Lực lượng quản lý thị trường cả nước xử lý hơn 353 nghìn vụ vi phạm sau 5 năm kiện toàn bộ máy

NDO - Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, sau 5 năm kiện toàn bộ máy, triển khai hoạt động theo mô hình ngành dọc, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 557.156 vụ việc, xử phạt vi phạm hành chính 353.333 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1.800 tỷ đồng. Đây là kết quả đáng ghi nhận của lực lượng quản lý thị trường trong 5 năm qua sau khi kiện toàn bộ máy quản lý theo ngành dọc.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Thái Bình kiểm tra hàng hóa trên địa bàn.
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Thái Bình kiểm tra hàng hóa trên địa bàn.

Theo đó, lực lượng quản lý thị trường đã chứng minh được tính hiệu quả xuyên suốt, ngày càng khẳng định vai trò chủ công trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại,...

Có nhiều chuyển biến tích cực

Lực lượng quản lý thị trường ra đời từ năm 1957 với nhiệm vụ giúp Chính phủ xây dựng và tổ chức, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách Quản lý thị trường, chống đầu cơ, tích trữ.

Dù trải qua nhiều giai đoạn phát triển, tách-nhập, song, hoạt động kiểm tra, kiểm soát của lực lượng quản lý thị trường đã góp phần ổn định thị trường, bảo vệ sản xuất và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Trước ngày 12/10/2018, lực lượng quản lý thị trường hoạt động theo mô hình cấu trúc ngang bao gồm các Chi Cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố với 681 Đội Quản lý thị trường.

Tuy nhiên, khi tình trạng buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại... diễn biến phức tạp, với các hành vi vi phạm xảy ra không chỉ ở một địa bàn mà có phạm vi, quy mô liên tỉnh, liên vùng, đã đặt ra yêu cầu cấp thiết mới cho lực lượng quản lý thị trường.

Theo đó, ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương.

Quyết định này quy định, lực lượng quản lý thị trường được tổ chức lại theo mô hình Tổng cục ngành dọc tập trung, thống nhất từ trung ương đến cấp huyện, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới, phù hợp với chủ trương của Đảng, Chính phủ.

Theo đánh giá của Phó Tổng cục trưởng Quản lý thị trường Hoàng Ánh Dương, công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng quản lý thị trường đã phát huy hiệu quả, có nhiều chuyển biến tích cực, lan tỏa đến đời sống kinh tế xã hội nói chung và công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Lực lượng quản lý thị trường cả nước xử lý hơn 353 nghìn vụ vi phạm sau 5 năm kiện toàn bộ máy ảnh 1

Phó Tổng cục trưởng Quản lý thị trường Hoàng Ánh Dương.

Hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm đã được lực lượng quản lý thị trường thực hiện một cách tập trung, xuyên suốt, thống nhất trên cả nước; tình trạng manh mún, cắt khúc, thiếu đồng bộ trong công tác đấu tranh phòng, chống và xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại giữa trung ương với địa phương và giữa các địa phương với nhau đã được khắc phục.

Nhiều vụ việc điển hình về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa phương như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, An Giang, Bình Dương, Thanh Hóa, Hải Dương... đã được lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng quản lý thị trường đã phát huy hiệu quả, có nhiều chuyển biến tích cực, lan tỏa đến đời sống kinh tế xã hội nói chung và công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Hoàng Ánh Dương

Phó Tổng cục trưởng Quản lý thị trường

Đặc biệt, có những vụ việc vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất, thủ đoạn phức tạp bị xử lý nhanh chóng đã được Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân ghi nhận, đánh giá cao như: vụ truy quét hàng giả tại 2 Trung tâm mua sắm ở Móng Cái (Quảng Ninh); kiểm tra thu giữ hàng trăm nghìn sản phẩm hàng giả, hàng lậu tại cảng ICD Mỹ Đình; kiểm tra thu giữ hàng trăm nghìn sản phẩm khẩu trang giả mạo nhãn hiệu 3M; phối hợp kiểm tra 21 bãi kinh doanh than tại Hải Dương; kiểm tra, phát hiện cơ sở gia công gần 2.000 áo khoác giả mạo nhãn hiệu Adidas tại Hải Dương,...

Những vụ việc kể trên đã minh chứng mô hình ngành dọc của lực lượng Quản lý thị trường đã khắc phục được điểm yếu bấy lâu nay của ngành, đó là tạo sự chia cắt theo địa bàn, đồng thời, giúp các chỉ đạo, điều hành từ Tổng cục Quản lý thị trường đến các Cục Quản lý thị trường địa phương được thực hiện xuyên suốt, tạo thuận lợi cho các đơn vị phối hợp hành động kịp thời.

Nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp

Theo số liệu báo cáo từ Tổng cục Quản lý thị trường, từ năm 2018 đến tháng 9/2023, toàn lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 557.156 vụ việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; xử phạt vi phạm hành chính 353.333 vụ việc; thu nộp ngân sách nhà nước trên 1.800 tỷ đồng.

Đối với công tác thanh tra chuyên ngành, Tổng cục Quản lý thị trường đã thực hiện thanh kiểm tra 1.034 vụ việc; phát hiện, xử lý vi phạm hành chính đối với 471 tổ chức, cá nhân; xử phạt vi phạm hành chính trên 24 tỷ đồng.

Từ năm 2018 đến tháng 9/2023, lượng quản lý thị trường trên cả nước đã kiểm tra 557.156 vụ việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; xử phạt vi phạm hành chính 353.333 vụ việc; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1.800 tỷ đồng.

Kết quả trên đã cho thấy, từ khi ngành quản lý thị trường chuyển đổi mô hình quản lý sang ngành dọc đã chứng tỏ tính ưu việt khi bộ máy Tổng cục Quản lý thị trường ở cấp Trung ương được tổ chức tinh gọn chỉ còn 4 Vụ, 1 Văn phòng và 1 Cục Nghiệp vụ; trong khi đó, ở cấp địa phương còn 63 Cục Quản lý thị trường.

Đáng chú ý, ở cấp địa phương không còn cấp Chi cục, mà chỉ còn các phòng, đội trực thuộc với số Đội Quản lý thị trường cũng giảm từ 681 đội xuống còn 376 đội (giảm 45%).

Đặc biệt, nhiều vụ việc điển hình về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa phương như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, An Giang, Bình Dương, Thanh Hóa, Hải Dương,... đã được lực lượng quản lý thị trường phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, được Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân ghi nhận, đánh giá cao.

Lực lượng quản lý thị trường cả nước xử lý hơn 353 nghìn vụ vi phạm sau 5 năm kiện toàn bộ máy ảnh 2

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, thu giữ số lượng lớn sản phẩm giấy ăn giả nhãn hiệu Corona tại Bắc Ninh.

Thực tế trên đã chứng minh, sau 5 năm thực hiện kiện toàn bộ máy theo mô hình ngành dọc và việc tinh giản bộ máy không làm yếu đi vai trò chủ công của ngành quản lý thị trường trong chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên thị trường nội địa, trái lại, còn giúp lực lượng ngày càng tinh nhuệ, chuyên nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn không ít những hạn chế làm ảnh hưởng đến công tác quản lý thị trường như năng lực trình độ chuyên môn còn hạn chế, chưa đồng đều, điều kiện làm việc còn nhiều thiếu thốn.

Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu chống gian lận thương mại trong thời kỳ mới, thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường cần tiếp tục nắm chắc, diễn biến, tình hình của thị trường, không để xảy ra bị động bất ngờ.

Đặc biệt, phải nắm vững các diễn biến hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời xử lý nghiêm các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại; ngăn chặn tuyệt đối việc vận chuyển hàng nhập lậu, kém chất lượng; rà soát, phát hiện những bất cập chính sách để kiến nghị sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.

Mặt khác, yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức quản lý thị trường cần không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ lý luận và chuyên môn nghiệp vụ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trong đó, phải làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực thương mại để mọi tầng lớp nhân dân hiểu và đồng tình với hoạt động chuyên môn của lực lượng, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý thị trường, góp phần bảo đảm thị trường lành mạnh, phục vụ phát triển kinh tế và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.