Mục tiêu ưu tiên của Pháp

Công bố mục tiêu ưu tiên khi Pháp đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) trong nửa đầu năm 2022, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (E.Ma-crông) từng tuyên bố “hướng tới một EU biết cách bảo vệ mình”. Theo đó, Paris sẽ thúc đẩy chiến lược phòng thủ chung để tăng tự chủ chiến lược của khối và cải cách cơ chế Schengen nhằm ứng phó khủng hoảng di cư trong tương lai.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng tuyên bố “hướng tới một EU biết cách bảo vệ mình”. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng tuyên bố “hướng tới một EU biết cách bảo vệ mình”. (Ảnh: Reuters)

Pháp tiếp quản vai trò dẫn dắt “liên minh cờ xanh” trúng thời điểm EU bộn bề khó khăn. Các nước thành viên đang trong chặng chạy nước rút để ngăn chặn đà lây lan biến thể Omicron trên khắp châu lục, áp dụng các biện pháp phòng vệ mức cao nhất, từ phong tỏa, đóng cửa các hoạt động chào đón năm mới, cho đến việc dồn nguồn lực cho chiến dịch tiêm chủng tăng cường. Trong bối cảnh đó, đà phục hồi các nền kinh tế thành viên, nhất là Khu vực đồng euro (Eurozone), vốn đã bấp bênh lại thêm trắc trở. Khủng hoảng giá nhiên liệu trong mùa đông khắc nghiệt ở châu Âu chưa hạ nhiệt, bất đồng về chính sách năng lượng giữa các thành viên lại gia tăng.

Trong quan hệ đối ngoại, thách thức nổi lên trong một loạt vấn đề, từ việc triển khai thỏa thuận “hậu Brexit” với Anh, cải thiện quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương với Mỹ, giải quyết khúc mắc với Nga, cho đến hợp tác với Trung Quốc và các nước châu Phi, hay gần nhất là hiện thực hóa giấc mơ mở rộng khối bằng việc kết nạp các đối tác vùng Balkan.

Thỏa thuận thương mại EU-Anh không suôn sẻ, khi khúc mắc bộc lộ ngay những ngày đầu tiên Anh chính thức không còn chung mái nhà EU. Vấn đề đánh bắt cá, hay các thủ tục hải quan liên quan vùng lãnh thổ Bắc Ireland của Anh, tiếp tục gây bất đồng giữa hai bên. Mối liên kết đồng minh xuyên đại dương giữa EU và Mỹ được khôi phục và thúc đẩy dưới thời nhà lãnh đạo mới của Nhà trắng. Hai bên đã thiết lập chương trình nghị sự chung về hợp tác giai đoạn “hậu Covid-19”. Tuy nhiên, khúc mắc nảy sinh khi hai bên đều theo đuổi những dự án riêng rẽ, nhất là việc Mỹ thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên với Anh và Australia (gọi tắt là AUKUS), hay nâng tầm cơ chế “Bộ tứ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” bằng việc tổ chức hội nghị cấp cao lần đầu.

Mục tiêu “cài đặt lại” quan hệ đối tác EU-Nga trở nên xa vời, khi căng thẳng hai bên leo thang nghiêm trọng liên quan khủng hoảng Ukraine, làm nóng “cuộc đua trừng phạt-đáp trả”. Trong nỗ lực mở rộng thành viên, EU khẳng định duy trì cam kết từ 18 năm trước, song vẫn chưa nhất trí thời hạn hoàn tất mục tiêu kết nạp 6 đối tác ở khu vực Balkan. Bất đồng mới với Belarus nảy sinh, từ làn sóng người di cư và quyết định của Minsk “đóng băng” việc tham gia chương trình Đối tác phương Đông.

Trước một loạt thách thức vắt sang năm 2022, trong chương trình nghị sự nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên EU sáu tháng tới, Pháp nhấn mạnh ưu tiên củng cố đoàn kết nội khối, tăng cường năng lực phòng thủ và phối hợp xử lý vấn đề người di cư, tị nạn. Tuy nhiên, không bác bỏ, nhưng Mỹ và NATO không hài lòng khi EU hiện thực hóa giấc mơ tự chủ chiến lược bằng lộ trình thành lập quân đội riêng của khối.

Trong khi đó, làn sóng di cư mới, qua ngả Belarus, đặt ra thách thức không chỉ với quan hệ EU-Belarus, mà với cả mục tiêu đoàn kết nội bộ EU. Năm qua, đã không có sự đồng thuận nào trong khối về chính sách, ngoài biện pháp trừng phạt Belarus. Giới phân tích cho rằng, giải pháp căn cốt không phải là sửa đổi cơ chế tự do đi lại trong không gian Schengen, hay việc dựng rào cản biên giới với Belarus, mà là các dự án hỗ trợ người di cư từ nơi xuất phát.

Thúc đẩy thành lập “quân đội EU” và cải cách quy chế khu vực tự do đi lại Schengen là hai sáng kiến nổi bật nhằm nâng cao năng lực phòng thủ và bảo vệ biên giới EU. Song, đây sẽ là nhiệm vụ không dễ dàng, nếu nhìn từ thực tế hợp tác nội khối, cũng như mối quan hệ giữa EU với các đồng minh, đối tác.