Theo đó, làn sóng này được thúc đẩy bởi các dòng phụ mới của biến chủng Omicron có khả năng “né” cơ chế miễn dịch.
Theo tờ Washington Post, 1 quan chức cấp cao tại cuộc họp chính phủ ngày 6/5 đã đưa ra cảnh báo trên, trong bối cảnh nước Mỹ đã vượt mốc 1 triệu ca tử vong do Covid-19. Theo đó, dự báo 100 triệu ca lây nhiễm có khả năng xảy ra trong đợt thời tiết lạnh giá vào cuối năm nay và đầu năm sau.
Cảnh báo về làn sóng lây nhiễm trong mùa thu và mùa đông tới đây tại Mỹ được dựa trên một loạt các mô hình lây nhiễm trong đại dịch trên thế giới. Trong đó giả định rằng Omicron và các biến thể phụ của chủng này sẽ tiếp tục “thống trị” và lây lan trong cộng đồng, đồng thời không có một chủng virus mới nào khác xuất hiện. Quan chức trên cũng cho rằng, diễn biến của đại dịch có thể thay đổi bởi nhiều yếu tố.
Giới chuyên gia Mỹ cũng nhất trí với dự báo trên, cho rằng 1 làn sóng lây nhiễm mạnh vào mùa thu và mùa đông này hoàn toàn có thể xảy ra ở Mỹ, do khả năng miễn dịch được sản sinh sau khi tiêm vaccine ngừa Covid-19 và từ việc phục hồi sau nhiễm bệnh sẽ suy yếu theo thời gian, cùng với các hạn chế được nới lỏng và sự xuất hiện của các biến thể mới có khả năng thoát khỏi cơ chế miễn dịch.
Nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng việc quay trở lại các hoạt động bình thường như trước đại dịch, bao gồm việc không đeo khẩu trang khi tham gia các cuộc nhóm họp đông đúc trong không gian kín, sẽ dẫn đến nhiều ca nhiễm hơn.
Tỷ lệ nhiễm Covid-19 mới trung bình trong khoảng thời gian 7 ngày trên toàn nước Mỹ đã tăng mạnh từ khoảng 29.312 ca ở thời điểm tuần kết thúc vào ngày 30/3 lên gần 71 nghìn ca vào ngày 6/5 vừa qua.
Cảnh báo mới được đưa ra trong bối cảnh Nhà Trắng đang tìm kiếm các giải pháp nhằm khởi động lại các cuộc đàm phán đang bị đình trệ để huy động nhiều nguồn lực hơn cho công tác ứng phó Covid-19.
Các quan chức Nhà Trắng cũng bày tỏ lo ngại rằng, một phần đáng kể nguồn cung thuốc kháng virus và xét nghiệm của Mỹ sẽ cạn kiệt trước dự báo về sự gia tăng các ca bệnh mới ở miền nam đất nước vào mùa hè này.
Nếu không đáp ứng đủ nhu cầu, Nhà Trắng cảnh báo Mỹ có thể sẽ không được chuẩn bị tốt trước 1 đợt tăng ca nhiễm đột biến vào mùa thu và mùa đông sắp tới, dẫn đến số ca tử vong và nhập viện có thể tăng lên đáng kể.
Làn sóng lây nhiễm mùa hè ở miền nam nước Mỹ được dự báo sẽ có mức tăng tương đương như vào các năm 2020 và 2021, nhưng tình trạng hiện nay đặc biệt đáng lo ngại do tỷ lệ tiêm ngừa Covid-19 và tiêm liều tăng cường tại khu vực này đang thấp hơn so với trung bình toàn quốc.
Trong khi các trường hợp tử vong ở vùng đông bắc vẫn ổn định trong bối cảnh số ca bệnh ở khu vực này vẫn tăng mạnh trong vài tuần qua, thì khu vực miền nam nước Mỹ vẫn dễ bị tổn thương hơn do tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn.
Một thách thức khác của chính quyền Tổng thống Biden trong việc ứng phó với đại dịch là virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến theo cách thức mà đôi khi khiến các nhà khoa học phải ngạc nhiên.
Đáng chú ý nhất là chủng Omicron, vốn xuất hiện ở miền nam châu Phi và lây nhiễm với tốc độ nhanh ra toàn thế giới từ tháng 11 năm ngoái, đã nhanh chóng sản sinh ra một loạt các đột biến, trong khi nguồn gốc của Omicron vẫn còn là điều bí ẩn với giới khoa học và có gốc gác khác so với biến thể Delta từng chiếm ưu thế trước đây.
Omicron kể từ khi xuất hiện đã tách ra nhiều dòng phụ thậm chí có khả năng lây nhiễm mạnh hơn chủng gốc ban đầu. Trong đó biến thể phụ BA.2 hay còn gọi là “Omicron tàng hình” tiếp tục chiếm phần lớn các ca nhiễm mới ở Mỹ.
Song song với đó, dòng phụ mới BA.2.12.1 cũng đã xuất hiện, đang nhanh chóng lây lan và được dự báo có thể sớm trở thành chủng phổ biến nhất. Ngoài ra, hai biến thể Omicron có khả năng lây lan cao khác là BA.4 và BA.5 đang đứng đằng sau sự gia tăng các ca nhiễm mới ở Nam Phi.
Một yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến quy mô và mức độ nghiêm trọng của làn sóng lây nhiễm mới, đó là liệu các nhà sản xuất có thể tung ra vaccine đặc hiệu mới có hiệu quả hơn vào mùa thu tới hay không.
Cả 2 hãng dược Pfizer và Moderna đều đang nghiên cứu các liều tiêm tăng cường mới cùng nhắm tới các biến thể khác nhau của virus SARS-CoV-2, nhưng vẫn chưa rõ liệu các vaccine đặc hiệu này có hiệu quả hơn các loại vaccine hiện có hay không.
Giới chức y tế Mỹ cho biết, đang đặt hy vọng có thể tiến hành tiêm những liều tiêm tăng cường của các vaccine đặc hiệu trên vào mùa thu tới đây, đặc biệt là cho người cao tuổi và những người có nguy cơ cao nhiễm bệnh nặng và tử vong.
Natalie Dean, chuyên gia sinh học tại Đại học Emory cho biết, khoảng thời gian giữa các đợt lây nhiễm càng dài thì số lượng người dễ bị nhiễm bệnh càng gia tăng do khả năng suy giảm miễn dịch càng cao.
Chuyên gia này cho rằng tình trạng trên chỉ khiến những người dễ bị tổn thương gặp rủi ro, đồng thời dự báo tình hình dịch bệnh tại Mỹ sắp tới đang đứng trước khả năng trở nên ảm đạm hơn.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng 8/5 (giờ Việt Nam), Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu tác động nghiêm trọng nhất trong đại dịch với tổng cộng 83.567.707 ca mắc và 1.024.525 ca tử vong. Brazil là nước ghi nhận số ca tử vong cao thứ hai thế giới với 664.179 ca, trong khi Ấn Độ ghi nhận số ca mắc nhiều thứ hai với 43.102.508 ca.
Trong 24 giờ qua, đã có thêm 406.474 ca mắc và 1.008 ca tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu. Tính đến sáng nay, thế giới đã ghi nhận 516.905.376 ca mắc Covid-19, trong đó có 6.275.649 ca tử vong. Số bệnh nhân đã bình phục là 471.559.943 người, trong khi vẫn còn 40.056 bệnh nhân nặng đang được điều trị tích cực.