TS Vũ Thế Long:

Muốn đứng ra "cứu" cây đa Tân Trào...

Vừa qua, trên một tờ báo, một nhà nghiên cứu lịch sử môi trường và sinh vật khảo cổ học là TS Vũ Thế Long, Phó GĐ Trung tâm Hỗ trợ các chương trình Phát triển xã hội (LH các Hội KH&KT Việt Nam) tuyên bố, vẫn có thể cứu được cây đa Tân Trào và ông sẽ đứng ra thực hiện nếu lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang cần!

Chúng tôi có cuộc trò chuyện với TS Vũ Thế Long:

Nếu được cơ quan hữu quan cho phép cứu cây, có ai cùng sát cánh với ông trong việc này không?

- Khi tôi thông báo chuyện này với bạn bè thì rất nhiêu bè bạn trong và ngoài nước đều sẵn lòng góp sức. GS Trọng Hiếu là một kiều bào ở nước ngoài nhiều năm trước đã cùng nhóm nghiên cứu của tôi ở Hà Nội đi khảo sát và làm các phương án bảo vệ cổ thụ cho đất nước.

Tôi và GS Hiếu đã viết bài trên báo Xưa & Nay cả chục năm trước cảnh báo chuyện này và lưu ý mọi người cần gìn giữ. Nhưng có ai chú ý đâu. Nay tôi nói chuyện thì GS Hiếu sẵn sang tham gia cùng đồng bào trong nước giữ gìn cây cổ.

* Ông có thể lý giải tính khoa học bảo đảm không làm tổn hại thêm cho cây?

- Để có phương án khoa học, cần có những khảo sát cụ thể, và mời những ai có kinh nghiệm cùng tham gia, cứ lấy kinh nghiệm thực tế của các địa phương mà áp dụng, chứ nếu cứ ngồi nghĩ đến kinh phí thì bao giờ mới cứu được cây?

Thường thì cây đa hay bị mối xông, ta cứu rễ phụ của nó càng sớm càng tốt...

* Ông vừa nói đến các kinh nghiệm thực tế. Xin ông cho biết một vài kinh nghiệm về việc bảo tồn các "di tích sống" như thế này?

Cây đa Tân Trào bị gãy cành.

- Là người làm công tác nghiên cứu sinh học và cổ sinh học, không phải là chuyên gia về thực vật học hay nông học nhưng qua thực tế công tác, tôi có học hỏi được một vài kinh nghiệm trong nhân dân về việc gìn giữ những cây đa cổ, xin được trình bày để chúng ta cùng tìm cách cứu chữa cho cây đa Tân Trào cũng như những cây đa cổ trên đất nước ta.

Cây đa là một cây đặc biệt, nó có bộ rễ khí sinh thả lòng thòng từ trên cành xuống đất. Khi rễ tiếp đất thì lại tiếp tục phát triển thành một nhành cây mới với sức sống mạnh mẽ. Vì thế, khi phần thân cây chính đã già, có thể mục thì phần rễ mới lại tiếp tục phát triển trên cơ thể cũ và cây cứ thế tồn tại hết đời này đến đời khác.

Nếu theo dõi những cây đa cổ trên nhiều vùng ở nước ta, chúng ta có thể thấy những gốc đa cổ gần như được tồn tại vĩnh cửu nếu như không bị sâu bệnh hoặc sự can thiệp thô bạo hoặc vô ý thức của con người.

Cây đa trong khu di tích Lam Kinh ở Thanh Hóa đã tồn tại cùng thời với di tích này từng bị cháy vì bà con đến lễ thắp hương nhưng sau khi được cứu hỏa kịp thời, cây đã được hồi phục sau nhiều năm vì rễ cây lại tiếp tục phát triển.

Cây đa lớn nhất Hà Nội trong khuôn viên tòa soạn báo Nhân Dân tuy nằm trong sân có trải nhựa nhưng rễ non của nó vẫn được chăm sóc và tạo điều kiện tiếp đất nên cây này vẫn phát triển xanh tốt.

Cây đa Lam Kinh từng bị cháy, nhưng vẫn phát triển tốt.

Trong nhiều đình chùa, bà con có kinh nghiệm gìn giữ cây đa rất hiệu quả bằng cách đặt những ống tre tiếp đất cho rễ phụ của các cây đa phát triển. Ta có thế thấy được hình ảnh này tại khuôn viên của Phủ Tây Hồ Hà Nội, của khu di tích thành Bản Phủ ở Điện Biên...

Bản thân tôi cũng đã góp ý cho anh em đồng nghiệp ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia áp dụng phương pháp chăm sóc cây si (cùng họ với cây đa) theo kiểu này nên mặc dầu khuôn viên của Bảo tảng đã được lát gạch nhưng bộ rễ non của nó do được tạo điều kiện tiếp đất nên cây vẫn phát triển tốt.

* Thế còn những cây bị chết thì thường là vì sao?

- Nhìn lại những cây đa cổ đã bị chết chúng tôi thấy đa phần đều do người ta hạn chế không để cho bộ rễ non tiếp đất và tiếp tục tái sinh. Điển hình hơn cả là cây đa khổng lồ bao trùm đình Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội hay tại nhiều nơi khác, người ta đã bê tông hóa hay xây dựng những công trình lấn át xung quanh gốc đa khiến cho phần rễ tái sinh không có cơ hội tiếp đất và phát triển. Vì thế, khi gốc già đã hết tuổi thọ hay bị nấm độc hủy hoại thì các rễ non không có điều kiện để phát triển thành cây mới sẽ dần dần mục ruỗng và không thể cứu chữa nổi.

Với kinh nghiệm trên, chúng tôi mong được cùng các đồng nghiệp trong khu di tích Tân Trào, các chuyên gia thực vật học và những bà con có nhiều kinh nghiệm trong việc gìn giữ cây đa và cổ thụ khắp nơi cùng nhau góp sức gìn giữ và cứu vãn cây đa Tân Trào.

* Xem ra chuyện bảo vệ cây cổ thụ cũng quan trọng không kém gì chuyện bảo vệ con người?

- Thời Nguyễn có những quy định khắt khe trong việc trồng cây ở Huế. Mỗi quan chức trồng một cây theo luật của triều đình và phải chăm sóc nó (mỗi cây có một thẻ ngà để xác định trách nhiệm).

* Xin cảm ơn ông.