IEA: Đầu tư năng lượng sạch toàn cầu cần tăng gấp 3 lần đến năm 2030 để đối phó biến đổi khí hậu

NDO -

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ngày 13/10 cho biết, thế giới cần tăng mức đầu tư vào năng lượng tái tạo lên gấp 3 lần vào cuối thập kỷ này nếu như muốn ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và giữ cho thị trường năng lượng đầy biến động trong tầm kiểm soát.

Các tuabin gió tại trang trại điện gió ngoài khơi Eneco Luchterduinen gần Amsterdam, Hà Lan ngày 26/9/2017. (Ảnh: Reuters)
Các tuabin gió tại trang trại điện gió ngoài khơi Eneco Luchterduinen gần Amsterdam, Hà Lan ngày 26/9/2017. (Ảnh: Reuters)

“Các quốc gia đang đầu tư không đủ để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai. Chi tiêu liên quan đến quá trình chuyển đổi đang dần tăng lên, nhưng vẫn cách khá xa mức cần thiết để thỏa mãn một cách bền vững nhu cầu ngày càng tăng về các dịch vụ năng lượng”, IEA cho hay.

Cơ quan này khẳng định: “Các tín hiệu và định hướng rõ ràng từ các nhà hoạch định chính sách là cần thiết. Nếu con đường phía trước chỉ được vạch ra với những ý định tốt, thì đó thực sự sẽ là một chặng đường gập ghềnh”.

Hồi đầu năm nay, IEA đã công bố Triển vọng Năng lượng Thế giới hằng năm để định hướng cho Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu 2021 (COP26), sẽ diễn ra tại Glasgow, Scotland trong vòng chưa đầy một tháng nữa.

COP26 được IEA coi là “cuộc thử nghiệm đầu tiên về mức độ sẵn sàng của các quốc gia trong việc đệ trình các cam kết mới và tham vọng hơn theo Thỏa thuận Paris 2015” và “một cơ hội để phát đi tín hiệu không có gì phải bàn cãi về thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch trên toàn thế giới”.

Những tuần gần đây, thế giới chứng kiến giá điện tăng lên mức kỷ lục do giá dầu và khí đốt tự nhiên đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu năng lượng đã lan rộng ra cả châu Á, châu Âu và Mỹ.

Nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch cũng đang tăng trở lại khi các chính phủ nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng, chống dịch Covid-19 lây lan.

IEA nhấn mạnh, năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió và thủy điện cùng với năng lượng sinh học cần chiếm một tỷ trọng lớn hơn nữa trong sự phục hồi đầu tư vào năng lượng sau đại dịch.