Mỹ Latin và Caribe chung tay bảo vệ môi trường

Mỹ Latin và Caribe là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và các vấn đề về môi trường. Nhiều tổ chức và chính phủ các quốc gia trong khu vực thời gian qua có những nỗ lực nhằm bảo vệ và cải thiện môi trường, đóng góp tích cực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00

Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cảnh báo lo ngại những tác động của biến đổi khí hậu đe dọa cuộc sống người dân ở khu vực Mỹ Latin và Caribe, có thể đẩy 5,8 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực vào năm 2030.

Theo WB, các quốc gia trong khu vực nên tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có để phát triển xe điện hay những công nghệ sạch khác, gia tăng sản lượng các nguồn năng lượng sạch và tái tạo, như thủy điện, năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

Thời gian qua, không ít các nước ở khu vực Mỹ Latin và Caribe đang đẩy mạnh các sáng kiến và dự án bảo vệ môi trường.

Trong chia sẻ mới đây của Bộ trưởng Kinh tế Argentina Sergio Massa, chính phủ quốc gia Nam Mỹ sẽ trình Quốc hội dự luật thúc đẩy sản xuất hydro, trong đó tập trung đầu tư cho năng lượng sạch trong 30 năm tới, với mục tiêu đưa Argentina trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Argentina đang triển khai dự án Pampas tại tỉnh Río Negro, miền nam nước này, hợp tác với Australia nhằm phát triển hydro xanh, với tổng vốn đầu tư khoảng 8,4 tỷ USD.

Theo đó, toàn bộ số tiền đầu tư sẽ được tập đoàn Fortescue của Australia giải ngân theo thỏa thuận từ năm 2022 đến 2028. Các chuyên gia đánh giá cao tiềm năng của dự án này, từng bước đưa tỉnh Río Negro trở thành địa phương xuất khẩu hydro xanh vào năm 2030, với sản lượng hằng năm ước đạt khoảng 2,2 triệu tấn.

Bên cạnh đó, đầu tháng 11 này, Chính phủ Argentina cũng công bố kế hoạch thích ứng và giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu, trong đó đặt mục tiêu hạn chế lượng phát thải ở mức tối đa 349 triệu tấn CO2 vào năm 2030, giảm 17 triệu tấn so với CO2 thải ra vào năm 2018.

Cũng tập trung phát triển năng lượng sạch, Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras của Brazil mới đây công bố một loạt dự án khử carbon, với mục tiêu giảm phát thải gần 1 triệu tấn khí CO2 mỗi năm.

Theo Giám đốc phụ trách phát triển bền vững của Petrobras, để thực hiện các dự án khử carbon, tập đoàn sẽ phải sử dụng động cơ điện thay vì động cơ đốt trong tại nhà máy lọc dầu, tăng cường kiểm soát lượng khí methane phát thải từ các cơ sở sản xuất và đẩy mạnh thương mại hóa dầu diesel ít gây ô nhiễm hơn tại thị trường Brazil.

Trước đó, lãnh đạo Petrobras cho biết sẽ đầu tư 2,8 tỷ USD vào các dự án giảm khí thải trong 5 năm tới, trong đó có 248 triệu USD tài trợ cho quỹ phát triển các giải pháp đổi mới và giảm tối đa lượng carbon trong ngành công nghiệp dầu mỏ.

Panama cũng là một trong các quốc gia rất tích cực trong các sáng kiến về môi trường thời gian qua. Nhóm bảo vệ môi trường Thủy triều xanh (Marea Verde) tại thủ đô Panama City đã sáng chế ra thiết bị gom rác đầu tiên chạy bằng năng lượng tái tạo ở Mỹ Latin, giúp làm sạch đáng kể rác trôi nổi trên sông Juan Díaz, một trong những tuyến đường thủy quan trọng và bị ô nhiễm nặng nề của Panama trước khi nước sông chảy vào Thái Bình Dương.

Thiết bị mang tên Wanda Díaz chạy bằng thủy năng và năng lượng mặt trời, được đưa vào vận hành hồi cuối tháng 9 tại lưu vực sông Juan Díaz. Thiết bị được lắp camera tích hợp trí tuệ nhân tạo nhằm phân loại các loại nhựa khác nhau, giúp thu gom hơn 220m3 rác thải chỉ sau khoảng 15 ngày hoạt động.

Nhóm Thủy triều xanh cũng từng sáng chế thiết bị nổi trên mặt sông và giúp thu gom hơn 100 tấn rác thải trên sông Matías Hernández của Panama từ năm 2019 đến 2020.

Trước đó, Bộ Môi trường Panama phối hợp Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) triển khai dự án chống ô nhiễm tại các đại dương, với mục tiêu giảm ít nhất 100 nghìn tấn chất thải.

Panama cũng đã triển khai Kế hoạch hành động về rác thải biển 2022-2027 nhằm giảm và loại bỏ các nguồn phát sinh chất thải đe dọa đến đa dạng sinh học, hệ sinh thái của các bờ biển và vùng biển của quốc gia Trung Mỹ này.

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) diễn ra tại Ai Cập, Tổng thống Colombia Gustavo Petro nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường quá trình khử carbon để bảo vệ rừng Amazon, “lá phổi xanh của hành tinh”.

Colombia cũng cam kết đóng góp 200 triệu USD mỗi năm trong vòng 20 năm, nhằm thúc đẩy các dự án bảo vệ rừng rậm Amazon.