Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương

So với năm 2022, chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Ninh Bình năm 2023 tăng cao cả về điểm số và thứ bậc, đạt 67,83 điểm (tăng 3,61 điểm và tăng 25 bậc), đứng thứ 19 trong số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và đứng thứ 6 trong số 11 tỉnh, thành phố vùng Ðồng bằng sông Hồng.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân làm thủ tục tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình. (Ảnh Kim Dung)
Người dân làm thủ tục tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình. (Ảnh Kim Dung)

Ðể đạt được kết quả đó, nhiều địa phương, đơn vị trên toàn tỉnh đã nghiêm túc thực hiện, phấn đấu, cải thiện thứ bậc về đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và các huyện, thành phố (DDCI) hằng năm.

Ninh Bình luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, phát huy dân chủ, kiên định mục tiêu phát triển; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp với phương châm "rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ thời gian, rõ trách nhiệm".

Theo kết quả công bố DDCI tỉnh Ninh Bình năm 2023, Kim Sơn là huyện đứng đầu tỉnh với số điểm 80,03, tăng 5,92 điểm so với năm 2022. Năm 2023, huyện đã tiếp nhận hơn 33.500 hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó có 26.000 hồ sơ trực tuyến, giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt tỷ lệ hơn 99%, đã cắt giảm được hàng trăm giờ làm việc.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kim Sơn Trần Xuân Trường cho biết, với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, thời gian qua, Ủy ban nhân dân huyện Kim Sơn đã chỉ đạo Trung tâm một cửa liên thông và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đẩy mạnh việc nhập, xử lý, giải quyết hồ sơ trên phần mềm một cửa điện tử; triển khai sử dụng kho dữ liệu điện tử trong quá trình tiếp nhận, xử lý giải quyết hồ sơ trên hệ thống của tỉnh; số hóa các văn bản, kết quả giải quyết thủ tục hành chính cũng được thực hiện hiệu quả, đã nâng cao tính công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho người dân.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Ninh Bình, Tổ trưởng Tổ giám sát triển khai thực hiện DDCI Ninh Bình Ðinh Thị Thúy Ngần cho biết, công tác triển khai việc đánh giá phải bảo đảm nghiêm túc, khách quan. Kết quả đánh giá phải được tổng hợp phân tích mang tính khoa học và đánh giá một cách đầy đủ, công khai, minh bạch có trách nhiệm và bảo đảm quy định. Số lượng mẫu khảo sát phải bảo đảm đủ độ tin cậy, khoa học. Thông tin khảo sát từ doanh nghiệp phải tuyệt đối bí mật để bảo đảm cho doanh nghiệp trả lời chính xác, khách quan với thực tiễn. Phương pháp tính điểm các chỉ tiêu bảo đảm tính tương đồng, so sánh giữa các đơn vị qua các năm. Việc khảo sát, điều tra lấy ý kiến phải thực hiện với nội dung, tiêu chí, đối tượng cụ thể, thiết thực những vấn đề đang được doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm khi thực hiện thủ tục hành chính; phản ánh khách quan tình hình hoạt động cũng như khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính tại các sở, ban, ngành và địa phương. Việc tuyển chọn nhà thầu phải khách quan, độc lập; nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu thực hiện khảo sát, phân tích, đánh giá và xây dựng báo cáo kết quả DDCI Ninh Bình năm 2024.

Xác định nâng cao Chỉ số DDCI là khâu đột phá có tính quyết định trong thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, bám sát chín chỉ số thành phần như: tính minh bạch và tiếp cận thông tin, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, vai trò người đứng đầu, mức độ chuyển đổi số, tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh, Ninh Bình đã đề ra các giải pháp cụ thể để tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trên toàn tỉnh tập trung thực hiện tốt, qua đó nâng cao điểm số các chỉ số thành phần.

Ngay sau khi kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh được ban hành, Sở Kế hoạch và Ðầu tư đã xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai các giải pháp tới các phòng, đơn vị trực thuộc để quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm cải thiện các chỉ số thành phần, chỉ tiêu cơ sở do đơn vị chủ trì theo dõi, đánh giá; cập nhật thường xuyên các thông tin về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, chính sách ưu đãi, các định hướng thu hút, danh mục dự án thu hút đầu tư, quy trình thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đầu tư, đăng ký doanh nghiệp; tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Ðồng thời, Sở phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các huyện tuyên truyền đến cộng đồng doanh nghiệp các nội dung Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc khẳng định, DDCI được xem là kênh nhìn nhận, đánh giá khách quan của cộng đồng doanh nghiệp về năng lực điều hành của cấp sở, ban, ngành và chính quyền địa phương, là chỉ dẫn tin cậy để các cấp, các ngành tỉnh Ninh Bình đưa ra những chương trình hành động, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp; giúp thúc đẩy thi đua, cạnh tranh giữa các sở, ban, ngành và giữa các địa phương trong việc cải thiện năng lực điều hành; qua đó, góp phần quan trọng, tiếp tục cải thiện vị trí, thứ bậc về cải cách hành chính và môi trường kinh doanh của tỉnh Ninh Bình trên toàn quốc.

Năm 2024, Ninh Bình đang tiếp tục thực hiện DDCI nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính để nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng tham mưu, điều hành kinh tế giữa các sở, ban, ngành và ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi trên tất cả các lĩnh vực; tạo kênh thông tin tin cậy, minh bạch để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến khách quan, hiệu quả, xây dựng và nâng cao chất lượng điều hành kinh tế-xã hội của chính quyền địa phương và của các sở, ban, ngành trong tỉnh.

Kết quả khảo sát DDCI làm cơ sở để nghiên cứu để tỉnh đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI cấp tỉnh; khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác điều hành của các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố. Ðồng thời kết quả ấy sẽ là một trong những tiêu chí để tỉnh căn cứ đánh giá chất lượng cán bộ hằng năm tại Ninh Bình.