Kiểm soát lạm phát, ổn định tâm lý người tiêu dùng

Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, liên tiếp giá xăng dầu, giá điện được điều chỉnh tăng đã tác động không nhỏ tới đời sống, sản xuất, kinh doanh cũng như gây tâm lý lo lắng cho người dân. Phóng viên (PV) Báo Nhân Dân có cuộc trao đổi ý kiến với Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn chung quanh công tác điều hành giá.

Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị FujiMart (Hà Nội). Ảnh: Ðăng Anh
Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị FujiMart (Hà Nội). Ảnh: Ðăng Anh

PV: Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước về giá, đồng chí đánh giá như thế nào về tác động của việc điều chỉnh giá điện và giá xăng dầu tới mặt bằng giá nói chung cũng như đời sống kinh tế - xã hội?

Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn: Không phải tới bây giờ, khi đứng trước thực tế tăng giá, chúng ta mới có động thái và giải pháp mà ngay từ cuối năm 2018, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành để tính toán, báo cáo Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá về kịch bản điều hành giá cho năm 2019. Các kịch bản đó đều phải dựa trên cơ sở dự báo mặt bằng giá chung năm 2019 và đánh giá các yếu tố có thể tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Trong đó có thể kể tới biến động tăng của giá xăng dầu thế giới, phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý (điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, sách giáo khoa…); tác động từ việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu, cũng như tác động của yếu tố mùa vụ, thiên tai, dịch bệnh đến các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm…

Tiếp đó, trên thực tế, dựa vào cơ sở đánh giá diễn biến mặt bằng giá và kết quả công tác điều hành giá trong quý, Bộ Tài chính thường xuyên rà soát, cập nhật các dự báo và tính toán kịch bản điều hành giá. Quý I vừa qua, Bộ Tài chính đều đã tính đến việc điều chỉnh giá bán điện trong cùng diễn biến tăng giá xăng dầu, và điều hành theo kịch bản đã được dự báo, tính toán ngay từ đầu năm. Với mức điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng 8,36%, Tổng cục Thống kê đã tính toán mức tác động sẽ làm tăng chỉ số giá điện sinh hoạt tháng 3 và tháng 4 lần lượt là 0,33% và 1,85%. Việc đánh giá tác động trực tiếp đến các mặt đời sống kinh tế - xã hội đã được Bộ Công thương tính toán kỹ lưỡng và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phương án điều chỉnh giá điện.

PV: Trong thời gian ngắn, việc tăng giá liên tiếp hai mặt hàng thiết yếu là điện và xăng dầu đã khiến người tiêu dùng lo lắng về áp lực tăng giá trong thời gian tới. Vậy công tác điều hành giá đã giải quyết thực tế này như thế nào, thưa đồng chí?

Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn: Là cơ quan tham mưu cho Chính phủ trong công tác điều hành giá, Bộ Tài chính thấy rằng những lo lắng của người tiêu dùng là đúng, nguyên nhân do công tác truyền thông chưa thật sự chủ động, kịp thời. Tuy nhiên chưa đến mức để quá lo lắng. Bởi xét riêng về giá xăng dầu, có thể thấy với diễn biến tăng liên tục của giá xăng dầu thành phẩm thế giới từ đầu năm đến nay, việc giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng theo đúng tinh thần bám sát thực tế diễn ra trên thị trường. Tuy nhiên, nhằm kiểm soát lạm phát và chỉ số CPI như mục tiêu đã đề ra, Liên Bộ Công thương - Tài chính đã điều hành giá xăng dầu bán lẻ trong nước theo hướng sử dụng linh hoạt công cụ Quỹ bình ổn giá (BOG) để bình ổn giá, hạn chế mức tăng của giá xăng dầu trong nước. Trong chín lần điều chỉnh giá từ đầu năm đến nay, đã có một lần điều chỉnh giảm giá, còn lại bốn lần tăng, bốn lần giữ ổn định giá, cơ bản vẫn nằm trong dự báo từ đầu năm. Ðiều đó cho thấy, việc chỉ đạo điều hành giá vẫn chủ động lường trước được diễn biến có thể xảy ra, chủ động trong công tác điều hành.

Trên cơ sở theo dõi, nắm bắt tình hình trong thời gian gần đây, việc điều chỉnh giá điện và điều hành giá xăng dầu tuy có những tác động nhất định làm tăng CPI, nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát, theo đúng kịch bản đã đề ra, phù hợp với những đánh giá tác động của các bộ, ngành. Với những diễn biến của mặt bằng giá trong bốn tháng đầu năm, có thể đánh giá dư địa điều hành cho các tháng còn lại vẫn trong tầm kiểm soát lạm phát năm 2019 dưới 4%.

PV: Trước áp lực tăng giá, theo đồng chí, từ nay đến cuối năm, cần tập trung triển khai những giải pháp nào để bảo đảm mức lạm phát cả năm như mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra?

Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn: Ðể bảo đảm mục tiêu kiểm soát CPI bình quân năm 2019 ở mức từ 3,3 đến 3,9% theo kịch bản điều hành giá đã đặt ra từ đầu năm, Ban Chỉ đạo điều hành giá chỉ đạo cụ thể các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý, điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, quan trọng từ nay đến cuối năm. Trong đó, riêng với giá điện, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp Tổng cục Thống kê theo dõi, đánh giá tác động gián tiếp của việc điều chỉnh giá điện; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, công khai, minh bạch chi phí đầu vào, thanh tra, kiểm tra và công khai kết quả sản xuất, kinh doanh điện theo quy định. Ðối với giá xăng dầu, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá thế giới kết hợp với việc trích lập và sử dụng quỹ BOG xăng dầu để bình ổn thị trường xăng dầu.

Ðồng thời, phải chủ động có kịch bản kiểm soát CPI ứng phó nếu giá xăng dầu tăng cao để tránh ảnh hưởng đến kỳ vọng về lạm phát. Ðiều đó có nghĩa là Chính phủ sẽ làm các cách để người dân yên tâm về sự ổn định cần thiết trong sản xuất, kinh doanh cũng như trong đời sống. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành cần tập trung triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo điều hành giá, quyết tâm điều hành giá với mục tiêu kiểm soát lạm phát trong khoảng từ 3,3% đến 3,9%. Trong đó cần tập trung chủ động theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, rà soát, cân đối cung cầu để bình ổn thị trường. Trong các thời điểm lễ, Tết, bảo đảm lượng cung hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu người dân, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất nơi tập trung nhiều người lao động.

Việc phân tích, tính toán, đề xuất các kịch bản điều hành giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý phải bảo đảm điều chỉnh giá với liều lượng, thời điểm hợp lý, tương ứng với các kỳ điều hành, tránh điều chỉnh tập trung vào một thời điểm trong năm; công khai, minh bạch các chính sách điều hành giá và công tác thu, chi giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý. Việc điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, chính sách tiền tệ sẽ phải chủ động hơn, linh hoạt hơn; phải có sự phối hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành giữ ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá, giữ ổn định lạm phát cơ bản trong khoảng 1,8%.

Cần tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp quản lý, điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, lương thực, dịch vụ công...; việc điều hành giá trong quý II là thời điểm bản lề cần tính toán thận trọng để bảo đảm dư địa điều hành CPI cho cả năm. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá. Kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công; kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá của doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc tăng cường công tác phân tích, dự báo, bám sát diễn biến giá cả thị trường để báo cáo kịp thời, đề xuất các kịch bản điều hành giá chi tiết trong năm 2019 nhằm bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát phải song song với việc đẩy mạnh công tác truyền thông. Nếu truyền thông không tốt thì khó bảo đảm thông tin minh bạch, kịp thời và đầy đủ về giá và công tác điều hành giá. Người dân cần được biết rõ những giải pháp điều hành những mặt hàng thiết yếu liên quan tới đời sống và công việc làm ăn của mình cũng như cách thức thực hiện các giải pháp đó. Các bộ, ngành cần căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao để chủ động, kịp thời cung cấp thông tin khách quan, toàn diện, chính xác cho các cơ quan báo chí về công tác điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, qua đó ổn định tâm lý người tiêu dùng, kiểm soát lạm phát kỳ vọng.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí.