Quan chức đầu ngành ngoại giao Mỹ khẳng định, chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ hành động "không ngừng nghỉ", nhằm duy trì một "chân trời hy vọng", dù còn mờ mịt, đối với việc thành lập nhà nước của người Palestine.
Ông Blinken nhấn mạnh: "Chúng tôi tin rằng người Palestine và người Israel, cũng giống như mọi người dân ở khắp mọi nơi, được quyền hưởng những quyền lợi như nhau và những cơ hội như nhau. Mỹ sẽ tiếp tục kiên quyết phản đối bất kỳ hành động nào làm suy yếu triển vọng về một giải pháp hai nhà nước".
Theo Ngoại trưởng Mỹ, các hành động được đề cập bao gồm việc mở rộng khu định cư, tiến tới sáp nhập Bờ Tây, phá vỡ hiện trạng lịch sử tại các khu thánh địa, phá dỡ các công trình, trục xuất người dân và kích động bạo lực.
Ông Blinken cũng nêu rõ, Washington sẽ đánh giá chính phủ sắp tới của Thủ tướng Benjamin Netanyahu dựa trên "những hành động và chính sách mà họ theo đuổi, thay vì xem xét từng cá nhân cụ thể trong Nội các mới".
Những tuyên bố trên của Ngoại trưởng Blinken được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Netanyahu dự kiến sẽ thành lập chính phủ mới, trong đó có đảng Chủ nghĩa phục quốc tôn giáo với lập trường đẩy mạnh hoạt động xây dựng các khu định cư mới và sáp nhập lãnh thổ của người Palestine ở Bờ Tây.
Cũng trong ngày 4/12, Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif bin Rashid Al-Zayani khẳng định, Hiệp định Abraham sẽ chỉ thành công khi đạt được giải pháp hai nhà nước và thành lập được Nhà nước Palestine độc lập.
Nhân dịp Tổng thống Israel Isaac Herzog có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên trong lịch sử tới Bahrain, ông Rashid Al-Zayani nêu rõ, "nền tảng của hòa bình là phải giải quyết được vấn đề của người Palestine", bao gồm việc nối lại các cuộc đàm phán về giải pháp hai nhà nước.
Ông cũng khẳng định, bản thân và Quốc vương Hamad bin Isa Al Khalifa sẽ nêu vấn đề người Palestine trong các cuộc gặp với Tổng thống Israel, đồng thời hai bên cũng sẽ tập trung thảo luận các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương sau hơn hai năm ký hiệp định bình thường hóa quan hệ.
Hiệp định Abraham được ký kết hồi tháng 9/2020 nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước Hồi giáo/Vùng Vịnh, trong đó Mỹ giữ vai trò trung gian then chốt.
Trước đó, chỉ có Ai Cập và Jordan là hai nước trong khối có quan hệ với Israel. Kể từ khi ký văn kiện này, mối quan hệ giữa Israel và các quốc gia Vùng Vịnh nói trên đã được mở rộng, đáng chú ý là việc nối lại các chuyến bay thẳng và các thỏa thuận kinh tế.