Năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường cả nước xử lý hơn 52 nghìn vụ việc vi phạm

NDO - Năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã thanh tra, kiểm tra 71.928 vụ (tăng 1,4% so cùng kỳ); phát hiện, xử lý 52.351 vụ vi phạm (tăng 19%); chuyển cơ quan điều tra 174 vụ có dấu hiệu tội phạm (tăng 37%); thu nộp ngân sách trên 501 tỷ đồng (tăng 2,2%).
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Tổng cục Quản lý thị trường.
Quang cảnh Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Tổng cục Quản lý thị trường.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) tổ chức ngày 4/1 tại Hà Nội. Theo đó, trong năm 2023 vừa qua, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới được nhận xét cơ bản đã được kiểm soát.

Tuy nhiên, các đối tượng buôn lậu sử dụng một số phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, điển hình như không khai báo hoặc khai không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; hàng hóa vi phạm được cất giấu tinh vi, giấu lẫn trong hàng hóa không vi phạm, đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu đối với hàng hóa quá cảnh.

Vẫn còn tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thông qua sàn giao dịch điện tử và vận chuyển về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh; chủ yếu các mặt hàng như: thuốc lá ngoại, đường cát, vải, hàng may mặc, rượu, hàng điện tử...

Đáng chú ý, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không bày bán tràn lan như trước đây mà hàng hóa vi phạm sau khi qua biên giới được các đối tượng tập kết tại các kho hàng đặt tại nơi hẻo lánh, ít người qua lại, hoặc tại nhà riêng, sau đó các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh.

Trong thị trường nội địa, tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc… vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện.

Liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 6.773 vụ vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính trên 36,3 tỷ đồng; trị giá hàng hoá tịch thu 31,6 tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực xăng dầu, trong năm qua, cơ bản hoạt động kinh doanh xăng dầu trên cả nước diễn ra bình thường, đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Với mặt hàng này lực lượng đã kiểm tra trên 3.080 vụ kiểm tra, xử lý 860 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 31,8 tỷ đồng (tăng hơn 170%).

Có thể nói, những kết quả kiểm tra, kiểm soát trên của lực lượng đã góp phần giữ ổn định thị trường; bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội và đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; từ đó góp phần làm lành mạnh hóa thị trường, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Tính chung cả năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã thanh tra, kiểm tra 71.928 vụ (tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2022); phát hiện, xử lý 52.351 vụ vi phạm (tăng 19%); chuyển cơ quan điều tra 174 vụ có dấu hiệu tội phạm (tăng 37%). Thu nộp ngân sách trên 501 tỷ đồng (tăng 2,2%).

Phát biểu báo cáo tại hội nghị, Tổng cục trưởng Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho rằng, năm 2023 là năm bản lề trước khi bước vào giai đoạn nước rút để hoàn thành mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2023-2025) và cũng là năm đánh dấu 5 năm Tổng cục hoạt động dưới mô hình ngành dọc tập trung thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Do vậy, bám sát sự chỉ đạo, điều hành năm 2023 của Chính phủ, Bộ Công thương, Tổng cục Quản lý thị trường đã triển khai tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, chủ động giám sát, tấn công hàng giả trên môi trường mạng, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu nghiệp vụ; đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, tăng cường kỷ luật, kỷ cương…

Năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường cả nước xử lý hơn 52 nghìn vụ việc vi phạm ảnh 2

Tổng cục trưởng Quản lý thị trường Trần Hữu Linh báo cáo kết quả công tác Quản lý thị trường năm 2023. (Ảnh: Cấn Dũng)

Những kết quả trên đã đóng góp vào hiệu quả quản lý nhà nước của ngành Công thương trong thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành chặt chẽ việc điều chỉnh cung cầu hàng hóa quan trọng của ngành; các giải pháp phù hợp để ổn định giá các nguyên vật liệu quan trọng và các hàng hóa dịch vụ tiêu dùng thiết yếu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân từ đó bình ổn thị trường, từng bước làm lành mạnh môi trường kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, nhất trong năm 2024, để góp phần bình ổn thị trường, từng bước làm lành mạnh môi trường kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; đóng góp vào hiệu quả quản lý nhà nước; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng, lực lượng Quản lý thị trường cần tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, cần thực hiện nghiêm hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chức năng, nhiệm vụ. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 319 về chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 góp phần nâng cao năng lực công vụ của công chức Quản lý thị trường và góp phần tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử.

Đồng thời, cần tiếp tục siết chặt kỷ luật công vụ; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý đơn vị; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, lực lượng chức năng, các cơ quan thông tin truyền thông tại trung ương và địa phương để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao...