Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng để kinh doanh trong dịp Tết 2024

NDO - Ngày 4/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp cùng Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức Hội thảo “Những biến động thị trường và cơ hội kinh doanh mùa cuối năm”.
0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm giữ vững thị trường và phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm giữ vững thị trường và phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Hội thảo là cơ hội để các doanh nghiệp nắm bắt tình hình thị trường hiện nay và chia sẻ những giải pháp để tồn tại, phát triển trong thời buổi suy thoái kinh tế nói chung và trong mùa Tết nói riêng.

Giám đốc Phát triển kinh doanh cấp cao Kantar Việt Nam Nguyễn Phương Nga cho biết, tăng trưởng GDP quý 3 năm 2023 có sự phục hồi nhẹ nhưng chưa tạo thành tích ấn tượng so với cùng kỳ những năm 2022.

Điều này khiến mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,5% trong năm 2023 của nước ta trở thành thách thức lớn.

Trong bối cảnh đó, người tiêu dùng cũng thay đổi mối quan tâm và mức độ sẵn sàng chi tiêu của mình.

Trong quý 1 và quý 2 năm 2023, mối quan tâm về vệ sinh an toàn thực phẩm giảm, trong khi mối quan tâm về thu nhập hộ gia đình, chi phí gia tăng và việc làm ổn định tăng nhanh.

Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng để kinh doanh trong dịp Tết 2024 ảnh 2

Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Phát triển kinh doanh cấp cao Kantar Việt Nam phát biểu.

Theo kết quả đo lường của Kantar, khoảng ba quý gần đây, số lượng hộ gia đình có thu nhập thấp gặp khó khăn về tài chính tăng lên, chiếm khoảng 28% trên tổng các hộ được khảo sát.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Phương Nga, các doanh nghiệp khi lên kế hoạch kinh doanh không chỉ cân nhắc tình hình thu nhập mà còn phải xem xét thái độ tiêu tiền của khách hàng.

Bởi, nhóm hộ gia đình có thu nhập cao hoặc trung bình vẫn có thể cắt giảm chi tiêu nếu họ cảm thấy khó khăn.

Ngược lại, nhóm hộ gia đình có thu nhập thấp có thể cảm thấy thoải mái vì họ biết cách chi tiêu phù hợp với thu nhập.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu, khách hàng có xu hướng lựa chọn những sản phẩm theo ba tiêu chí: ưu tiên sức khỏe, tăng trải nghiệm tại nhà, cá nhân hóa nhu cầu.

Và khi tối ưu hóa chi phí mua sắm của gia đình, khách hàng tìm kiếm nhiều cơ hội để nhận được giá trị gia tăng trong dịp mua sắm như: chuyển sang phân khúc thấp hơn, mua số lượng lớn để tiết kiệm, tìm khuyến mãi.

Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng để kinh doanh trong dịp Tết 2024 ảnh 3

Quang cảnh Hội thảo.

Thống kê của Kantar qua nhiều năm cho thấy, xu hướng mua sắm Tết trong khoảng hai đến ba tuần trước Tết hầu như không biến động.

Khảo sát quà tặng dịp Tết 2023, phần lớn các hộ gia đình chuộng chọn quà Tết thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh và có 39% hộ chọn mua giỏ quà.

Đây là số liệu để các doanh nghiệp tham khảo lựa chọn sản phẩm và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cuối năm.

Các chuyên gia cho rằng, nắm bắt tâm lý người tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nâng cao trải nghiệm tiện lợi và đầu tư vào sản phẩm có tính ứng dụng cao chính là chìa khóa để các doanh nghiệp thu hút nhiều khách hàng hơn trong dịp Tết 2024 sắp tới.