Khoảng 10 năm trước (ngày 27/11/2014), thông qua người giới thiệu, ông Trần Văn Trường (ngụ quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) ký hợp đồng giấy tay với ông Đỗ Văn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Quốc Thắng và ông La Thanh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Quốc Thắng thỏa thuận mua bán 6.000m2 đất trong 3 thửa đất, bao gồm: Thửa đất số 33, tờ bản đồ số 20 diện tích 1.000m2 (chủ sở hữu là người tên Long); thửa đất số 34, tờ bản đồ số 20 diện tích 2.282,9m2 (chủ sở hữu là ông Thắng); thửa đất số 190b, tờ bản đồ số 3 diện tích 4.010m2 (chủ sở hữu là Công ty TNHH Quốc Thắng).
Tổng diện tích của 3 thửa đất trên là 7.292,1m2. Lúc này, hai bên thỏa thuận sẽ chuyển nhượng 6.000m2 trong tổng diện tích này, số tiền đặt cọc bảo đảm cho giao dịch là 1 tỷ đồng. Theo thỏa thuận, đến ngày 15/12/2014, các bên phải hoàn thành nghĩa vụ của mình. Nếu bên mua không thanh toán đúng thời hạn sẽ mất tiền đặt cọc, còn bên bán không tiếp tục bán nữa sẽ phải bồi thường gấp 3 lần số tiền đặt cọc.
Đối với các thửa đất số 33 và số 34 mang tên cá nhân cho nên không lâu sau đó hai bên ra phòng công chứng làm thủ tục chuyển nhượng mua bán theo đúng quy định.
Tuy nhiên, đối với thửa đất 190b, do Công ty TNHH Quốc Thắng đứng tên nên phải chuyển nhượng sang tên cá nhân ông Thắng, sau đó mới làm thủ tục chuyển nhượng được. Với thửa đất 190b do đứng tên Công ty TNHH Quốc Thắng nên ông Trần Văn Trường yêu cầu phải có đầy đủ các thành viên góp vốn trong công ty cùng xác nhận đồng ý chuyển nhượng diện tích, giá chuyển nhượng và ký vào hợp đồng mua bán đất giấy tay để cùng xác nhận.
Các thành viên góp vốn của Công ty TNHH Quốc Thắng bao gồm: La Thanh Minh (Chủ tịch Hội đồng thành viên) chiếm 52% cổ phần; Đỗ Văn Thắng, Giám đốc (đại diện pháp luật công ty) chiếm 24% cổ phần; Đào Thị Nâu, thành viên, chiếm 24% cổ phần. Lúc đó, ông Minh và ông Thắng cho biết, tất cả các thành viên công ty đều thống nhất chuyển nhượng thửa đất 190b này để đầu tư vào dự án khác.
Mặc dù bà Nâu là Việt kiều Australia, không có mặt tại Việt Nam nhưng ông Minh và ông Thắng chiếm 76% vốn điều lệ công ty cho nên đủ điều kiện ra quyết định các công việc của công ty theo khoản 2, khoản 3 Điều 52 Luật Doanh nghiệp 2005.
Chính vì vậy, ngày 1/12/2014, Công ty TNHH Quốc Thắng tiến hành các thủ tục chỉnh lý tên chủ sở hữu thửa 190b từ Công ty TNHH Quốc Thắng sang cho ông Thắng để ông Thắng thay mặt cho ông Minh thực hiện hợp đồng đã ký với ông Trần Văn Trường do ông Minh ở xa (lời khai của ông Minh tại phiên tòa sơ thẩm).
Giải quyết tranh chấp đất đai không có giấy tờ như thế nào?
Đến ngày 15/12/2014, thửa đất 190b được chỉnh lý sang tên cho ông Thắng. Tuy nhiên ông Thắng không thực hiện thủ tục chuyển nhượng 2.717,1m2 đất còn thiếu theo hợp đồng cho ông Trường, mặc dù ông Trường đã hoàn thành việc thanh toán số tiền theo hợp đồng đúng thời hạn. Sau nhiều lần thúc giục ông Thắng không được, khoảng tháng 3/2015, ông Trần Văn Trường tiến hành làm đơn khởi kiện ông Thắng ra Tòa án nhân dân huyện Phú Quốc.
Ngày 15/3/2017, Tòa án nhân dân huyện Phú Quốc ban hành Bản án sơ thẩm số 16/2017/DS-ST về việc tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Theo đó, cấp sơ thẩm quyết định tuyên xử: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Trần Văn Trường. Xác định vị trí đất ông Đỗ Văn Thắng chuyển nhượng cho ông Trường diện tích 2.717,1m2 nằm trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AB397571 ngày 20/12/2005, thửa đất số 190b, tờ bản đồ số 3, tọa lạc tại Khu phố 10, thị trấn Dương Đông được chỉnh lý sang tên cho ông Đỗ Văn Thắng ngày 15/12/2014.
Tòa sơ thẩm buộc ông Đỗ Văn Thắng có nghĩa vụ giao quyền sử dụng đất và hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng diện tích đất 2.717,1m2 cho ông Trường theo quy định của pháp luật về đất đai.
Tuy nhiên, ngày 31/8/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành Bản án phúc thẩm số 141/2017/DS-PT về việc tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyết định: Hủy bản án dân sự sơ thẩm số 16/2017/DS-ST ngày 15/3/2017 của Tòa án nhân dân huyện Phú Quốc về việc "Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất".
Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện Phú Quốc giải quyết lại theo quy định của pháp luật. Ông Trần Văn Trường cho biết, đã 7 năm trôi qua nhưng tòa án vẫn không đưa vụ án ra xét xử.
Ngoài ra, theo ông Trần Văn Trường, đây là vụ án "Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất" giữa nguyên đơn là ông và bị đơn là ông Đỗ Văn Thắng đã được xét xử sơ thẩm ngày 15/3/2017 và phúc thẩm ngày 31/8/2017.
Trong khi đó, vụ án "Tranh chấp giữa các thành viên trong công ty" do bà Đào Thị Nâu khởi kiện thụ lý số 04/2017/TLST-KDTM ngày 27/11/2017, tức là sau vụ án "Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất" giữa nguyên đơn là ông và bị đơn là ông Thắng đã được đưa ra xét xử sơ thẩm và phúc thẩm trước đó.
Vì vậy, việc Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang nhập vụ án thụ lý trước (đã qua 2 cấp xét xử) vào vụ án thụ lý sau như vậy là không đúng trình tự, quy định pháp luật.
Theo ông Trường, tài sản đang tranh chấp trong vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 04/2017/TLDS-KDTM ngày 27/11/2017 về việc "Tranh chấp giữa các thành viên trong công ty và tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất" là thửa đất 190b tờ bản đồ số 3, tọa lạc tại Khu phố 10, thị trấn Dương Đông, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AB397571 ngày 20/12/2005 như hồ sơ vụ án có diện tích 4.010,1m2.
Trong khi đó, thửa đất số 02, tờ bản đồ số 32, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BV 539782 do Ủy ban nhân dân huyện Phú Quốc cấp hiện do ông đứng tên chủ sở hữu không liên quan đến vụ án trên. Ông Trường cho rằng, việc Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang đưa thửa đất số 02, tờ bản đồ số 32 vào vụ án là vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của ông.
Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang Võ Kế Nghiệp cho biết, đã nhận được thông tin việc các cơ quan báo chí đăng tải về nội dung khiếu nại của bạn đọc liên quan vụ án nêu trên, cũng như phản ánh việc vụ án kéo dài.
"Đây là vụ án phức tạp, phát sinh nhiều đương sự, quyết định xét xử bản án sơ thẩm bị hủy, kiến nghị của cấp sơ thẩm và phúc thẩm đối lập cần có thời gian và thu thập chứng cứ xét xử đúng pháp luật", ông Nghiệp nêu.
Nói về việc thời gian vụ án kéo dài, ông Nghiệp cho hay, do Thẩm phán xét thấy cần nhập vụ án lại thành một để tiện giải quyết. Do phản ánh của đương đơn, báo chí, nên Tòa quyết định tách vụ án và sẽ sớm đưa ra xét xử.