Trên đây là mục tiêu được đề cập đến trong dự thảo kế hoạch mới đây của chính phủ Đức - sớm hơn 5 năm so với mục tiêu cũ là từ bỏ nhiên liệu hóa thạch trước năm 2040.
Các nước phương Tây đã hối thúc Đức giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, nhưng các kế hoạch tiến tới loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện than vào năm 2030 và đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân vào cuối năm 2022 khiến quốc gia này không có nhiều lựa chọn.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã mô tả việc đẩy mạnh mở rộng công suất năng lượng tái tạo là yếu tố then chốt giúp đất nước bớt phụ thuộc vào nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Theo bản dự thảo kế hoạch, Đức đã sẵn sàng tiến hành các sửa đổi tương ứng đối với Luật năng lượng tái tạo (EEG), theo đó tỷ lệ điện gió hoặc điện mặt trời của quốc gia này được kỳ vọng sẽ đạt 80% vào năm 2030.
Cụ thể, công suất năng lượng gió trên đất liền của Đức sẽ tăng gấp đôi lên mức 110 gigawatt, công suất năng lượng gió ngoài khơi sẽ đạt 30 gigawatt, trong khi công suất năng lượng điện mặt trời sẽ tăng hơn gấp 3 lần lên mức 200 gigawatt.