Thông báo từ Nhà trắng ngày 20/9 cho biết, các hạn chế đi lại liên quan đến chống dịch áp dụng từ đầu năm ngoái sẽ được nới lỏng vào đầu tháng 11.
Theo người điều phối phụ trách chống dịch Covid-19 của Nhà Trắng Jeff Zients, Mỹ sẽ cho phép nhập cảnh người không phải là công dân Mỹ từ các quốc gia trong danh sách cấm đến nước này từ đầu năm 2020, trong bối cảnh nước này đang chuyển dần sang trạng thái mới.
Các hạn chế về đi lại của Mỹ lần đầu tiên được áp dụng đối với khách đến từ Trung Quốc vào tháng 1/2020 dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, rồi sau đó tiếp tục mở rộng sang các quốc gia khác.
Tổng thống Joe Biden vào tháng 4 năm nay đã bổ sung các hạn chế đi lại mới đối với Ấn Độ, cấm hầu hết các công dân không phải là người Mỹ nhập cảnh vào nước này. Ông Biden cũng đã đảo ngược kế hoạch của ông Trump vào tháng 1 để dỡ bỏ các hạn chế đối với các nước châu Âu.
Mỹ hiện cấm nhập cảnh hầu hết các công dân không phải người nước này trong vòng 14 ngày qua đã từng đến Anh, 26 quốc gia trong khối Schengen ở châu Âu, Ireland, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Iran và Brazil.
Giới chức Mỹ cũng cho biết sẽ có một số ngoại lệ về đi lại có liên quan đến tiêm ngừa vaccine, bao gồm cả đối với trẻ em chưa đủ điều kiện được tiêm chủng.
Hiện các quy định mới này vẫn chưa áp dụng cho người nhập cảnh qua biên giới trên bộ với Mexico và Canada.
Cùng ngày, hãng Pfizer/BioNTech cho biết, vaccine ngừa Covid-19 do hãng này sản xuất tạo phản ứng miễn dịch mạnh ở trẻ em từ 5-11 tuổi. Hãng đang lên kế hoạch xin cấp phép sử dụng vaccine này đối với trẻ em trong độ tuổi trên tại châu Âu, Mỹ và các nơi khác trong thời gian sớm nhất.
Theo Pfizer/BioNTech, kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II/III cho thấy mức phản ứng miễn dịch ở trẻ từ 5-11 tuổi phù hợp với mức đã được quan sát ở độ tuổi 16-25, và nhìn chung có thể so sánh với nhóm tuổi cao hơn.
Giám đốc điều hành của Pfizer, ông Albert Bourla cho biết: “Từ tháng 7, số trẻ em mắc Covid-19 tăng khoảng 240% tại Mỹ, cho thấy rõ sự cần thiết của việc tiêm phòng đối với sức khỏe cộng đồng. Kết quả thử nghiệm vừa qua đã cung cấp một cơ sở vững mạnh để chúng tôi đệ đơn xin cấp phép cho vaccine này đối với lứa tuổi 5-11”.
Ở châu Á, Ấn Độ sẽ nối lại xuất khẩu vaccine kể từ quý IV tới, với ưu tiên dành cho cơ chế COVAX và các nước láng giềng trong bối cảnh nguồn cung tăng lên, theo Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Mansukh Mandaviya.
Ấn Độ là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, vào tháng 4 năm nay, nước này đã ngừng xuất khẩu các lô vaccine ngừa Covid-19 để tập trung cho chiến dịch tiêm chủng trong nước. Sản lượng vaccine sản xuất hàng tháng của quốc gia này đã tăng gấp đôi và dự kiến sẽ tăng gấp bốn lần, lên hơn 300 triệu liều vào tháng tới. Số lượng vaccine tăng thêm sẽ được xuất khẩu và ưu tiên cho các quốc gia láng giềng.
Ở Đông Nam Á, trong ngày Indonesia ghi nhận 1.932 ca mắc Covid-19 mới, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2020.
Theo Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư kiêm điều phối viên giới hạn hoạt động cộng đồng khẩn cấp của Indonesia, ông Luhut Pandjaitan, so với đỉnh dịch hồi tháng 7, số ca mới đã giảm tới 98%. Đến nay, quốc gia từng là tâm dịch Covid-19 tại châu Á đã ghi nhận tổng cộng gần 4,2 triệu ca nhiễm và hơn 140 nghìn ca tử vong.
Tỷ lệ trung bình các ca dương tính với SARS-CoV-2 ở Indonesia đã xuống dưới 4% trong tháng này, thấp hơn ngưỡng 5% của Tổ chức Y tế thế giới để xác định liệu một quốc gia đã khống chế được dịch bệnh hay chưa.
Chính phủ Indonesia cũng đang lên kế hoạch nới lỏng hơn nữa các hạn chế ở Java và đảo nghỉ mát nổi tiếng Bali.