Chung tay vì sự bình đẳng, hòa nhập của trẻ em khiếm thị

NDO - 60 trẻ em khiếm thị đến từ 34 tỉnh, thành phố, đại diện cho trẻ em khiếm thị toàn quốc đã tham gia Diễn đàn trẻ em khiếm thị Việt Nam lần thứ nhất từ ngày 24-26/8 năm 2022 tại Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện các bộ, ban ngành nhận bản kiến nghị của trẻ em khiếm thị tại Diễn đàn.
Đại diện các bộ, ban ngành nhận bản kiến nghị của trẻ em khiếm thị tại Diễn đàn.

Sáng 26/8, tại Hà Nội, Hội Người mù Việt Nam tổ chức Diễn đàn Trẻ em khiếm thị Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề “Chung tay vì sự bình đẳng, hòa nhập của trẻ em khiếm thị”, nhằm mục tiêu xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật để bảo đảm quyền, thúc đẩy sự bình đẳng, hòa nhập của trẻ em khiếm thị và trẻ em khuyết tật nói chung.

Diễn đàn cũng tập trung vào những chủ đề lớn mà trẻ em khiếm thị đặc biệt quan tâm. Đó là: Can thiệp sớm, phục hồi chức năng và giáo dục; Văn hóa, vui chơi giải trí, tiếp cận thông tin; Tiếp cận giao thông, công trình công cộng, sự tham gia của trẻ em khiếm thị; Trẻ em khiếm thị và sự tham gia bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình…

Tại diễn đàn, thay mặt cho trẻ em khiếm thị cả nước, em Tô Thị Hà (Hội Người mù Hà Nội) đã chia sẻ sự vui mừng khi biết Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chính quyền các địa phương cùng các đoàn thể, tổ chức đã và đang nỗ lực xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật để bảo đảm quyền, thúc đẩy sự bình đẳng, hòa nhập của trẻ em khiếm thị và trẻ em khuyết tật nói chung.

“Chúng cháu mong muốn những thông điệp, kiến nghị này được các cơ quan, tổ chức thường xuyên xem xét và có những giải pháp phù hợp, tạo điều kiện để chúng cháu khắc phục khó khăn, phát huy khả năng, vươn lên hòa nhập với cộng đồng”, Tô Thị Hà bày tỏ.

Chung tay vì sự bình đẳng, hòa nhập của trẻ em khiếm thị ảnh 1

Đồng chí Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Diễn đàn Trẻ em khiếm thị Việt Nam lần thứ nhất.

Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng: Diễn đàn trẻ em khiếm thị ngày hôm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo cơ hội để các cháu được nêu lên những khó khăn, vướng mắc, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, đề xuất với Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành và các tổ chức, đoàn thể.

“Các cháu đã kiến nghị, đề xuất những vấn đề xác đáng, như: can thiệp sớm, phục hồi chức năng, giáo dục, hướng nghiệp, vui chơi, giải trí, văn hóa, văn nghệ, tiếp cận thông tin, giao thông, công trình công cộng và sự tham gia của trẻ em khiếm thị nói riêng, trẻ em khuyết tật nói chung; đó là những vấn đề chúng ta cần phải quan tâm, trăn trở, tìm cách để đáp ứng mong mỏi của các cháu…”, đồng chí Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Đồng thời, đồng chí Đỗ Văn Chiến đánh giá cao sự lắng nghe, chia sẻ và phản hồi thể hiện tinh thần trách nhiệm, tình cảm yêu thương của đại diện các ban, bộ, ngành, tổ chức đã dành cho các cháu.

Đồng chí mong muốn sau diễn đàn này, các ban, bộ, ngành, các tổ chức căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mình sẽ rà soát hệ thống chính sách, pháp luật, nhất là khâu tổ chức thực hiện cùng những nội dung khác liên quan các vấn đề mà các cháu kiến nghị, đưa ra những đề xuất, giải pháp phù hợp nhằm giải quyết thỏa đáng những vấn đề các cháu kiến nghị để trẻ em khiếm thị nói riêng, trẻ em khuyết tật nói chung ngày càng được bảo đảm thực hiện quyền lợi, có cơ hội phát triển toàn diện trong môi trường bình đẳng, thân thiện, hòa nhập, xây đắp tương lai hạnh phúc.

Những thông điệp và kiến nghị của trẻ em khiếm thị Việt Nam đưa ra tại Diễn đàn:

1. Mất đi ánh nhìn không có nghĩa là mất đi tầm nhìn.

2. Can thiệp sớm là cơ hội vàng trong phục hồi chức năng cho trẻ em khiếm thị nói riêng, trẻ em khuyết tật nói chung.

3. Hãy tạo cơ hội để trẻ khuyết tật tham gia tối đa vào các hoạt động phù hợp, yêu thương không đồng nghĩa với sự bảo bọc và làm thay mọi việc.

4. Môi trường bình đẳng, thân thiện, tiếp cận và hòa nhập là ước mơ của trẻ em khiếm thị nói riêng, trẻ em khuyết tật nói chung.

5. Cơ hội giáo dục, hướng nghiệp và tiếp cận thông tin là những nền tảng cơ bản để trẻ em khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng.

6. Trẻ em khiếm thị cần được vui chơi, giải trí, phát triển thể chất, tinh thần như bao trẻ em khác.

7. Trẻ em khuyết tật có khả năng biến những điều không thể thành có thể nếu được gia đình, nhà trường, xã hội tạo những điều kiện đầy đủ và đúng nghĩa.

8. Mọi vấn đề liên quan trẻ em khuyết tật cần có sự tham gia của trẻ em khuyết tật.

9. Lắng nghe trẻ em khuyết tật để hành động vì lợi ích tốt nhất của trẻ em khuyết tật, vì sự tiến bộ và công bằng xã hội.

10. Hãy cùng yêu thương, tôn trọng, bảo vệ, chăm sóc và bảo đảm quyền của trẻ em khuyết tật.