Mưa lớn, nước sông ở Quảng Nam dâng cao

NDO - Từ đêm hôm qua đến sáng nay (10/10), trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa lớn, mực nước trên các sông dâng cao, nhiều khu vực trũng thấp bị ngập nước. Nước lũ đã làm 2 người dân ở miền núi bị cuốn mất tích khi lội qua sông.
0:00 / 0:00
0:00
Mưa lớn, nước sông trên sông Leng (xã Trà Leng, huyện Nam Trà My) chảy xiết, đe dọa bờ kè phía sau Trường tiểu học Trà Leng.
Mưa lớn, nước sông trên sông Leng (xã Trà Leng, huyện Nam Trà My) chảy xiết, đe dọa bờ kè phía sau Trường tiểu học Trà Leng.

Sáng 10/10, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam có công văn yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, diễn biến của mưa lũ; tập trung triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Trong 24 giờ qua, các địa phương trong tỉnh đã có mưa to, có nơi mưa rất to; dự báo trong vài ngày tới các địa phương tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất nhất là tại các địa phương miền núi. Hiện nay, mực nước trên các sông đang lên, có khả năng xuất hiện một đợt lũ lớn.

Ông Trương Tuyến, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện mực nước trên sông Vu Gia, Thu Bồn và Tam Kỳ đang lên cao.

Mực nước đo lúc 10 giờ ngày 10/10 tại các trạm: Hội Khách là 13,03m (dưới mức báo động I: 1,42m), Ái Nghĩa: 7,62m (dưới báo động II: 0,38m), Giao Thủy: 3,89m (dưới báo động I: 2,61m), Câu Lâu: 1,58m dưới động I: 0,42m), Hội An:1,08m (trên báo động I: 0,08m và Tam Kỳ: 0,95m (dưới báo động I: 0,75m).

Dự báo, trong khoảng 6 đến 24 giờ tới lũ trên sông Vu Gia, tại Ái Nghĩa tiếp tục lên ở mức xấp xỉ báo động 3; trên sông Thu Bồn và sông Tam Kỳ khả năng lên ở mức báo động 1 đến báo động 2.

Theo đó, nguy cơ cao xảy ra ngập úng, ngập lụt sâu những vùng trũng thấp, ven sông suối tại: thành phố Tam Kỳ, thành phố Hội An, thị xã Điện Bàn và các huyện: Đại Lộc, Duy Xuyên và Núi Thành...

Để tập trung ứng phó mưa lũ và tình hình thời tiết nguy hiểm trên biển, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, tình hình thời tiết; kịp thời tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó mưa lũ theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Tiếp tục rà soát các khu vực không bảo đảm an toàn, nhất là các khu vực bị ngập sâu, chia cắt, vùng trũng thấp ven sông suối, khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn, nơi dễ sạt lở đất, trên các sông, suối, hồ chứa nước; kiên quyết di dời, sơ tán người dân, phương tiện, tài sản tại những nơi nguy hiểm, có nguy cơ ảnh hưởng của ngập sâu, sạt lở, lũ quét.

Thông báo cho các chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình, nhất là các công trình đang thi công ở ven sông, trên sông, trên biển, khu vực miền núi, các hồ chứa nước, chủ các phương tiện vận tải thủy, các đơn vị khai thác khoáng sản biết thông tin về tình hình mưa lũ; chủ động các biện pháp ứng phó, có phương án bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư tại công trình; trường hợp không bảo đảm an toàn phải tổ chức di dời công nhân, phương tiện thi công đến nơi an toàn.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu các cơ quan chức năng tiến hành rà soát phương án, công tác bảo đảm an toàn hồ đập, công trình thủy lợi, thủy điện; an toàn đê điều, nhất là hồ đập xung yếu, công trình đang thi công; kiểm tra công tác bảo đảm an toàn đối với hệ thống điện, hầm lò, khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ven biển thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển, lồng bè, nuôi trồng thủy sản biết tình hình thời tiết nguy hiểm trên biển để chủ động phòng tránh, có kế hoạch sản xuất phù hợp, cũng như phương án bảo đảm an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.

Chủ động tổ chức nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi (bao gồm cả các ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, hoạt động gần bờ). Các lực lượng cứu nạn, cứu hộ duy trì lực lượng và phương tiện, sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu.

Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Bung Lê Đình Bản cho biết, lúc 11 giờ trưa nay, lưu lượng nước về hồ Sông Bung 4: 604m3/s, hồ Sông Bung 2: 168 m3/s. Hiện, cả 2 hồ thủy điện này chuyển chế độ vận hành sang duy trì mực nước hồ ở mức hiện tại (tổng lưu lượng xả bằng lưu lượng nước về hồ).

Tại thời điểm 11 giờ trưa nay, mực nước hồ Sông Bung 4 là 216,14m/216m và mực nước hồ Sông Bung 2 là 595,64m/595mm.

Còn Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện A Vương Ngô Xuân Thế cho biết, lúc 11 giờ trưa nay (10/10), lưu lượng về hồ Thủy điện A Vương hơn 513m3/s; mực nước hồ ở cao trình 370,58 m/380m (mực nước dâng bình thường). Hiện đơn vị đang vận hành phát điện và xả tràn gần 620m3/s, nhằm duy trì mực nước hồ và sẵn sàng cắt giảm lũ cho hạ du...

Thông tin từ Ủy ban nhân dân huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết, khoảng 16 giờ ngày 9/10, anh Hồ Văn Tiến (sinh năm 1985) và chị Hồ Thị Dâu (sinh năm 1994) cùng trú thôn 1, xã Trà Cang) khi qua sông Nước Na bị nước lũ cuốn trôi, mất tích, hiện vẫn chưa tìm được tung tích.