Hải Dương, bên cạnh các công trình được đầu tư xây mới như Trung tâm Văn hóa xứ Ðông, Thư viện tỉnh, các sân bóng đá, cầu lông, bể bơi, thư viện tư nhân do tổ chức, cá nhân đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, tham quan, vui chơi. Tuy nhiên, hệ thống thiết chế văn hóa-thể thao cấp tỉnh vẫn còn thiếu, cụ thể là rạp chiếu phim, trung tâm triển lãm, nhà hát, sân vận động.

Toàn tỉnh có một bảo tàng, một thư viện tổng hợp, 12 thư viện cấp huyện, 12 huyện, thị xã, thành phố và 235 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa-thể thao; 1.352 thôn, khu dân cư có nhà văn hóa, sân thể thao… Cấp cơ sở, còn 27 thôn, khu dân cư chưa có nhà văn hóa, 36 xã chưa có sân vận động và 202 thôn, khu dân cư chưa có sân thể thao.

Bà Bùi Thị Ánh Ngọc, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa-Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, về tổng thể, thời gian qua, hệ thống thiết chế văn hóa-thể thao các cấp trên địa bàn tỉnh đã khẳng định vai trò quan trọng, là nơi sinh hoạt cộng đồng, hội họp, học tập, luyện tập thể dục thể thao, nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Nhu cầu thì cao, song thực tế chưa đáp ứng được về cơ sở hạ tầng.

Những năm qua, hệ thống các thiết chế văn hóa từ tỉnh cho đến cơ sở thường xuyên được đầu tư xây dựng, củng cố và hoàn thiện, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, rèn luyện thể dục thể thao của nhân dân. Ðối với cấp tỉnh, trong giai đoạn 2021-2023, Sở đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đưa vào quy hoạch, kế hoạch đầu tư công nhiều thiết chế quan trọng như Trung tâm Văn hóa-Triển lãm tỉnh, sân vận động, rạp nghệ thuật truyền thống.

Ðỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang

Trong đó, Nhà thi đấu thể thao tỉnh Bắc Giang là một trong những thiết chế dấu ấn mang niềm tự hào của người dân Bắc Giang. Trung tâm Văn hóa-Triển lãm tỉnh đang trong quá trình hoàn thiện cũng là thiết chế điểm nhấn trong quần thể thiết chế văn hóa-thể thao hiện đại của tỉnh Bắc Giang.

Cùng với hai tỉnh nêu trên, Quảng Ninh là địa phương có tư duy đột phá trong huy động nguồn lực và cơ chế, chính sách đối với thiết chế văn hóa-thể thao, nhiều công trình văn hóa-thể thao trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được đầu tư, xây dựng quy mô, đồng bộ, hiện đại từ cấp tỉnh đến cơ sở như Khu liên hợp thể thao tỉnh Quảng Ninh, Bảo tàng, Thư viện tỉnh.

Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã tích hợp việc xây dựng thiết chế văn hóa trong quy hoạch tỉnh. Ở cấp tỉnh, các bảo tàng, thư viện, cung quy hoạch, hội chợ và triển lãm, khu liên hợp thể thao, cung văn hóa thanh thiếu nhi, Cung Văn hóa Lao động Việt-Nhật, sân vận động Cẩm Phả… đều là những thiết chế văn hóa-thể thao quy mô, hiện đại, đáp ứng nhu cầu đăng cai, tổ chức các sự kiện thể thao trong nước và quốc tế.

Tất cả 13 huyện, thị xã, thành phố có trung tâm văn hóa-thể thao; có 13 thư viện thuộc trung tâm văn hóa-thể thao; 104/177 trung tâm văn hóa-thể thao cấp xã; 1.449/1.452 thôn khu có nhà văn hóa. Ðến nay, tất cả 13 địa phương cấp huyện đều được tỉnh bố trí quỹ đất để xây dựng thiết chế văn hóa-thể thao.

Nâng cao hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa-thể thao ảnh 1

Nhà thi đấu thể thao hiện đại tại Khu liên hợp thể thao tỉnh Quảng Ninh.

Huy động nguồn lực và phương thức hoạt động

Mục tiêu lớn nhất của các địa phương trong huy động mọi nguồn lực để đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa-thể thao nhằm nâng cao mức thụ hưởng văn hóa, tinh thần và sức khỏe thể chất của nhân dân. Sở hữu hệ thống thiết chế hiện đại, các địa phương đang tập trung khai thác nhằm phát huy cao nhất hiệu quả thiết chế. Ða dạng hóa các hoạt động văn hóa để thiết chế thường xuyên sáng đèn, là bài toán đối với đội ngũ lãnh đạo, quản lý vận hành các thiết chế văn hóa hiện nay.

Nhiều địa phương đã quan tâm quy hoạch quỹ đất đầu tư đồng bộ, xây mới các thiết chế văn hóa-thể thao hiện đại hoặc sửa chữa, chỉnh trang, nâng cấp. Bên cạnh đó, điều quan trọng là phải đổi mới phương thức hoạt động, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ vận hành, quản lý, khai thác công trình hiệu quả nhằm phát huy công năng, hiệu suất, phục vụ nhu cầu văn hóa, luyện tập, thi đấu thể dục thể thao của nhân dân.

Xác định xã hội hóa các hoạt động văn hóa là chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước, phù hợp quy luật vận động và phát triển của lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, cùng hệ thống thiết chế văn hóa-thể thao được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách, Quảng Ninh ban hành nhiều cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực xã hội hóa thiết chế văn hóa-thể thao; khuyến khích các tầng lớp nhân dân đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở.

Trên địa bàn tỉnh hiện có năm điểm chiếu phim, 30 sân tennis, 167 bể bơi, 133 sân bóng đá cỏ nhân tạo... do doanh nghiệp, tư nhân đầu tư xây dựng. Tỉnh đã thu hút mạnh mẽ nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng, kinh doanh các thiết chế văn hóa-thể thao quy mô lớn. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Nguyễn Thanh Tùng cho biết, Quảng Ninh luôn dành nguồn lực ưu tiên đầu tư cho văn hóa.

Hệ thống thiết chế văn hóa-thể thao ngày càng được hoàn thiện với các công trình quy mô, hiện đại. Với hơn 500 công trình, tổng kinh phí đầu tư hơn 10 nghìn tỷ đồng, các thiết chế văn hóa-thể thao hiện đại do các doanh nghiệp, tư nhân xây dựng góp phần làm phong phú thêm hệ thống thiết chế văn hóa-thể thao trên địa bàn tỉnh, đáp ứng được nhu cầu thụ hưởng của nhân dân.

Tiêu biểu như Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam có 165 công trình văn hóa-thể thao như sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, sân tennis, bể bơi, nhà luyện tập bóng bàn, cầu lông, nhà sinh hoạt công nhân, nhà văn hóa, phòng truyền thống của 38 công ty với kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng, với cơ sở vật chất hiện đại, được đầu tư nâng cấp thường xuyên. Dịp hè vừa qua, những thiết chế này thu hút đông đảo người dân, phần lớn là trẻ em tham gia.

Ðối với Bắc Giang, tỉnh có 10 trung tâm văn hóa-thể thao huyện, thành phố, thị xã; 205/209 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 98,1%); 2.112/2.128 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố (đạt 99,2%). Thành phố Bắc Giang, thị xã Việt Yên, huyện Tân Yên, huyện Yên Dũng là những địa phương xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa đối với hệ thống thiết chế văn hóa-thể thao cơ sở.

Hiện nay, Bắc Giang có hai rạp chiếu phim tư nhân với bảy phòng chiếu, 1.056 chỗ ngồi. Doanh thu năm 2023 của hai cụm rạp này đạt gần 10 tỷ đồng. Bên cạnh nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, từ nguồn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hỗ trợ, tỉnh đã quy hoạch và xây dựng một số công trình văn hóa-thể thao trọng điểm như nhà thi đấu thể thao với mức đầu tư 900 tỷ đồng; Trung tâm Văn hóa-Triển lãm tỉnh Bắc Giang với kinh phí đầu tư gần 550 tỷ đồng.

Ðề cập vấn đề nâng cao hiệu quả hoạt động cho trung tâm và các thiết chế văn hóa-thể thao trên địa bàn nói chung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ðỗ Tuấn Khoa cho biết, đây là vấn đề quan tâm hàng đầu của lãnh đạo Sở. Cho dù đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, song ngành văn hóa tỉnh cũng đã lên kế hoạch dự kiến hoạt động của trung tâm một cách hiệu quả, không để lãng phí tiềm năng.

Là công trình văn hóa lớn trên địa bàn mới được xây dựng, Trung tâm Văn hóa xứ Ðông hiện do Trung tâm Văn hóa-Nghệ thuật tỉnh Hải Dương quản lý, sử dụng dưới sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Với định hướng của tỉnh, việc tổ chức đều đặn, đa dạng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật xứng tầm một công trình văn hóa lớn là yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ vận hành thiết chế văn hóa này.

Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Nghệ thuật tỉnh Hải Dương Ðỗ Thị Mai Huệ cho biết: Thiết chế được thiết kế hiện đại, điều hành bằng hệ thống công nghệ thông tin thông minh, trong khi nhân lực của trung tâm chỉ có hơn 80 người. Sau khi đi vào hoạt động, trung tâm đã xây dựng đề án quản lý và vận hành. Trong quá trình đợi phê duyệt, hiện tại, trung tâm phục vụ các nhiệm vụ chính trị là chủ yếu, chưa tổ chức các hoạt động thu phí.

Sau một năm vận hành, quản lý một công trình lớn của tỉnh, đội ngũ đảm nhiệm, điều hành còn gặp nhiều bỡ ngỡ, lo lắng. Ðể phát huy hiệu quả công năng công trình, trung tâm đã nỗ lực tìm kiếm hướng hoạt động hiệu quả để phục vụ nhân dân. Trong các dịp diễn ra những chương trình lớn, trung tâm luôn tổ chức các đội tuyên truyền lưu động trên các tuyến phố trong tỉnh, phát thanh các nội dung sẽ biểu diễn để nhân dân biết; lập các nhóm facebook, Zalo để quảng bá, truyền thông nội dung chương trình văn nghệ, thu hút nhân dân đến xem.

Có thể thấy, trong những năm qua, hệ thống thiết chế văn hóa-thể thao tại các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Ninh đã khởi sắc, dù trong quá trình thực hiện, nhiều địa phương gặp khó khăn, vướng mắc về đền bù giải phóng mặt bằng khiến các dự án thiết chế chưa được triển khai; các hạng mục của thiết chế xuống cấp trong quá trình sử dụng; nhiều thiết chế thể thao như bể bơi gần đây gặp khó bởi quy định tài sản công không được cho thuê, khiến địa phương loay hoay nguồn thu để duy trì hoạt động và chi trả lương cho nhân viên.

Hy vọng những vấn đề này sẽ sớm có nhiều giải pháp “đòn bẩy”, tạo đà để trong thời gian tới, hệ thống thiết chế văn hóa-thể thao tiếp tục được hoàn thiện, thật sự góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, là điểm đến không thể thiếu trong sinh hoạt của cộng đồng.

Trong quá trình phát triển của địa phương, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp, cần quan tâm đầu tư hơn nữa việc xây dựng thiết chế văn hóa-thể thao phục vụ công nhân, người lao động hoặc triển khai thiết chế văn hóa gắn với du lịch… Sự đa dạng các loại hình thiết chế sẽ tạo chuyển biến rõ nét trong cải thiện và nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh cho du lịch các địa phương.