Đại sứ Mỹ tại Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), Jeffrey Prescott thông tin, một khoản đáng kể trong gói viện trợ này sẽ được chuyển cho các cơ quan và tổ chức viện trợ của Liên hợp quốc phụ trách cung cấp viện trợ lương thực khẩn cấp, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng, nơi trú ẩn, nước và vệ sinh cho người dân Congo.
Khoản viện trợ này cũng bao gồm hỗ trợ trực tiếp từ các mặt hàng nông sản có nguồn gốc từ Mỹ, ông Prescott cho biết.
Dự kiến, ông sẽ chính thức công bố khoản viện trợ này cùng với Đại sứ Mỹ tại Cộng hòa dân chủ Congo, Lucy Tamlyn, tại Kinshasa, thủ đô của nước này vào ngày 7/8 (giờ địa phương).
Ông Prescott cũng cho biết, tổng số tiền tài trợ của Mỹ cho Cộng hòa dân chủ Congo kể từ tháng 10/2023 đã lên tới 838 triệu USD.
Theo ước tính của Liên hợp quốc, xung đột ở Congo đã khiến hơn 1,7 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, đưa tổng số người phải di dời do bạo lực lên mức kỷ lục 7,2 triệu người.
Tổ chức này đã kêu gọi viện trợ với tổng trị giá 2,6 tỷ USD cho Cộng hòa dân chủ Congo trong năm nay, song hiện mới chỉ huy động được 1/3.
Hồi tháng trước, Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo rằng hơn 1 triệu trẻ em có nguy cơ bị suy dinh dưỡng cấp tính ở Congo.
Ông Prescott bày tỏ hy vọng khoản tài trợ của Mỹ sẽ khuyến khích các quốc gia khác cũng "tham gia" và giúp đỡ Cộng hòa dân chủ Congo.
Ông Prescott cũng cho biết thêm, Mỹ sẽ cung cấp 10 triệu USD viện trợ y tế và tặng 50 nghìn liều vaccine Mpox (đậu mùa khỉ) cho Cộng hòa dân chủ Congo.
Mpox là bệnh nhiễm trùng do virus gây ra có thể lây lan qua tiếp xúc gần, thường có triệu chứng nhẹ nhưng đôi khi cũng có thể dẫn đến tử vong. Bệnh gây ra các triệu chứng giống như cúm và các tổn thương chứa mủ trên cơ thể.
Đợt bùng phát bệnh Mpox hiện tại ở Congo đã ghi nhận khoảng 27 nghìn ca bệnh và cướp đi sinh mạng của hơn 1.100 người, phần lớn là trẻ em kể từ đầu năm 2023.