Khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu

Người tiêu dùng giảm sức mua đã dẫn đến doanh thu của doanh nghiệp trong nước sụt giảm mạnh, tác động liên hoàn đến chuỗi sản xuất, kinh doanh. Ngoài chính sách giảm thuế để kích cầu tiêu dùng, các doanh nghiệp cũng đang dần tự chuyển đổi để thích nghi với tình hình mới.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp dệt may đang cố gắng duy trì sản xuất giữ ổn định lao động. Ảnh: BẮC SƠN
Doanh nghiệp dệt may đang cố gắng duy trì sản xuất giữ ổn định lao động. Ảnh: BẮC SƠN

Kinh doanh co cụm

Theo Tổng cục Thống kê, tháng 7 là tháng cao điểm của mùa du lịch hè nên hoạt động bán lẻ hàng hóa và dịch vụ sôi động, doanh thu tăng, đặc biệt là du lịch.

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2023 ước đạt 512,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung bảy tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.529,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 15,7%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,6% (cùng kỳ năm 2022 tăng 11,7%).

Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê đánh giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bảy tháng năm 2023 đạt quy mô cao hơn nhưng tốc độ tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước.

Thực tế, khảo sát mới đây của Tổ chức Tư vấn quản trị rủi ro PwC cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đang thận trọng hơn với thói quen chi tiêu của mình. Cụ thể, 62% người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết do lo ngại về giá cả gia tăng; 54% dự kiến sẽ cắt giảm chi tiêu cho các sản phẩm xa xỉ; 13% dự định cắt giảm chi tiêu mặt hàng tạp hóa và thực phẩm…

Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng Giám đốc AEON Việt Nam cho biết, trước đây do ảnh hưởng của Covid-19, người tiêu dùng giảm tần suất mua hàng, nhưng số lượng hàng hóa cho mỗi lần mua tăng lên. Tuy nhiên, với tình hình khó khăn hiện tại, người tiêu dùng chỉ còn chú trọng vào nhóm hàng thiết yếu như thực phẩm, hóa mỹ phẩm phục vụ nhu cầu hằng ngày và giảm chi tiêu đối với các sản phẩm không thiết yếu, đặc biệt là thời trang, phụ kiện, đồ điện tử.

Kết quả cũng thể hiện rõ qua báo cáo kết quả kinh doanh sụt giảm trong những tháng đầu năm 2023 của các công ty bán lẻ.

Cụ thể, doanh thu của Công ty CP Đầu tư Thế giới di động (HoSE: MWG) giảm 21% so với cùng kỳ trong 5 tháng năm 2023; Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) giảm 9,6% so với cùng kỳ trong sáu tháng; Công ty CP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (HoSE: FRT) giữ ổn định so với cùng kỳ trong quý I/2023 và giữ quan điểm thận trọng về triển vọng năm 2023, đặc biệt là sáu tháng năm 2023.

Từng khẳng định là “doanh nghiệp chưa có một quý nào lỗ”, trong quý I/2023, Công ty CP Thế giới số (Digiworld, HoSE: DGW) ghi nhận doanh thu giảm 44% so với cùng kỳ, đạt 3.900 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 78 tỷ đồng, giảm 63% so với quý I/2022.

PwC cho rằng, quan điểm thận trọng về triển vọng kinh tế năm 2023, các nhà bán lẻ này không đặt mục tiêu mở rộng mạnh mạng lưới cho hầu hết các chuỗi bán lẻ của họ.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao cũng đang thể hiện bức tranh thị trường ảm đạm. Tại họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh trong tuần đầu tháng 7/2023, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, sáu tháng đầu năm, thành phố ghi nhận có 82.589 lao động nghỉ việc, làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. So với cùng kỳ, con số này tăng 5.066 người. Nguyên nhân chính là doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dẫn đến giảm giờ làm, thiếu việc.

Trên bình diện cả nước, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho hay số lao động bị mất việc trong quý II/2023 là 217.800 người. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các lao động thuộc các ngành dệt may (16,8%), da giày (14,1%), sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử (14,8%), chế biến gỗ (6,1%)…

Khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu ảnh 1

Người tiêu dùng đang thận trọng hơn với thói quen chi tiêu của mình. Ảnh: SONG ANH

Hệ lụy liên hoàn

Việc người tiêu dùng giảm sức mua đã dẫn đến doanh thu của doanh nghiệp trong nước sụt giảm mạnh, tác động liên hoàn đến chuỗi sản xuất, kinh doanh. Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh, hiện tại người tiêu dùng không chỉ cắt giảm chi tiêu những mặt hàng xa xỉ, mà còn tiết kiệm trong mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu hằng ngày. Điều này đã làm suy giảm sức mua trên thị trường, ảnh hưởng trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp giờ đây lâm vào cảnh “lưỡng đầu thọ địch”, đã phải đối mặt với chi phí đầu vào (nguyên vật liệu, vốn vay…) tăng mạnh, lại phải chịu đựng sức mua yếu ớt của thị trường.

“Doanh nghiệp muốn điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ cũng rất khó khăn, vì tăng giá thì không bán được mà giữ hoặc giảm giá thì như cắt vào thịt mình. Hệ quả tất yếu là nhiều doanh nghiệp đã chọn cách cắt giảm giờ làm, cắt giảm lao động, cắt giảm lương của công nhân để tìm cách sinh tồn”, bà Chi nói.

Ở một góc độ khác, các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu cũng đang lâm vào cảnh khó khăn do người tiêu dùng ở các quốc gia phát triển thắt chặt chi tiêu. Theo lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) hàng dệt may luôn nằm trong tốp 5 mặt hàng bị tiết giảm khi kinh tế suy thoái. Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may nửa đầu năm 2023 suy giảm khá mạnh, nhiều doanh nghiệp thậm chí phải ký đơn hàng nhỏ lẻ hoặc không đúng sở trường để duy trì sản xuất, giữ ổn định lao động.

Trong ngành may mặc, chưa bao giờ doanh nghiệp với hàng nghìn lao động phải nhận đơn hàng chỉ 500 đến vài nghìn sản phẩm. Bên cạnh đó, đơn giá giảm rất mạnh, nhiều đơn vị sản xuất có giá gia công giảm tới 50%. Cụ thể, trước kia, mỗi chiếc áo sơ-mi có giá gia công từ 1,7-1,8 USD thì nay chỉ còn một nửa. Đó là chưa nói việc chậm, hoãn thời gian nhận hàng từ phía đối tác cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp về dòng tiền, kho bãi.

Ở nhóm ngành xuất khẩu thủy sản, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong sáu tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn thấp hơn 27% so với cùng kỳ, đạt gần 4,2 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt gần 1,6 tỷ USD, thấp hơn 31% so với nửa đầu năm 2022. Khó khăn của doanh nghiệp đến từ phía thị trường tiêu thụ kém, giá thức ăn, con giống và các chi phí đầu vào tăng cao, giá thành cao, trong khi giá bán hạ mà vẫn khó tiêu thụ, dẫn đến tồn kho càng khiến cho chi phí đội lên…

Hiện, Chính phủ đã ban hành Nghị định 44 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ nay đến cuối năm, giảm 2% (từ 10% xuống 8%) đối với nhiều mặt hàng. Việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, kích cầu tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tạo thêm việc làm cho người lao động.

Thích nghi với tình hình mới

Trong bối cảnh hiện nay, ngoài trông chờ hỗ trợ từ Chính phủ, các doanh nghiệp cũng đã dần phải có những tính toán để thích nghi với tình hình mới.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), DGW đang đối mặt với một năm đầy thách thức trong năm 2023 khi tiêu dùng người dân suy giảm và sự thắt chặt tài chính tiêu dùng đối với sản phẩm không thiết yếu.

Tuy nhiên trên thực tế, trước bối cảnh khó khăn, DGW đã chủ động chuẩn bị loạt kế sách để đối phó với những “cơn gió ngược”, tìm kiếm cơ hội trong các ngành hàng mới. DGW đã ký hợp đồng phân phối sản phẩm với nhiều thương hiệu tiềm năng như Whirlpool và Joyong trong ngành hàng gia dụng, hàng tiêu dùng với ABInBev và thiết bị công nghiệp thông qua sáp nhập Achison. Đây được đánh giá sẽ là chất xúc tác tăng trưởng cho công ty trong giai đoạn tiếp theo của tiêu dùng Việt Nam.

Tương tự, năm 2022, Công ty CP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, HoSE: FRT) cũng đã thử nghiệm bán hàng gia dụng và ghi nhận tín hiệu tích cực, đóng góp 2,5% tổng doanh thu với biên lãi gộp khá cao 20-25%. FRT kỳ vọng 3 năm tới, mảng này sẽ đóng góp tỷ trọng 15% tổng doanh thu chuỗi FPT Shop. Riêng năm 2023, theo kế hoạch của FRT, công ty sẽ tập trung vào việc từng bước cải thiện lãi gộp bằng cách bán thêm nhóm hàng gia dụng trong các cửa hàng FPT Shop hiện hữu. Được biết, đến nay đã có hơn 300 cửa hàng FPT Shop bán hàng gia dụng, dự kiến sẽ tăng lên con số 600 cửa hàng vào cuối năm.

Ngoài ra, theo tờ trình năm nay, FRT có thể sẽ bổ sung nhiều ngành mới như bán mô-tô, xe máy; bảo dưỡng và sửa chữa mô-tô, xe máy; bán phụ tùng và các bộ phận phụ trợ của mô-tô, xe máy; bán lẻ xe đạp và phụ tùng trong các cửa hàng chuyên doanh; sửa chữa xe đạp, đồng hồ, đồ dùng cá nhân và gia đình...

Đưa ra đánh giá chung về triển vọng của các doanh nghiệp bán lẻ, theo luận điểm của BSC, thị trường tiêu dùng Việt Nam là một thị trường tiềm năng trong thời gian tới nhờ vào dân số hơn 100 triệu người và dân số trẻ với 70% người dưới 35 tuổi, trong đó phần lớn giới trẻ nắm bắt tốt xu hướng công nghệ. Cùng với đó là sự phát triển của thương mại điện tử và sự mở rộng của tầng lớp trung lưu, đang kích thích nhu cầu của nhiều loại sản phẩm từ điện tử tiêu dùng đến thiết bị gia dụng. Những yếu tố này dự kiến sẽ giúp tốc độ tăng trưởng doanh thu các sản phẩm này bền vững là 6-10% mỗi năm trong giai đoạn 2023-2026.