Người dân đứng hai bên đường tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng.
Người dân đứng hai bên đường tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng.

Một lòng kính cẩn tiễn biệt

NDO - Hàng nghìn người dân từ khắp mọi miền Tổ quốc đã về Hà Nội, nghiêm ngắn đứng trên vỉa hè, dọc hành trình di chuyển linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ Nhà tang lễ Quốc gia về Nghĩa trang Mai Dịch, để được cúi đầu tiễn biệt người cộng sản xuất sắc, hết lòng vì Đảng, vì nước, vì dân về với đất mẹ. Nghĩa tình đồng bào, những ngày này, khiến bất kỳ người con Việt nào cũng thấy ấm lòng vì sự sẻ chia và giúp đỡ.

"XA MẤY CHÚNG TÔI CŨNG PHẢI VỀ HÀ NỘI ĐƯA TIỄN TỔNG BÍ THƯ"

Bác Hoàng Minh Chương, Ủy viên Ban liên lạc Trung đoàn Đồng Xoài từ đêm 25/7 đã mua vé máy bay ra Hà Nội. Từ sáng sớm, bác Chương đã có mặt tại Nghĩa trang Mai Dịch để đưa tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên chặng đường cuối.

Người lính già từ Thành phố Hồ Chí Minh rưng rưng cho biết, đoàn cựu chiến binh của bác dự định sẽ đi 4 người. Thế nhưng, do sức khỏe, chỉ duy nhất bác có thể ra Thủ đô dịp này.

Bản thân bác Chương đã rất buồn khi biết tin Tổng Bí thư qua đời. Do vậy, dù xa mấy, bác cũng phải về Hà Nội dịp này. Dù nắng nóng sốc nhiệt, bác vẫn chen chân giữa dòng người đứng chờ ở Nghĩa trang Mai Dịch. Nắng gắt cuối tháng 7 hắt chéo qua gương mặt nhăn nheo, đôi mắt người cựu binh đỏ hoe khi nhìn về cổng nghĩa trang.

Một lòng kính cẩn tiễn biệt ảnh 1

Bác Hoàng Minh Chương, Ủy viên Ban liên lạc Trung đoàn Đồng Xoài.

Cũng giống như bác Chương, ông Trần Quốc Anh (84 tuổi) cùng vợ là bà Lâm Thị Kim Phối cũng đã vượt cả nghìn kilomet từ tận đất mũi Cà Mau ra Hà Nội từ 12 giờ trưa 26/7. Người đảng viên 57 năm tuổi Đảng này bày tỏ: "Chúng tôi luôn theo dõi các chương trình có Tổng Bí thư phát biểu, nhưng chưa một lần được gặp bác ngoài đời. Chúng tôi là đảng viên, rất ngưỡng mộ bác Trọng, người hết lòng vì nước vì dân, nên khi bác mất chúng tôi rất thương tiếc. Dù xa xôi, chúng tôi cũng muốn một lần được đến đây, được vái vọng bác từ xa, tiễn biệt một nhà lãnh đạo ưu tú của đất nước".

Một lòng kính cẩn tiễn biệt ảnh 2

Ông Trần Quốc Anh (84 tuổi) cùng vợ là Lâm Thị Kim Phối từ Cà Mau ra Hà Nội sáng 26/7.

Cựu chiến binh Vũ Minh Hiển (79 tuổi, Hà Nội) đã tham gia chiến đấu tại 3 chiến trường Việt Nam, Lào và Campuchia cũng tranh thủ ra đường Trần Duy Hưng để đưa tiễn Tổng Bí thư.

Ông Hiển xúc động chia sẻ: "Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với đường lối ngoại giao cây tre đầy tài tình, Việt Nam đã hội nhập và có nhiều bước phát triển vượt bậc".

Một lòng kính cẩn tiễn biệt ảnh 3

Ông Vũ Minh Hiển (bên trái).

Cô Đỗ Thu Hòa (Hưng Yên) không kìm được nước mắt khi đưa tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Từ Hưng Yên, có mặt tại Hà Nội từ 10 giờ sáng, cô hòa theo dòng người đi vào Nhà tang lễ viếng Tổng Bí thư. Chiếc áo đen cô mặc, vội vàng mua còn chưa kịp xé mác.

"Nhà tôi là cũng là gia đình cách mạng nên tôi càng trân trọng người lãnh đạo vì nước vì dân. Cả đời bác sống thanh bạch. Nhìn chiếc áo khoác bác mặc 10 năm đã sờn mà tôi không kìm được nước mắt", cô Hòa nghẹn ngào nói.

TỔNG BÍ THƯ LUÔN SỐNG MÃI TRONG LÒNG DÂN TỘC VIỆT NAM

Cầm trên tay bức ảnh của Tổng Bí thư, cô Nguyễn Thị Tuyết, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ, ngày hôm qua, đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ và đoàn Cựu chiến binh phường Phúc Xá đã chia nhau, một nhóm vào viếng Tổng Bí thư tại Nhà tang lễ Quốc gia, một nhóm cùng chờ trên đường Điện Biên Phủ để cùng có thể được cúi chào tiễn biệt Tổng Bí Thư.

"Chúng tôi đưa tiễn Tổng Bí thư trong niềm tiếc thương chung của nhân dân cả nước. Chúng tôi vô cùng thương tiếc bác. Được tin bác mất, cả nhà tôi ai cũng khóc", nói nửa chừng, cô Tuyết lại khóc nấc.

Một lòng kính cẩn tiễn biệt ảnh 4
Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội có mặt tại đường Điện Biên Phủ từ 12 giờ 30 phút chiều, xem tường thuật trực tiếp lễ truy điệu qua truyền hình, kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt Tổng Bí thư.

Dành thời gian hơn 6 giờ xếp hàng để chờ vào viếng Tổng Bí thư tại Nhà tang lễ Quốc gia chiều 25/7 mà chưa có cơ hội vào viếng, trưa 26/7, chị Lương Kim Mây (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội) ra đứng chờ ở phố Hàng Khay từ 12 giờ trưa. "Tôi đã tìm được vị trí để có thể nhìn linh xa Tổng Bí thư đi qua một cách dễ nhất và nói lời tiễn biệt", chị Mây chia sẻ.

Bác Nguyễn Thị Thoa (54 tuổi đến từ Trung Hòa, Hà Nội) cầm theo ảnh Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đứng chờ đưa tiễn bác tại đường Trần Duy Hưng ngậm ngùi nói: “Dù thời tiết hôm nay rất nắng và oi nhưng khi đứng ở đây tôi tin rằng không chỉ tôi mà tất cả mọi người đều không cảm thấy mệt mỏi, bởi chúng tôi đều có cùng mong muốn được tiễn đưa Tổng Bí thư một đoạn đường cuối cùng”.

Một lòng kính cẩn tiễn biệt ảnh 5

Từ Thanh Xuân đến Mai Dịch giữa cái nóng gần 40 độ C, bà Nguyễn Thị Phương (Hà Nội), nguyên cán bộ Văn phòng Chính phủ kể về kỷ niệm được vinh dự chụp ảnh cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2008.

Dù đã hơn 80 tuổi nhưng hôm nay, bà vẫn kiên nhẫn đứng đợi dưới trời nắng gắt để được đưa tiễn người bạn đồng niên.

Chỉ cho phóng viên Báo Nhân Dân xem bức ảnh chụp chung với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được bà cẩn thận sao lưu trên điện thoại, bà Phương cho hay, năm 2008, nhân kỷ niệm 33 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, lúc bấy giờ bà và một người bạn vinh dự được chụp ảnh cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cả ba người bằng tuổi nhau, cùng sinh năm 1944.

“Trong những năm công tác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn cống hiến, hy sinh hết mình cho Đảng, cho nhân dân đến tận giây phút cuối cùng của cuộc đời. Bởi thế, bác vô cùng cảm động và hôm nay muốn đến đây để nói lời tiễn biệt với người bạn đồng niên”, bà Phương nghẹn lời.

Một lòng kính cẩn tiễn biệt ảnh 6

Bà Nguyễn Thị Phương chỉ cho phóng viên Báo Nhân Dân xem bức ảnh bà đứng cạnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được chụp năm 2008.

Xe tang đã đi qua, bác Bùi Chí Chiến (lái xe ôm công nghệ, quê Hà Nội) đôi mắt còn đỏ hoe, ngậm ngùi chưa muốn rời đi sau khi mọi người đã về hết. Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, bác nói: “Đối với bác Trọng, mọi người dân đều dành tình cảm tiếc thương khi bác mất. Tôi rất tôn trọng bác vì bác là người luôn luôn nghĩ cho dân, cả cuộc đời bác làm việc vì dân. Công tác phòng, chống tham nhũng của bác đã làm tốt trong thời gian qua để cải thiện đời sống nhân dân Việt Nam. Sự ra đi của bác Trọng là một mất mát lớn của dân tộc”.

LỚP TRẺ NGUYỆN HỌC THEO LỜI TỔNG BÍ THƯ

Tỏ lòng thành kính trước giây phút tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều bạn trẻ cũng bày tỏ quyết tâm học tập, noi theo tấm gương sáng của nhà lãnh đạo vì nước vì dân.

Trên đường Kim Mã, nhiều bạn trẻ chờ đợi linh cữu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi qua để nói lời tiễn biệt, trong đó có Thiên Hương và Nhật Mỹ (cùng 20 tuổi, đang là sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Hai bạn cùng mang theo ấn phẩm đặc biệt số 386 của báo Ngày Nay với ảnh bìa in hình Tổng Bí thư đáng kính.

Em Thiên Hương chia sẻ: “Em có lướt trên Tiktok thì có biết tạp chí Ngày Nay phát ấn phẩm số 386 về Tổng Bí thư nên trước khi đến đây để đưa tiễn bác thì có vào tạp chí để xin một ấn phẩm. Trong lòng bọn em nói riêng và toàn thể nhân dân Việt Nam nói chung thì bác Trọng là một nhà lãnh đạo xuất sắc, cũng như bọn em hay gọi bằng cái tên thân thương là bác Trọng. Vậy nên, bác Trọng luôn luôn chiếm một vị trí quan trọng trong lòng chúng em”.

Một lòng kính cẩn tiễn biệt ảnh 7

Thiên Hương và Nhật Mỹ chăm chú đọc ấn phẩm đặc biệt số 386 của tạp chí Ngày Nay để hiểu rõ hơn về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Rời nhà ở Hòa Bình từ sớm với mong muốn được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, em Nguyễn Huy Hoàng, 15 tuổi cho biết, em được ông chở theo cùng bà đến Nhà tang lễ Quốc gia viếng Tổng Bí thư từ sớm và chờ đưa tiễn bác.

“Cũng như mọi người dân Việt Nam, em đặc biệt biết ơn công lao to lớn của bác đối với đất nước. Đối với em, bác là người xứng đáng nhận được sự kính trọng và tình thương yêu của nhân dân. Cuộc đời và sự nghiệp của bác là tấm gương sáng để thế hệ trẻ chúng em học tập, noi theo, góp phần xây dựng đất nước”, Hoàng xúc động chia sẻ.

Cùng chung cảm xúc, 2 bạn trẻ Phạm Đặng Thanh Thảo và Trương Nguyễn Hương Giang (17 tuổi, Hà Nội) cho biết, các em tự di chuyển đến đây để kính viếng và bày tỏ niềm kính trọng của mình đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Một lòng kính cẩn tiễn biệt ảnh 8

Giáo viên và các em học sinh vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Gia đình chị Phạm Thùy Linh (phường Vĩnh Tuy, Hà Nội), dắt theo 2 con nhỏ đến tiễn biệt Tổng Bí thư tại Nhà tang lễ Quốc gia. “Tôi đưa 2 con đến đây vì muốn con biết được rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người có ý nghĩa đối với dân tộc, để các con hiểu được và cố gắng sau này trở thành người có ích cho xã hội”, chị Phạm Thùy Linh chia sẻ.

Cầm theo di ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, anh Gia Minh, 40 tuổi (Chương Mỹ, Hà Nội) đứng lẫn vào dòng người trước cổng Nghĩa trang Mai Dịch giữa trưa nắng nóng. Anh cho biết đã đứng ở đây từ 7 giờ sáng đợi xe chở linh cữu Tổng Bí thư đi qua để nói lời từ biệt với vị lãnh đạo tài đức của đất nước.

“Khi được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất, cảm xúc của mình rất buồn, tiếc thương như vừa mất đi người thân. Với tâm thế hướng về bác, mình rất muốn đến để được tiễn đưa bác lần cuối. Do điều kiện không cho phép, mình không vào viếng được ở Nhà tang lễ Quốc gia nên hôm nay quyết định đi sớm để tới Mai Dịch tiễn Tổng Bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng”, anh Minh chia sẻ.

Một lòng kính cẩn tiễn biệt ảnh 9

Anh Gia Minh, 40 tuổi (Chương Mỹ, Hà Nội) cầm theo di ảnh của Tổng Bí thư.

Hòa vào dòng người đứng chờ tại đoạn giao giữa đường Lê Đức Thọ và Hồ Tùng Mậu, anh Toàn kể, do trước đó điều kiện không cho phép, anh không thể dẫn con vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê hương Lại Đà, nên tranh thủ giờ trưa được nghỉ hôm nay, 2 bố con đèo nhau từ Đông Anh qua đây để tiễn đưa Tổng Bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng.

“Dù chưa được gặp Tổng Bí thư ngoài đời, nhưng tôi thường kể những câu chuyện về bác để con tôi hiểu thêm về một nhà lãnh đạo vì nước, vì dân nhưng rất đỗi giản dị, gần gũi. Tôi muốn giáo dục con cái mình học hỏi được nhiều điều từ bác Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt là những đức tính tốt để phấn đấu vươn lên thành người có ích, đóng góp xây dựng đất nước, dù là từ những việc làm nhỏ nhất”, anh Toàn chia sẻ.

Một lòng kính cẩn tiễn biệt ảnh 10

Bà con tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

NGHĨA TÌNH ĐỒNG BÀO

Hai ngày Quốc tang, nắng nóng, mưa rào xen kẽ nhưng những dòng người vẫn kiên trì xếp hàng để chờ được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Mọi ngả đường đi vào Nhà tang lễ Quốc gia hay quê nhà Lại Đà đều chật kín người từ phương xa về...

Vào chiều tối muộn, khi dòng người nối dài bất tận ra nhiều con phố quanh lối vào Nguyễn Công Trứ, chẳng một ai dám rời vị trí, chỉ sợ qua lượt được vào. Nhưng bà con không mệt và đói, vì hàng trăm chiếc bánh mì và bánh ngọt, chai nước miễn phí được bày trên những chiếc bàn, mẹt thúng đặt trên vỉa hè, ai đói thì ăn, ai khát thì uống.

Một lòng kính cẩn tiễn biệt ảnh 11

Những chiếc bánh được phát miễn phí cho bà con.

Các cửa hàng mặt đường phía Lò Đúc dường như hào phóng hơn cả khi mở cửa kính để hơi mát điều hòa thổi ra, những chiếc quạt cũng được người dân bê từ nhà ra đường, bật số to nhất để giúp bà con đang xếp hàng dịu bớt phần nào trong cái nóng gay gắt của mùa hè.

Người dân trên con phố này, cứ rỉ tai nhau, rồi gom góp mua đồ phục vụ miễn phí. Có người xách 2 bịch bánh mì to và nước, vừa đi vừa rao "ai khát nước không, ai đói không để chúng tôi phát...".

Một lòng kính cẩn tiễn biệt ảnh 12

Bà con ấm lòng vì được phục vụ miễn phí trong thời gian xếp hàng chờ vào viếng.

Cầm bánh mì và chai nước vừa được bà Đỗ Minh Hương (62 tuổi) đưa, chị Hoàng Minh Hà (Hưng Yên) vô cùng cảm động. Chị và con vừa từ Hưng Yên lên chiều 25/7, đã xếp hàng 3 tiếng nhưng chưa được vào viếng. Đi vội, lạ đất, nên chị không kịp mua gì cho con ăn. "Nhờ có bánh mì và nước uống được bà con phân phát, mẹ con tôi yên tâm chờ đến tối muộn để được vào viếng bác".

Bà Hương cùng bà con ở khu phố này đã cùng chung tay giúp sức bà con chỉ với một mong muốn giúp mọi người đỡ mệt mỏi khi xếp hàng vào viếng bác.

Một lòng kính cẩn tiễn biệt ảnh 13

Những cốc nước nghĩa tình giúp bà con giải khát trong trưa ngày 26/7.

Trưa 26/7, trên hành trình đưa tiễn Tổng Bí thư, những chai nước miễn phí vẫn được bày biện từng góc phố. Giữa cái nắng gắt chói chang, thi thoảng có một nhóm bạn trẻ, bê khay nước mời lực lượng bảo đảm an ninh, các sinh viên tình nguyện, người dân đứng ở 2 bên vỉa hè. Có một vài em bé vì mệt do nắng nóng, được người dân đưa vào nhà, xức dầu, quạt mát, uống nước đường nghỉ ngơi cho tỉnh táo.

Ở quê hương Lại Đà, bà con cũng nhiệt tình như đón tiếp những người con phương xa về làng vào ngày trọng. Họ đều mở rộng cửa nhà đón đoàn khách viếng. Có người mang nước trong nhà ra pha trà mời nhân dân, có gia đình biến phòng khách thành nơi nghỉ tạm thời cho những người chờ tới lượt.

Một lòng kính cẩn tiễn biệt ảnh 14

Bà con Lại Đà phục vụ nước miễn phí cho người dân.

Những trạm “tiếp bánh, tiếp nước” được bố trí khắp các trục đường chính. Ngay cả những hộp khăn giấy nhỏ cũng được chuẩn bị chu đáo. Những tấm bìa caton được xé nhỏ làm quạt...

Thương người dân từ khắp với về viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cô Diễm xóm 10, thôn Lại Đà và nhiều gia đình khác chủ động mang tất cả quạt cây ra trước cửa để giải tỏa cơn nóng cho những người dân.

Một lòng kính cẩn tiễn biệt ảnh 15

Bà con thôn Lại Đà chung tay, để quạt cây ra tận đường cái để phục vụ người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Những việc làm nhỏ bé ấy, cũng khiến cho hàng trăm nghìn người con Việt hòa vào dòng người tiễn đưa Tổng Bí thư thấy ấm lòng. Những người phương xa càng thêm yêu người Hà Nội nghĩa tình, yêu Lại Đà chân thành, hiền hậu. Có lẽ cũng nhờ thế, đoạn đường tiễn đưa Tổng Bí thư 2 ngày qua cũng trở nên ấm áp, nghĩa tình...

Thật khó để bày tỏ hết tình cảm, lòng thành kính, biết ơn của nhân dân cả nước dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đúng như khẳng định của Chủ tịch nước Tô Lâm trong Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Di sản của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ sống mãi trong lịch sử Việt Nam, sẽ được kế thừa và phát huy hơn nữa trong công cuộc đổi mới; thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc mà đồng chí trọn đời ấp ủ, phấn đấu, hy sinh”.

back to top