Nam Định dừng các cuộc họp chưa cấp bách để ứng phó bão số 1

NDO - Ngày 17/7, đồng chí Phạm Đình Nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Nam Định chủ trì Hội nghị về công tác ứng phó bão số 1 và mưa lũ sau bão.
0:00 / 0:00
0:00
Tỉnh Nam Định họp, sẵn sàng phương án ứng phó bão số 1.
Tỉnh Nam Định họp, sẵn sàng phương án ứng phó bão số 1.

Cơn bão số 1 (tên quốc tế là Talim) đang hoạt động ở phía tây bắc khu vực bắc Biển Đông với sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 13. Theo dự báo, bão số 1 còn tiếp tục mạnh lên cấp 12-13, giật cấp 15; từ chiều 17/7, bão có thể sẽ gây gió mạnh trên Vịnh Bắc Bộ, sau đó tiếp tục ảnh hưởng đến vùng biển ven bờ và đất liền ven biển Bắc Bộ.

Hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn kéo dài, nhất là tại khu vực phía đông Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng, nguy cơ cao xảy ra ngập úng cục bộ tại các đô thị và vùng thấp trũng. Dự báo, do ảnh hưởng của bão số 1, từ đêm 17 đến ngày 20/7, trên địa bàn tỉnh Nam Định có mưa vừa, sau có mưa to, có nơi mưa rất to và dông.

Các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Nghĩa Hưng phổ biến từ 100-200mm; thành phố Nam Định và các huyện Mỹ Lộc, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu phổ biến từ 150-250mm.

Nam Định dừng các cuộc họp chưa cấp bách để ứng phó bão số 1 ảnh 1

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung ứng phó bão, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Để chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão số 1 gây ra, ngay khi nắm bắt chỉ đạo của Trung ương, các cấp chính quyền, ngành chức năng tỉnh Nam Định đã tập trung triển khai đồng bộ công tác chỉ đạo ứng phó bão; kiểm tra, rà soát thực trạng và chủ động phương án bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều, các trọng điểm đê kè xung yếu và các hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, đặc biệt là các huyện ven biển như Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy phải hoãn các cuộc họp chưa cấp bách, tập trung phòng, chống bão; sẵn sàng thực hiện phương án tiêu thoát nước, chống ngập úng cho khu vực sản xuất nông nghiệp và các khu vực trũng thấp tại đô thị, thành phố Nam Định.

Công tác được đặc biệt quan tâm chỉ đạo là gấp rút kiểm đếm tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện, kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trên biển, người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, nhân dân vùng cửa sông, ven biển vào nơi tránh trú an toàn, hoàn thành xong trước 18 giờ ngày 17/7.

Nam Định ban hành lệnh cấm các hoạt động vui chơi trên biển, tắm biển từ 12 giờ ngày 17/7; cấm biển từ 12 giờ ngày 17/7 đối với các phương tiện tàu, thuyền đến khi có tin bão cuối cùng.

Nam Định dừng các cuộc họp chưa cấp bách để ứng phó bão số 1 ảnh 2

Tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn ven biển huyện Nghĩa Hưng (Nam Định).

Cơ quan chức năng tỉnh Nam Định cũng tập trung khoanh vùng, vận hành linh hoạt hệ thống công trình thủy lợi để tiêu thoát nước; thống kê số lượng nhà yếu, nhà tạm kèm theo số nhân khẩu trên địa bàn dự kiến phải sơ tán, có phương án sơ tán cụ thể khi có lệnh.

Các điểm xung yếu phòng, chống lụt bão, nhất là các trọng điểm trên tuyến đê biển đã xây dựng phương án bảo vệ phòng, chống lụt bão theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố. Do đang trong thời điểm gieo cấy lúa mùa, các ngành, các địa phương đã chủ động chuẩn bị phương án chống ngập úng cho các diện tích mạ, lúa mới gieo sạ và rau màu.

Đồng chí Phạm Đình Nghị yêu cầu các ngành, các địa phương tuyệt đối không lơ là chủ quan, phải căn cứ thực tế để sẵn sàng phương án ứng phó bão; sẵn sàng công tác ứng cứu, hỗ trợ chống bão, nhất là công tác tiêu thoát nước, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.