Qua 30 năm tham gia Chương trình, đến nay, Hội Người mù Việt Nam đã quản lý hơn 51,6 tỷ đồng, qua đó xây dựng 8.412 dự án, cho 94.176 lượt hộ vay vốn, thu hút 82.628 lao động. Hoạt động đã triển khai tại 51 tỉnh, thành hội trên cả nước, cho hơn 400 quận, huyện, thị hội vay vốn.
Bên cạnh đó, Hội Người mù các tỉnh, thành phố cũng tranh thủ nguồn vốn địa phương và các nguồn khác để hỗ trợ cho hội viên vay vốn, phát triển kinh tế với số tiền hơn 20 tỷ đồng.
Với đặc thù các hội viên chủ yếu sống ở nông thôn, ngành nghề chủ yếu là chăn nuôi, trồng trọt, thủ công, buôn bán nhỏ, nên Hội Người mù cũng đặc biệt quan tâm đến mô hình sản xuất kinh tế hộ gia đình, tạo việc làm và thu hút lao động. Đối tượng vay vốn là những hội viên có khả năng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, biết cách làm ăn nhưng thiếu vốn; hội viên thuộc hộ nghèo; hội viên cần vay để tăng quy mô sản xuất…
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị cũng phối hợp mở các lớp dạy nghề, truyền nghề, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm cho hội viên… Đến nay, nhiều hội viên đã thoát nghèo, góp phần vào giảm tỷ lệ hộ nghèo trong Hội mỗi năm từ 1-2%, tính đến tháng 6/2022, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn hội còn 13,7%.
Trong giai đoạn tới (2022-2032), Hội Người mù Việt Nam cũng đề ra những phương hướng cụ thể nhằm chương trình vay vốn được phát huy hiệu quả hơn nữa như: Bảo đảm hội viên trong độ tuổi lao động có nhu cầu được vay vốn; tạo điều kiện cho hội viên được vay với số tiền lớn hơn; góp phần vào giảm tỷ lệ hộ nghèo trong Hội mỗi năm từ 1-2% trở lên…
Dịp này, Hội Người mù Việt Nam cũng tặng Bằng khen cho 31 tỉnh, thành hội và 31 huyện, quận hội cơ sở đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm giai đoạn 1992-2022.