Cần làm tốt hơn nữa công tác quản lý thị trường

NDO - Theo báo cáo tổng kết năm 2023 của Tổng cục Quản lý thị trường, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã đã phát hiện, kiểm tra 71.910 vụ việc và xử lý 52.349 vụ vi phạm, tăng 16% so với năm 2022. Nhiều vụ việc trọng tâm, trọng điểm, tương đối phức tạp liên quan đến hàng giả, hàng lậu tại một số địa phương đã bị lực lượng Quản lý thị trường triệt xóa.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra một cơ sở kinh doanh giấy ăn giả mạo nhãn hiệu tại Bắc Ninh.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra một cơ sở kinh doanh giấy ăn giả mạo nhãn hiệu tại Bắc Ninh.

Tuy nhiên, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong những năm tới, đòi hỏi lực lượng Quản lý thị trường cần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước cũng như hoạt động công vụ quản lý thị trường.

Đạt nhiều kết quả tích cực

Trong năm 2023, Tổng cục Quản lý thị trường đã triển khai tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, chủ động giám sát, tấn công hàng giả trên môi trường mạng, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu nghiệp vụ; đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, tăng cường kỷ luật, kỷ cương…

Theo đó, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 71.910 vụ, phát hiện, xử lý 52.349 vụ vi phạm (tăng 16% so với năm 2022). Trong đó kiểm tra đột xuất 43.838 vụ; kiểm tra định kỳ 22.094 vụ; thanh tra chuyên ngành 204 vụ, ban hành kết luận 118 vụ; thu nộp ngân sách gần 500 tỷ đồng đồng (tăng 36% so với năm 2022), trị giá tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu gần 204 tỷ; chuyển cơ quan điều tra 170 vụ có dấu hiệu hình sự (tăng 35% so với năm 2022).

Đối với một số thị trường ngành hàng, lĩnh vực do Bộ Công thương quản lý như: Xăng dầu, thương mại điện tử, an toàn thực phẩm, thuốc lá... trong năm 2023, toàn lực lượng Quản lý thị trường đã chú trọng kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, qua đó tập trung đánh giá phân tích, đánh giá nhóm hành vi vi phạm chủ yếu, để phát hiện các vướng mắc bất cập của quy định 11 pháp luật và nghiên cứu các giải pháp, kiến nghị nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của ngành Công thương.

Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm kiểm tra 8.306 vụ, xử lý 6.773 vụ; thu phạt trên 36,3 tỷ đồng; trị giá hàng hoá tịch thu 31,6 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm về sở hữu trí tuệ và thực phẩm không bảo đảm chất lượng.

Đối với lĩnh vực thương mại điện tử, kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 6 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là vi phạm quản lý nhà nước về thương mại điện tử và các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đối với lĩnh vực xăng dầu, kiểm tra 2.920 vụ, xử lý 840 vụ, số tiền xử phạt 31,7 tỷ đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là không duy trì điều kiện trong quá trình kinh doanh xăng dầu; không đăng ký hệ thống phân phối (đối với thương nhân phân phối xăng dầu); mua bán xăng dầu ngoài hệ thống; buôn bán xăng dầu có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật; kinh doanh xăng dầu không có hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện đã hết hiệu lực...

Riêng đối với thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới, lực lượng đã kiểm tra 1.386 vụ, xử lý 1.164 vụ, thu phạt 7 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm gần 6 tỷ đồng.

Đặc biệt, triển khai thực hiện Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888), lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 29.195 vụ, xử lý 24.709 vụ, thu phạt 252 tỷ đồng, trị giá hàng hoá vi phạm 390 tỷ đồng.

Trong năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 71.910 vụ, phát hiện, xử lý 52.349 vụ vi phạm (tăng 16% so với năm 2022). Trong đó kiểm tra đột xuất 43.838 vụ; kiểm tra định kỳ 22.094 vụ; thanh tra chuyên ngành 204 vụ, ban hành kết luận 118 vụ; thu nộp ngân sách gần 500 tỷ đồng đồng (tăng 36% so với năm 2022), trị giá tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu gần 204 tỷ; chuyển cơ quan điều tra 170 vụ có dấu hiệu hình sự (tăng 35% so với năm 2022).

Tăng cường kiểm soát thị trường

Những kết quả đạt được nêu trên của lực lượng Quản lý thị trường đã đóng góp vào hiệu quả quản lý nhà nước của ngành Công thương trong thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành chặt chẽ việc điều chỉnh cung cầu hàng hóa; cũng như góp phần giữ ổn định giá các nguyên vật liệu quan trọng và các hàng hóa dịch vụ tiêu dùng thiết yếu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân từ đó bình ổn thị trường, từng bước làm lành mạnh môi trường kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Có thể thấy, qua hoạt động kiểm tra, kết quả xử lý vi phạm nêu trên, kết hợp với công tác tuyên truyền, truyền thông cho thấy, trong năm 2023 hiện tượng bày bán công khai hàng hóa nhập lậu, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã giảm; ý thức tuân thủ pháp luật của chủ thể kinh doanh đã được nâng cao.

Tuy nhiên, cùng với đó, cần nghiêm túc, nghiêm khắc nhìn thẳng vào những hạn chế, bất cập, của lực lượng Quản lý thị trường để tìm ra nguyên nhân, từ đó đề ra cách khắc phục một cách hiệu quả. Trong đó, việc tổ chức bộ máy nhân sự cũng như công tác phối hợp tại địa phương, có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu quả.

Năng lực chuyên môn, đạo đức, văn hóa ứng xử của một bộ phận cán bộ Quản lý thị trường còn bất cập. Sự lạc hậu, chậm đổi mới trong nhận thức, hành động, sự lỏng lẻo trong công tác phối hợp các lực lượng khác cũng là điểm yếu, không phù hợp trong bối cảnh mới.

Cần làm tốt hơn nữa công tác quản lý thị trường ảnh 2

Lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với lực lượng Công an kiểm tra một kho hàng vi phạm

Do đó, song hành cùng hoạt động giao thương ngày càng được mở rộng và phát triển, tình trạng vi phạm trong hoạt động thương mại, nhất là trên môi trường thương mại điện tử vẫn còn gia tăng và nhiều khó khăn thách thức. Đòi hỏi lực lượng Quản lý thị trường cần làm tốt hơn nữa nhiệm vụ kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Trong đó, phải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng khác, bảo vệ sự phát triển của nền kinh tế, quyền lợi của doanh nghiệp, các tổ chức và người dân. Đẩy mạnh số hóa, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành và kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường.

Đặc biệt, phải đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu kéo dài hoặc nghiêm trọng trên địa bàn nào thì người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm; đồng thời gắn với trách nhiệm xây dựng lực lượng Quản lý thị trường trong sạch, vững mạnh từ Trung ương đến địa phương.

Qua đó, góp phần bình ổn thị trường, từng bước làm lành mạnh môi trường kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; đóng góp vào hiệu quả quản lý nhà nước; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng trong những năm tiếp theo.