Mồng chín tháng tám, chọi trâu thì về

“Dù ai buôn đâu bán đâu/Mồng chín tháng tám chọi trâu thì về”- câu ca cổ lưu truyền từ bao đời nay trong văn hóa cộng đồng của cư dân miền biển các địa phương phía bắc như mời gọi mọi người đến tham dự lễ hội truyền thống độc đáo của người dân vạn chài vùng biển Đồ Sơn - Lễ hội chọi trâu.
0:00 / 0:00
0:00
Một kháp đấu trong Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn. (Ảnh NGUYỄN ĐỨC)
Một kháp đấu trong Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn. (Ảnh NGUYỄN ĐỨC)

Năm 2012, Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội mang đậm bản sắc, tín ngưỡng độc đáo của những người dân miền biển vùng duyên hải Bắc Bộ và tạo nên sức hút cho du lịch biển Đồ Sơn nói riêng, Hải Phòng nói chung.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn hay còn gọi là đấu ngưu, diễn ra vào mồng chín tháng tám âm lịch hằng năm. Có người cho rằng lễ hội gắn với huyền tích Bà Đế gắn với tục hiến sinh xưa kia. Cũng có truyền thuyết về lễ hội gắn với thần tích Điểm Tước Đại Vương. Tương truyền, người dân vạn chài khi qua đền thờ đã gặp hai con trâu chọi nhau. Thấy người, chúng liền chạy xuống biển.

Từ đó, người dân mở lễ hội chọi trâu và làm lễ tế thần Điểm Tước bằng một con trâu khỏe mạnh nhất được tuyển chọn thông qua thi chọi. Nay, thần Điểm Tước Đại Vương vẫn được thờ tại đền Nghè cùng với lục vị Tiên công - sáu người có công khai khẩn, lập nên mảnh đất Đồ Sơn.

Một huyền tích khác gắn với Quận He Nguyễn Hữu Cầu - người đã cùng vạn chài nơi đây khởi nghĩa chống lại chế độ phong kiến thế kỷ 18. Mỗi khi thắng trận, Nguyễn Hữu Cầu thường mổ trâu khao quân. Những con trâu khi dứt dây đã lao vào chọi nhau quyết liệt khiến quân sĩ hứng khởi, reo hò vang dội. Kể từ đó, ông cho mở hội chọi trâu hằng năm để cổ vũ, động viên tinh thần quân sĩ.

Tuy có nhiều, nhưng các truyền thuyết, huyền tích đều khẳng định lễ hội chọi trâu đã tồn tại hàng trăm năm qua. Ngay từ đầu năm, các giáp trong vạn chài Đồ Sơn đều cử người đại diện đi tìm, mua và huấn luyện trâu chọi. Khi lựa chọn, trâu chọi phải là những con trâu đực khỏe mạnh với các tiêu chí như: “ức rộng, háng to, cổ cò, đuôi trai, đít nhót, độc khoang, tứ khoáy”...

Việc luyện trâu chọi khá công phu. Ngoài việc chăm sóc cho trâu có thể lực tốt, sức dẻo dai, sẵn sàng nghênh chiến với những miếng đánh hay, trâu chọi phải được luyện rèn để quen với tiếng trống, chiêng, với không khí náo nhiệt, sống động của lễ hội, không bị giật mình, hoảng sợ...

Từ ngày mồng 1 tháng 8 âm lịch, các vị cao niên các giáp có trâu chọi làm lễ dâng hương thượng cờ lễ hội tại đền Nghè thờ Điểm Tước Đại Vương và tại đền thờ Nam Hải Đại Vương trên đảo Dấu. Tại đình làng, các chủ trâu đưa trâu ra làm lễ thành hoàng làng.

Từ khi đó, trâu chọi được gọi là “ông trâu”. Khoảng canh giờ đầu của ngày mồng chín tháng tám âm lịch, chủ tế các giáp làm lễ xin phép thành hoàng đưa trâu đi thi đấu. Các “ông trâu” được rước ra đấu trường với cờ quạt, trống, chiêng, long đình, long kiệu, bát bửu cùng các trai tráng trong làng với trang phục truyền thống.

Sau phần múa cờ khai hội của các trai tráng vùng biển, giữa tiếng trống hội rền vang là phần chính hội với những pha đấu gay cấn, quyết liệt, những miếng đánh hay, dũng mãnh của những “ông trâu” được chọn lựa, chăm sóc, huấn luyện kỳ công... mang đến cho hàng vạn du khách và người dân những cảm xúc vui vẻ, những ấn tượng tốt đẹp, thể hiện tinh thần thượng võ.

Sau những kháp đấu sôi động, hấp dẫn, “ông trâu” giải nhất được rước về làm lễ hiến sinh tại đền Nghè - nghi lễ kết thúc lễ hội như một mong ước của các vạn chài cầu mong cho quốc thái, dân an, cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, cho mùa biển tới tiếp tục được may mắn, thuận lợi...

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn Phạm Hoàng Tuấn, lễ hội năm nay dự kiến sẽ có lượng khách du lịch khá lớn tham dự.

Ngoài việc bố trí thêm hai màn hình lớn ở ngoài sân để phục vụ đông đảo người dân và du khách cùng được hòa mình vào không khí sôi động của lễ hội độc đáo này, Ban tổ chức lễ hội còn phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động như: Ngày hội khinh khí cầu lần đầu tổ chức tại công viên Đầm Vuông, cùng các tour du lịch trải nghiệm kết hợp ẩm thực, đêm nhạc sân đình... để níu chân du khách.