Nâng cao chất lượng cán bộ người dân tộc thiểu số

Tây Nguyên là nơi sinh sống của 5,7 triệu người, trong đó có khoảng 1,6 triệu đồng bào thuộc 47 dân tộc thiểu số. Trên tiến trình phát triển, một trong những trọng tâm ưu tiên của các tỉnh trên địa bàn là xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đó đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS).
0:00 / 0:00
0:00

Vai trò của cán bộ người DTTS là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Họ là những người nắm bắt những vấn đề phát sinh, những bất ổn về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại cơ sở.

Cán bộ sinh ra từ buôn làng, gắn bó mật thiết với đồng bào, am hiểu đời sống cư dân; họ có nhiều cơ hội nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng. Sát dân, cán bộ người DTTS nếu phát huy được bản lĩnh, tri thức, sẽ là nhịp cầu quan trọng để tuyên truyền, vận động, triển khai vào thực tiễn đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân. Họ cũng là người tổ chức, dẫn dắt, tạo cảm hứng cho đồng bào mình trong công cuộc phát triển quê hương.

Tuy vậy, trong công tác quan trọng này, còn bộc lộ nhiều bất cập cần được tháo gỡ.

Theo lãnh đạo một tỉnh Tây Nguyên: “Khả năng tư duy của cán bộ người DTTS ở cơ sở đã được nâng lên rõ rệt, đã vận dụng có hiệu quả những kiến thức tích lũy được qua học tập và hoạt động, giải quyết tốt những vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ người DTTS tham gia lãnh đạo, quản lý tại địa phương còn thấp”.

Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng cho biết, địa phương này có 24,1% số dân là đồng bào DTTS, nhưng chỉ có hơn 2.000 cán bộ, công chức cấp xã trở lên là người đồng bào bản địa trong tổng số gần 30.000 cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh. Tại Gia Lai, đồng bào các DTTS chiếm gần 50% số dân nhưng chỉ có 5.830 người DTTS trong tổng số 34.900 cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh, đạt tỷ lệ 16,7%. Tỷ lệ đó ở Kon Tum là 15,86% với 2.985 người trong tổng số 18.814 cán bộ, công chức, viên chức…

Bởi vậy, xác định tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ người DTTS để tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và bố trí sử dụng một cách hợp lý là một trong những công việc cấp bách mà cấp ủy, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên cần ưu tiên quan tâm.

Thời hội nhập, cán bộ cần phải được trang bị một hệ thống lý luận, tri thức và kỹ năng hoạt động thực tiễn tốt. Phần lớn cán bộ người DTTS trình độ tuy đã được nâng lên, nhưng vẫn còn thấp so với mặt bằng chung. Nhiều người chưa được bố trí phù hợp chuyên môn đào tạo. Một số đồng chí thụ động, tự ti, ỷ lại, khả năng độc lập và tính quyết đoán chưa cao trong giải quyết công việc.

Trước những thách thức từ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nhất là thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đội ngũ cán bộ người DTTS còn bộc lộ rõ những hạn chế; năng lực tổ chức cụ thể hóa chỉ thị, nghị quyết của cấp trên; xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện ở địa phương còn yếu; việc lãnh đạo, quản lý còn nhiều lúng túng…

Cần phải nhận thức sâu sắc hơn tầm quan trọng, phải đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ người DTTS. Xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS phải gắn với đường lối chính trị, trước hết là quán triệt chính sách dân tộc của Đảng.

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính là tạo điều kiện để các DTTS vượt lên thực hiện quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hóa giữa các tộc người; xuất phát từ yêu cầu phát triển, khai thác tài nguyên, thế mạnh của vùng, tạo điều kiện cho vùng DTTS hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước.