Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres nêu rõ: "Hành tinh của chúng ta vẫn đang trong tình cảnh nguy cấp. Chúng ta cần giảm mạnh ngay khí thải gây hiệu ứng nhà kính, vấn đề mà COP lần này chưa giải quyết được".
Đại diện Liên minh châu Âu (EU) cũng có quan điểm tương tự khi bày tỏ thất vọng vì thỏa thuận cuối cùng của COP 27 "vẫn thiếu tham vọng về giảm mạnh khí thải gây hiệu ứng nhà kính".
Phát biểu tại phiên bế mạc COP27, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách chính sách khí hậu Frans Timmermans nhấn mạnh, thỏa thuận cuối cùng này vẫn chưa đủ tạo bước tiến cho người dân và Trái Đất.
Theo ông Timmermans, những nỗ lực mới của các nước giàu có và cũng là những nước có phát thải lớn vẫn là chưa đủ để tăng cường và đẩy nhanh tiến độ giảm phát thải.
Thỏa thuận khí hậu cuối cùng được các nước tham dự Hội nghị COP27 nhất trí vào sáng sớm 20/11 (giờ địa phương), sau khi đã kéo dài thời gian đàm phán thêm 1 ngày.
Điều khoản đáng chú ý nhất trong thỏa thuận là việc các nước nhất trí thành lập quỹ "tổn thất và thiệt hại" để bù đắp cho các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề của các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra.
Thỏa thuận cuối cùng của COP27 bao quát một loạt nỗ lực lớn của thế giới nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ của Trái Đất ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Ngoài ra, thỏa thuận cũng lần đầu tiên đề cập tới năng lượng tái tạo, trong khi nhắc lại những kêu gọi trước đây về tăng cường nỗ lực hướng tới giảm dần điện than và loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch.
Tuy nhiên, điều gây thất vọng cho giới phân tích là thỏa thuận tại COP27 không đi xa hơn so với thỏa thuận đã đạt được tại hội nghị COP26 tại Glasgow (Anh) hồi năm ngoái liên quan tới các vấn đề chủ chốt.
Theo các nhà khoa học, giới hạn mức tăng nhiệt của Trái Đất ở 1,5 độ C là "hành lang an toàn" trước các tác động mang tính thảm họa do biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, thế giới đang đi chệch hướng trong thực hiện mục tiêu này và đang tiến tới mức tăng nhiệt 2,5 độ C, căn cứ vào những cam kết và kế hoạch khí hậu hiện nay.