Giảm tranh chấp, phát huy nguồn lực từ đất đai

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến góp ý của nhân dân, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Cử tri Hà Nội đề nghị Luật Đất đai (sửa đổi) cần bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, nhà đầu tư, Nhà nước trong quản lý và sử dụng đất, giúp giảm tranh chấp và sử dụng nguồn tài nguyên này hiệu quả, bền vững hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri về chuyên đề thực hiện chính sách pháp luật về đất đai. (Ảnh PHI LONG)
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri về chuyên đề thực hiện chính sách pháp luật về đất đai. (Ảnh PHI LONG)

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai trên địa bàn thành phố và lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức, các ý kiến thống nhất khẳng định Dự thảo Luật đã được xây dựng công phu, nghiêm túc.

Với 16 chương, 237 điều, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế hóa được tinh thần, quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, từ đó giải quyết được các vấn đề đặt ra từ thực tiễn và xu thế phát triển với nhiều quan điểm đổi mới.

Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Nguyễn Hồng Tuyến đánh giá, việc bỏ khung giá đất tại Dự thảo là một bước đột phá quan trọng, được kỳ vọng sẽ bỏ được sự chênh lệch giá trị thực và giá trị ảo, giúp phòng, chống tiêu cực tham nhũng và hạn chế khiếu nại từ đất. Ông Tuyến dẫn chứng, Luật Đất đai năm 2013 hiện quy định khung giá đất bám giá thị trường, nhưng thực tế luôn có khoảng cách lớn giữa giá đất thị trường và giá nhà nước quy định. Khoảng cách này tạo ra kẽ hở cho tham nhũng và trục lợi đất đai. Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội đề nghị, bên cạnh việc bỏ khung giá đất, dự thảo Luật cần quy định cơ chế, phương pháp xác định giá đất và cơ quan định giá đất cấp tỉnh. Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ xây dựng bảng giá đất định kỳ hằng năm và công bố mỗi năm một lần.

Cử tri Hà Nội cũng đánh giá cao khi Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã xây dựng quy trình thu hồi đất bốn bước và sửa đổi, bổ sung các nguyên tắc bồi thường về đất, nguyên tắc bố trí tái định cư, giúp tháo gỡ một số điểm nghẽn vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Đất đai năm 2013 về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Các ý kiến cũng chỉ rõ khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay của Luật Đất đai năm 2013 là vấn đề bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, việc chậm tiến độ tại ba khâu này dẫn đến dự án sẽ bị kéo dài, gây thiệt hại kinh tế cho Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Do đó, Cử tri đề nghị các cơ quan chức năng phải quan tâm đến quyền lợi của người dân, bảo đảm đời sống và sinh kế của người dân nhất là người nông dân khi tiến hành sửa đổi luật.

Liên quan đến nội dung này, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Nam Từ Liêm Nguyễn Quốc Nam cho biết, hiện nay việc triển khai cưỡng chế, thu hồi đất liên quan đến tài sản gắn với công trình xây dựng hiện đang áp dụng theo Luật Xây dựng.

Chính vì vậy, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần kết nối với các luật có liên quan về nội dung này để bảo đảm làm rõ và có tính khả thi trong thực hiện. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý nâng khung giá bồi thường di chuyển mồ mả ra khỏi các dự án, hiện khung giá còn thấp, nhiều trường hợp không di chuyển, gây ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.

Những năm qua, công tác quy hoạch sử dụng đất tại Hà Nội được thực hiện đồng bộ từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã và theo đúng quy định đã góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai.Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Nguyễn Minh Tấn, công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất trên địa bàn thành phố đã góp phần tạo nguồn thu ngân sách từ đất khoảng 20.000-28.000 tỷ đồng mỗi năm, chiếm 15-18% tổng nguồn thu ngân sách. Riêng giai đoạn 2016-2020, toàn thành phố đã thu hồi đất và giải phóng mặt bằng 2.873 dự án, với diện tích hơn 16.000ha.

Số phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc diện thu hồi đất và giải phóng mặt bằng là hơn 121.000 phương án, bố trí tái định cư cho 6.887 hộ. Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, thành phố đã tổ chức 3.179 đoàn thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực này, qua đó đã kiến nghị thu hồi 2.403 tỷ đồng và hơn 18.000.000 m2 đất; kiến nghị xử lý 512 tập thể, 698 cá nhân; xử phạt vi phạm 465,2 tỷ đồng và chuyển cơ quan điều tra 39 vụ việc.

Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai và giúp phát huy hơn nữa nguồn lực từ tài nguyên quan trọng này, nhân dịp này, thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ xem xét có cơ chế thu hồi đất của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp trong quá trình rà soát, sắp xếp tài sản công theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Cùng với đó, cần có chế tài đủ mạnh để thu hồi đất tại các dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, vi phạm pháp luật về đất đai ngay trong quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.