Nâng cao chất lượng hoạt động, vì sự tiến bộ của người mù Việt Nam

NDO - Ngày 13/12, tại Hà Nội, Hội Người mù Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc Hội người mù Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2022-2027, với chủ đề “Phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Hội, vì sự tiến bộ của người mù”.
0:00 / 0:00
0:00
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài phát biểu tại Đại hội.
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài phát biểu tại Đại hội.

Đại hội vinh dự đón nhận lẵng hoa chúc mừng của các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Tham dự Đại hội có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; đại diện Hiệp hội Người mù khu vực châu Á-Thái Bình Dương; Diễn đàn Cộng đồng người mù ASEAN cùng đại diện các bộ, ban, ngành chức năng.

Tại Đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương gửi lời chúc mừng tới 451 đại biểu ưu tú đại diện cho 74.460 hội viên Hội người mù việt Nam “những người đã mất đi ánh sáng của đôi mắt, nhưng luôn giữ vững niềm tin và nghị lực”.

Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài ghi nhận và đánh giá cao các hoạt động của Hội Người mù Việt Nam trong nhiệm kỳ 2017-2022. Hội đã đoàn kết, sáng tạo, xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển tổ chức, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, hội viên, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả.

Đặc biệt, Hội đã có bước chuyển tích cực từ hoạt động có tính chất từ thiện sang trao quyền cho người mù có cơ hội phấn đấu, trưởng thành thông qua việc chủ động phối hợp Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam triển khai tốt các dự án vay vốn giải quyết việc làm cho hội viên phát triển kinh tế gia đình, dạy nghề, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, được cơ quan quản lý nhà nước đánh giá cao khi là đơn vị có tỷ lệ nợ quá hạn thấp nhất…

Trong nhiệm kỳ 2017-2022, Hội đã thành lập thêm được Hội Người mù tỉnh Lạng Sơn; hiện, cả nước có 57 tỉnh, thành hội (tỉnh hội Vĩnh Long bị sáp nhập năm 2018), 423 Huyện hội, 529 Hội xã phường, 3.094 chi hội và 74.459 hội viên.

Báo cáo tại Đại hội nêu rõ, nhiệm kỳ qua, người khuyết tật nói chung, người khiếm thị nói riêng tiếp tục nhận được sự quan tâm về nhiều mặt của Đảng, Nhà nước cùng các bộ, ngành chức năng và cộng đồng xã hội.

Cùng với đó, các cấp Hội người mù không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, mở rộng hội viên, tạo điều kiện để người mù tham gia sinh hoạt, qua đó giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Bản thân mỗi người khiếm thị và gia đình đã nỗ lực vượt lên hoàn cảnh khó khăn để phát huy khả năng trong học tập cũng như cuộc sống.

Kết quả, toàn hội có hơn 1.000 cơ sở sản xuất tập trung, tổ, nhóm sản xuất thủ công, giải quyết việc làm cho gần 10.000 người khiếm thị với mức thu nhập bình quân của nghề thủ công là 2 triệu đồng/người/tháng, riêng nghề xoa bóp bấm huyệt đạt gần 3 triệu đồng/người/tháng, người có tay nghề cao thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Nâng cao chất lượng hoạt động, vì sự tiến bộ của người mù Việt Nam ảnh 1

Quang cảnh Đại hội.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi để giải quyết việc làm, các cơ quan chức năng đã triển khai cho vay đúng người, đối tượng, qua đó giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động là người khiếm thị.

Góp phần nâng cao đời sống cho người khiếm thị, giai đoạn 2017-2022, Hội Người mù Việt Nam mở 353 lớp, dạy nghề cho 4.962 người với tổng kinh phí là hơn 19 tỷ đồng.

Việc bảo đảm an sinh cho người khiếm thị cũng được các bên chú trọng thực hiện. Đến nay, toàn Hội có 50.487 người mù trong diện được hưởng trợ cấp xã hội, tăng 15.661 người (tương đương 31%) và có 62.988 người được cấp thẻ bảo hiểm y tế, tăng 9.368 người (tương đương 14,87%) so với giai đoạn trước.

Mặc dù đạt những kết quả khả quan, nhưng đời sống của nhiều người khiếm thị còn nhiều khó khăn.

Các cơ quan chức năng các địa phương cùng chung tay chăm lo đời sống người khiếm thị, thực hiện tốt các chế độ, chính sách liên quan, qua đó tạo cơ hội cho họ được thụ hưởng tốt nhất các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao đời sống người khiếm thị, giúp họ hòa nhập và phát triển cùng xã hội.

Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài

Hiện, tỷ lệ hộ nghèo trong các gia đình hội viên khiếm thị hiện còn 13,7%, gấp nhiều lần so với tỷ lệ hộ nghèo nói chung của cả nước (hiện còn khoảng 2%). Số lao động là người khiếm thị qua đào tạo nghề còn thấp, thu nhập chưa cao...

Về nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài yêu cầu Hội Người mù Việt Nam cần tiếp tục phối hợp các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về khuyết tật.

Mỗi cán bộ, hội viên người khiếm thị tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, ý chí tự lực, tự cường vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Hội Người mù Việt Nam đẩy mạnh công tác tổ chức Hội, quan tâm nhiều hơn đến tổ chức Hội miền núi, vùng sâu, vùng xa,vùng khó khăn; chú trọng hơn nữa việc nâng cao chất lượng cán bộ Hội các cấp…

Đặc biệt, tích cực triển khai công tác dạy chữ, hướng nghiệp, dạy nghề nâng cao trình độ cho cán bộ, hội viên. Quan tâm hơn nữa đến công tác dạy chữ, học hòa nhập và tiền hòa nhập của trẻ em khiếm thị.

Phát huy nội lực sẵn có của người khiếm thị, nhân rộng mô hình hay, gương điển hình tiên tiến, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay giải quyết việc làm, giúp người khiếm thị có điều kiện phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Dịp này, Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2022-2027 gồm 66 ủy viên Ban Chấp hành và 9 ủy viên Ban Thường vụ.

Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2022 Phạm Viết Thu tiếp tục được tín nhiệm bầu, giữ chức Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2022-2027.

Cũng tại Đại hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trao Bằng khen cho tập thể cán bộ Hội, 5 đơn vị có thành tích xuất sắc; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trao Bằng khen cho 3 cá nhân.