Mỗi năm có hơn 1.600 phiên giao dịch việc làm

NDO -

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trung bình mỗi năm có hơn 1.600 phiên giao dịch việc làm được tổ chức trên toàn quốc. 

Phiên giao dịch việc làm lưu động tại quận Tây Hồ, Hà Nội.
Phiên giao dịch việc làm lưu động tại quận Tây Hồ, Hà Nội.

Nâng cao năng lực cho trung tâm dịch vụ việc làm

Theo báo cáo của các địa phương, trung bình mỗi năm, hơn 1.600 phiên giao dịch việc làm đã được tổ chức.

Đây là thông tin từ tổng kết dự án phát triển thị trường lao động và việc làm giai đoạn 2016-2020, nhằm đánh giá kết quả thực hiện các hoạt động trong Dự án và định hướng các nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ - TB và XH).

Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp, đẩy mạnh hỗ trợ tạo việc làm và phát triển thị trường lao động, ngày 20-6-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020. Chương trình gồm ba dự án. Trong đó, dự án phát triển thị trường lao động và việc làm được Bộ LĐ - TB và XH giao Cục Việc làm chủ trì.

Với mục tiêu thúc đây phát triển thị trường lao động; nâng cao hiệu quả kết nỗi cung cầu lao động; hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động, qua 5 năm thực hiện, Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về việc làm, đặc biệt về phát triển thị trường lao động với nhiều kết quả tích cực.

Đó là đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cho 11 Trung tâm DVVL. Trong đó, có bảy Trung tâm DVVL của ngành LĐ-TB và XH, bốn Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm kiểu mẫu của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Từ đó, các hoạt động giao dịch việc làm từ sàn, phiên giao dịch việc làm trực tuyến, lưu động, ngày hội việc làm đã được triển khai, đa dạng hóa các hình thức, thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp và người lao động.

Theo báo cáo của các địa phương, trung bình mỗi năm, đã tổ chức hơn 1.600 phiên giao dịch việc làm. Bình quân, mỗi phiên giao dịch thu hút từ 25-30 doanh nghiệp; khoảng 350-450 người lao động tham gia. Số lao động tìm được việc làm qua các phiên giao dịch việc làm chiếm khoảng 35 đến 40% số lao động đăng ký tư vấn việc làm.

Tại các phiên giao dục việc làm, các đơn vị cũng tổ chức thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu về cung - cầu lao động với thông tin của hơn 20 triệu hộ gia đình và gần 400 nghìn doanh nghiệp được cập nhật hằng năm.

Cùng với đó, bước đầu đã có sự kết nối thông tín thị trường lao động từ Trung ương tới địa phương cũng như giữa các địa phương, giữa các vùng với nhau...; tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên, thanh niên; giới thiệu việc làm thành công cho hàng chục nghìn thanh niên, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số....

phiengiaodichvieclamtructuyen3-1606992568300.jpg
Phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối sáu địa phương phía bắc (Ảnh: HCES). 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cũng tồn tại một số hạn chế nhất định. Cụ thể như: nguồn vốn bố trí thấp, cơ chế quản lý còn bộc lộ những tổn tại trong việc theo đõi, bảo đảm nguồn kinh phí được thực hiện đúng mục tiêu; hệ thống thông tin thị trường lao động chưa hoàn thiện; năng lực phân tích, dự báo thị trường lao động chưa đáp ứng yêu cầu; các hoạt động giao dịch việc làm chậm ứng dụng công nghệ thông tin...

Từ những kinh nghiệm rút ra từ dự án, Bộ LĐ-TB và XH tiếp tục hoàn thiện báo cáo tổng kết Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, đề xuất các dự án, hoạt động trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 mà cơ quan này đang trình Chính phủ và Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.

Trong giai đoạn tới, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam ngày càng chủ động, tích cực tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những quy chuẩn, tiêu chuẩn về lao động, việc làm. Các nền tảng số đã và đang thay đổi mọi mặt của nền kinh tế xã hội, tác động trực tiếp tới việc hình thành những quan hệ lao động mới, việc làm phi truyền thống: thị trường lao động ngày càng mở rộng, không chỉ giới hạn trong phạm vi một quốc gia, một khu vực, phân công lao động diễn ra trên phạm vi toàn cầu; trong nước, quy mô lao động lớn nhưng chất lượng nguồn lao động còn hạn chế, việc làm phi chính thức, già hóa dân số, việc làm bền vững trong mối quan hệ tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu ... đã và đang đặt ra những thách thức, nhiệm vụ nặng nề trong nâng cao nãng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về việc làm.   

Hoàn thiện Đề án hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030

Bộ LĐ-TB và XH cũng đang lấy ý kiến của các chuyên gia, các bộ, ngành, địa phương về dự thảo Đề án hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030. Văn bản dự thảo đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan này để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân.

Đến nay, dự thảo này đã được hoàn thiện, cơ bản tiếp thu và chỉnh lý theo ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương và nhân dân để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Mục tiêu tổng quát của Đề án là  thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động để tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và vận hành đồng bộ, thông suốt thị trường lao động; góp phần huy động và phân bổ, sử dụng có hiệu quả nhất các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, có sự kết nối các thị trường với nhau, thị trường lao động trong nước với thị trường lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Mục tiêu cụ thể của Đề án đề xuất các chỉ tiêu cụ thể, chia thành hai giai đoạn: giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030. Các chỉ tiêu của giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước.

Các chỉ tiêu trọng tâm có thể kể tới:

Thứ nhất, Tăng đáng kể số lao động có các kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường lao động để có việc làm tốt và làm chủ doanh nghiệp

Thứ hai, Tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả nam và nữ, bao gồm cả thanh niên, người khuyết tật và thù lao ngang bằng đối với các loại công việc như nhau.

Thứ ba, Giảm đáng kể tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không đi học hoặc đào tạo, chủ động thực hiện hiệu quả Hiệp ước việc làm toàn cầu của Tổ chức Lao động quốc tế.

Thứ tư, Bảo vệ quyền lao động, bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho tất cả người lao động, đặc biệt là lao động làm trong khu vực phi chính thức.

Thứ năm, Hình thành và phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động quốc gia có sự chia sẻ thông tin, dữ liệu liên thông trên toàn quốc và giữa các vùng, các quốc gia.

Phạm vi của đề án tập trung vào các hoạt động nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng lao động, phát triển việc làm, kết nối cung - cầu lao động và vấn đề quản trị, vận hành thị trường lao động.