Năm 2020, tổng số kết dư đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội tăng 10,33%

NDO -

Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, tổng số kết dư đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) đến ngày 31/12/2020 là 897,7 nghìn tỷ đồng (tăng 10,33% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó 86,8% là đầu tư vào trái phiếu Chính phủ.

Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Báo cáo chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020.
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Báo cáo chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, chiều 22/10, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã trình bày Báo cáo chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020.

Theo Báo cáo, tổng số tiền lãi thu được từ hoạt động đầu tư quỹ BHXH trong năm 2020 khoảng 47,59 nghìn tỷ đồng; lãi suất đầu tư bình quân năm 2020 đạt 5,02%, cao hơn 1,79 điểm % so với lạm phát năm 2020 (3,23%).

Bênh cạnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện việc tiết kiệm, cắt giảm chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), với chi phí được cắt giảm, tiết kiệm là hơn 1.689 tỷ đồng so với dự toán kinh phí được giao.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, số đơn vị tham gia BHXH bắt buộc năm 2020 tăng gần 17% so với năm 2019, đạt 622.020 đơn vị. Số tiền thu BHXH cũng ghi nhận mức tăng 6,28% lên 261,7 nghìn tỷ đồng. Tổng số người tham gia BHXH tự nguyện là 1.125.236 người, tăng gấp 2 lần so với 2019, bổ sung thêm 3.969 tỷ đồng vào Quỹ BHXH.

Tuy nhiên, năm 2020 là năm đầu tiên số người tham gia BHXH bắt buộc bị giảm so với năm trước, với 15.050.944 người, giảm 153.092 người (tương ứng với 1%) so với năm 2019. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến người lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh bị mất việc làm, không còn thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.

Cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách BHXH

Trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, năm 2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và ngành BHXH đã thực hiện 8.619 cuộc thanh tra, kiểm tra, phát hiện nhiều trường hợp sai phạm, chưa thực hiện đúng, đủ quy định pháp luật về BHXH, BHTN.

Năm 2020, tổng số kết dư đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội tăng 10,33% -0
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra.

Tuy nhiên, việc chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính cả giai đoạn 2016-2020 còn vẫn ở mức thấp, mới thu hồi 25,2% của tổng số tiền phải thu hồi; tại một số ít địa phương, vẫn còn tình trạng chưa linh hoạt trong việc áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế việc lạm dụng, trục lợi quỹ.

Ủy ban đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách BHXH, có giải pháp hữu hiệu để hạn chế tối đa tình trạng không chấp hành hoặc chấp hành chưa đầy đủ pháp luật về BHXH.

Ngoài ra, cần có giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, đặc biệt là lao động ở khu vực phi chính thức, nhóm tham gia BHXH tự nguyện; hạn chế hưởng BHXH một lần.

Việc thực hiện chức năng khởi kiện nợ đọng BHXH còn nhiều vướng mắc

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đề cập một số vấn đề cần giải quyết, trong đó có việc xử lý tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH có chiều hướng tăng cao, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của người lao động, đặc biệt là an sinh xã hội.

Năm 2020, tổng số kết dư đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội tăng 10,33% -0
 Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Việc thực hiện chức năng khởi kiện nợ đọng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Thực hiện quy định Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 14 Luật Bảo hiểm xã hội, từ ngày 1/1/2016, chức năng khởi kiện nợ đọng BHXH được chuyển từ cơ quan BHXH sang tổ chức công đoàn. Song gần 6 năm qua, chưa doanh nghiệp vi phạm nào được tòa án đưa ra xét xử do vướng về mặt pháp lý, dù công đoàn đã chuyển đến hơn 500 hồ sơ sang tòa.

Nhấn mạnh khó khăn trong giải quyết quyền lợi cho người lao động tại các doanh nghiệp nợ BHXH đóng cửa, phá sản, chủ bỏ trốn do thiếu cơ sở pháp luật, đại biểu Nguyễn Phi Thường đề nghị Nhà nước tạm ứng, trích từ quỹ BHXH để đóng và giải quyết kịp thời quyền lợi của người lao động, bởi bản chất của BHXH là chia sẻ rủi ro.

Góp ý về quỹ BHXH, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, Quỹ BHXH 2020 có số kết dư quá nhiều, cần xem lại tỷ lệ chi, nội dung chi, mức chi cho các đối tượng tham gia BHXH, đặc biệt trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.