Nam Định chú trọng nâng cao chất lượng cán bộ

Xác định việc xây dựng đội ngũ cán bộ tâm huyết, trách nhiệm, đủ đức, đủ tài là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng cán bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ xã Giao Phong, huyện Giao Thủy hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính trên internet.
Cán bộ xã Giao Phong, huyện Giao Thủy hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính trên internet.

Tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Chuyển đổi số là lĩnh vực nổi bật, có nhiều đột phá của Nam Định trong những năm gần đây. Năm 2022, Nam Định xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc về kết quả xếp hạng chuyển đổi số. Từ tháng 11/2022 đến nay, tỉnh luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về quản trị dịch vụ công trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Tại khu vực nông thôn, bước chuyển mạnh mẽ về chuyển đổi số có ý nghĩa quan trọng trong mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đến nay, xã Giao Phong, huyện Giao Thủy đã được Trung ương chọn xây dựng mô hình thí điểm về xã nông thôn mới thông minh.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Khuyến, Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cho biết: Năm 2023, Sở phối hợp các đơn vị liên quan tích cực tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho hơn 10.000 thành viên các “Tổ công nghệ số cộng đồng” và cán bộ, công chức của các cơ quan nhà nước ba cấp trên địa bàn tỉnh. Đây là các nhân tố trực tiếp lan tỏa, nâng cao chất lượng chuyển đổi số tại cơ sở, góp phần vào kết quả chung của tỉnh.

Theo đồng chí Đặng Thị Hoàng Giang, Phó Trưởng phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ tỉnh: Nam Định luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp trong tỉnh thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chuẩn hóa đội ngũ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với nhiệm vụ, công việc trong tình hình mới.

Ngày 16/5/2023, Nam Định ban hành Kế hoạch số 83/KH-UBND để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác cải cách hành chính giai đoạn 2022-2030” trên địa bàn tỉnh. Đây là bước đột phá trong việc chuẩn hóa kỹ năng cho cán bộ cơ sở làm công tác cải cách hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Từ năm 2016-2023, toàn tỉnh đã cử hơn 7.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ở cả Trung ương và địa phương. Đáng chú ý lần đầu tiên, tỉnh đã phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mở bốn lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho 418 cán bộ đương chức và dự nguồn các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

Qua đó, trình độ chuyên môn, lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được nâng lên, đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 20/10/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa 19) về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từ năm 2016 đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.

Hình thành đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nam Định, việc tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh phải gắn với thực hiện nghiêm Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; căn cứ vị trí việc làm để xác định biên chế, số lượng công chức, viên chức, người lao động cần tuyển cho phù hợp.

Từ năm 2020 đến 2023, Nam Định đã xét tuyển 30 viên chức và công chức cấp xã thành công chức cấp huyện, cấp tỉnh. 100% công chức có trình độ đại học, trong đó có nhiều người tốt nghiệp ở những trường chất lượng cao, bảo đảm theo yêu cầu Nghị quyết; 100% công chức được thi tuyển, xét tuyển theo vị trí việc làm theo quy định.

Nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác “Nâng cao chất lượng giảng dạy tại Trường Chính trị Trường Chinh và các trung tâm chính trị cấp huyện” với nhiều nội dung cụ thể từ định hướng hoạt động; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, giảng viên; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất…, đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; có chính sách hỗ trợ kinh phí đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng.

Đến nay, các đồng chí thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý có trình độ chuyên môn thạc sĩ, tiến sĩ đạt 55,3% (cao hơn chỉ tiêu đề ra là 15,3%). Cán bộ thuộc diện ban thường vụ cấp ủy huyện; lãnh đạo sở, ban, ngành quản lý có trình độ chuyên môn thạc sĩ, tiến sĩ đạt 36,1% (cao hơn chỉ tiêu đề ra là 21,1%). Cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học đạt 62,8% (cao hơn chỉ tiêu đề ra là 27,8%); trình độ cao cấp, cử nhân chính trị đạt 8,5% (cao hơn chỉ tiêu đề ra là 3,5%).

Những năm qua, tỉnh Nam Định cũng luôn quan tâm phát hiện, lựa chọn, bố trí sắp xếp cán bộ có bản lĩnh, năng lực, cán bộ trẻ vào vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp và xác định đó là nội dung cơ bản, có ý nghĩa quan trọng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Bên cạnh đó, công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành trong tỉnh cũng có sự chuyển biến tích cực, góp phần vào việc củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp ủy đảng và xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có kinh nghiệm thực tiễn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh; kết hợp vừa luân chuyển, đào tạo, vừa tăng cường cán bộ cho địa phương.

Đa số cán bộ được luân chuyển đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có tín nhiệm cao, tích lũy được kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn, phát huy tốt năng lực, sở trường ở cương vị công tác được luân chuyển. Trong số cán bộ được luân chuyển, nhiều đồng chí đã được tin tưởng giao nhiệm vụ cao hơn, giữ các cương vị lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện và cấp sở.

Hiện nay, trong thường trực huyện ủy, thành ủy của các huyện, thành phố đều có ít nhất một đồng chí là cán bộ luân chuyển. Nam Định đang từng bước thực hiện việc luân chuyển, bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt ở cấp huyện, cấp trưởng một số ngành cấp huyện không phải là người địa phương.