Nâng cao giá trị và phát triển bền vững ngành hàng xoài

NDO - Nhiều giải pháp về kỹ thuật, mở rộng thị trường tiêu thụ được các chuyên gia, nhà khoa học… đưa ra nhằm nâng cao giá trị và phát triển bền vững ngành hàng xoài của Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi hội thảo.
Quang cảnh buổi hội thảo.

Ngày 28/4, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp phối hợp Cục Trồng trọt và Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức hội thảo nâng cao giá trị và phát triển bền vững ngành hàng xoài.

Hiện, cả nước có hơn 115 nghìn ha xoài, trong đó khu vực đồng bằng sông Cửu Long chiếm nhiều nhất với 49.900 ha, sản lượng năm 2022 là 610 nghìn tấn/năm. Đồng Tháp là tỉnh có diện tích trồng xoài đứng thứ 2 cả nước, sau Sơn La.

Diện tích, năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế của cây xoài từng bước được nâng cao. Nông dân ngày càng có kinh nghiệm sản xuất. Bước đầu hình thành vùng sản xuất xoài tập trung, sản xuất hàng hóa, hình thành liên kết sản xuất tại một số tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Sơn La, Khánh Hòa…

Bên cạnh kết quả đạt được, hiện còn những tồn tại sản xuất xoài tại Việt Nam, trong đó, việc sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, khó khăn cho công tác đầu tư, quản lý chất lượng, tiêu thụ sản phẩm; áp dụng quy trình sản xuất chưa tốt, khâu cắt tỉa, tạo tán còn yếu; thiếu liên kết sản xuất, tiêu thụ, giá bán biến động, không ổn định…

Tại hội thảo, nhiều giải pháp được các chuyên gia, nhà khoa học… đưa ra nhằm nâng cao giá trị và phát triển bền vững ngành hàng xoài.

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng cho biết, định hướng thời gian tới, về giải pháp kỹ thuật, người sản xuất cần áp dụng tốt quy trình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, quy trình rải vụ xoài, áp dụng tốt cắt tỉa cành tạo tán, tỉa quả, tăng cường sử dụng phân hữu cơ; đồng thời áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như hệ thống tưới tiết kiệm nước kết hợp bón phân, công nghệ số…

Nâng cao giá trị và phát triển bền vững ngành hàng xoài ảnh 1

Ký kết ghi nhớ hợp tác mô hình chuyển đổi số gắn với truy xuất nguồn gốc chuỗi ngành hàng xoài.

Đối với mở rộng thị trường tiêu thụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đàm phán với các nước để mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch. Đối với thị trường trong nước, các địa phương cần xây dựng thương hiệu. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng thương hiệu sản phẩm xoài, gắn với chỉ dẫn địa lý.

Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, xoài là một trong những loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, được xuất khẩu đến 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu xoài đạt 34,7 triệu USD, tăng 16,7% so cùng kỳ năm 2022.

Xoài là một trong những loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, được xuất khẩu đến 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu xoài đạt 34,7 triệu USD, tăng 16,7% so cùng kỳ năm 2022.

Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II (Cục Bảo vệ Thực vật) Phan Thị Thu Hiền khuyến nghị rà soát, quy hoạch vùng trồng xoài hàng hóa, vùng xuất khẩu để cấp mã số vùng trồng. Sản xuất theo quy trình/tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP. Xác định thị trường xuất khẩu để xây dựng quy trình và tuân thủ nghiêm ngặt theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Tại hội thảo, Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) chia sẻ kinh nghiệm trong nhân rộng tuân thủ tiêu chuẩn và chất lượng của chuỗi giá trị xoài phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.

Dịp này, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) thực hiện bàn giao bộ tài liệu “Quy trình thao tác chuẩn cho chuỗi cung ứng xoài phục vụ xuất khẩu” cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp.

Công ty cổ phần Rynan Technologies VietNam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện Cao Lãnh, Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương ký kết ghi nhớ hợp tác mô hình chuyển đổi số gắn với truy xuất nguồn gốc chuỗi ngành hàng xoài.