Mở nút thắt thực hiện Luật Đấu thầu 2023

NDO - Ngày 31/5, tại Đà Nẵng, Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Cục Quản lý đấu thầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Luật Đấu thầu 2023 - Kỳ vọng và Thách thức đối với lĩnh vực xây dựng”. Tham dự Hội thảo có hơn 200 chuyên gia, nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh phiên khai mạc Hội thảo.
Quang cảnh phiên khai mạc Hội thảo.

Sau phiên khai mạc, Hội thảo “Luật Đấu thầu 2023 - Kỳ vọng và Thách thức đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng” tiếp tục với 2 phiên thảo luận chuyên đề. Đại biểu dự Hội thảo đã cùng nhau phân tích, mổ xẻ, chỉ rõ những tồn tại vướng mắc trong quá trình áp dụng đấu thầu qua mạng và những thách thức cần tiên liệu trong quá trình thi hành Luật Đấu thầu 2023.

Trình bày tham luận tại Hội thảo, ThS Nguyễn Ngọc Hoàng, Chuyên viên Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các luồng nghiệp vụ mới trong quá trình lựa chọn nhà thầu qua mạng bao gồm: Tổ chuyên gia lập E-HSMQT, E-HSMST, E-HSMT trên hệ thống; Phê duyệt hồ sơ, kết quả trên hệ thống; Chào giá trực tuyến; Bảo lãnh điện tử; Mua sắm trực tuyến.

Các đại biểu đều thống nhất nhận định: Đấu thầu là một định chế kinh tế-pháp lý phổ biến trên toàn thế giới. Hoạt động lựa chọn nhà thầu thông qua đấu thầu để thực hiện hiệu quả các dự án phát triển kinh tế-xã hội thông qua sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp dự thầu về chất lượng, hiệu quả và tiến độ.

Ở Việt Nam, hoạt động đấu thầu được luật hóa lần đầu tiên trong chương VI Luật Xây dựng 2003. Tiếp đó Luật Đấu thầu 2013 được ban hành để điều chỉnh hoạt động đấu thầu đáp ứng các đòi hỏi của phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế. Qua 10 năm thực hiện, Luật Đấu thầu 2013 bộc lộ khá nhiều bất cập dẫn đến việc Quốc hội ban hành Luật Đấu thầu 2023, có hiệu lực ngày 1/1/2024.

Luật Đấu thầu 2023 có rất nhiều điểm mới và được kỳ vọng sẽ mở được nhiều nút thắt cho sự phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế. Tuy nhiên, giữa pháp luật và thi hành pháp luật vẫn có những khoảng cách mà các chuyên gia pháp luật, kinh tế gọi là những sự cắt khúc. Luật Đấu thầu năm 2023 cũng có thể có những khúc cắt mà chỉ có thể nhận ra từ hoạt động thi hành. Mặc dù mới có hiệu lực được hơn ba tháng song do tính chất đặc biệt của nó, Luật Đấu thầu 2023 đã được áp dụng khá nhiều trong việc triển khai các dự án, đặc biệt là các công trình xây dựng.

Mở nút thắt thực hiện Luật Đấu thầu 2023 ảnh 1

TS Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam phát biểu dẫn đề Hội thảo.

Ông Nguyễn Phú Vinh, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Thực tiễn áp dụng đấu thầu qua mạng thời gian qua tại EVN có cả thuận lợi và khó khăn. Trước hết là bảo đảm được tính công khai, minh bạch của quá trình đấu thầu. Ở góc độ chủ đầu tư và bên mời thầu, khi áp dụng đấu thầu qua mạng, toàn bộ thông tin đấu thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu, giải quyết kiến nghị và các thông tin liên quan khác… đều được EVN và các đơn vị thành viên của EVN công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho tất cả nhà thầu tham gia.

Nhiều ý kiến cho rằng, với đấu thầu truyền thống, vẫn còn tình trạng “quân xanh”, “quân đỏ”, chủ đầu tư không công khai đầy đủ thông tin khi phát hành hồ sơ mời thầu… thì khi áp dụng đấu thầu qua mạng, trong khoảng 5 năm trở lại đây, tính minh bạch được thể hiện rõ khi thông tin gói thầu được công khai qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Tuy nhiên, việc đấu thầu hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, khó khăn, như cơ chế để chủ đầu tư có thể tiếp cận thông tin dữ liệu nhà thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia còn hạn chế; Hồ sơ mời thầu theo webform của hệ thống mạng đấu thầu quốc gia chưa giải quyết được các tiêu chí đánh giá có tính đặc thù của gói thầu nhằm lựa chọn được các nhà thầu có năng lực kinh nghiệm chuyên sâu, với yêu cầu kỹ thuật cao; Cơ chế phân quyền tài khoản trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cần linh hoạt hơn để phù hợp với công tác đấu thầu tại các đơn vị có quy mô quản lý lớn, nhiều đơn vị trực thuộc.

Trao đổi về nội dung Các hành vi bị cấm trong Điều 16 Luật Đấu thầu 2023 và khả năng ngăn chặn tiêu cực trong đấu thầu các dự án đầu tư xây dựng, ông Lê Văn Cao, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật FDVN cho rằng vẫn còn hành vi thông thầu, gian lận, cản trở, không bảo đảm công bằng, minh bạch, chuyển nhượng thầu…

Tình trạng dàn xếp, thỏa thuận, ép buộc để thực hiện hành vi thông thầu hoặc tình trạng thực hiện hành vi cản trở, can thiệp trong hoạt động đấu thầu và chuyển nhượng thầu, bán thầu trái quy định pháp luật và các hành bị bị cấm thầu khác vẫn còn diễn ra khá phổ biến.

Trong khi đó, quy định pháp luật liên quan đấu thầu khi chưa cụ thể hóa các hành vi cấm thầu một cách rõ ràng, chưa có chế tài xử phạt phù hợp nhằm răn đe đối với các đối tượng thực hiện các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu. Cơ chế, kiểm sát, giám sát về hoạt động còn khá lỏng lẻo cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới các bên tiến hành các hành thông thầu, cản trở thầu, chuyển nhượng, mua bán và các hành vi nhằm hạn chế tính chất cạnh tranh trong hoạt động đấu thầu.

Với Luật Đấu thầu 2023, các hành vi bị cấm trong Điều 16 thể hiện nỗ lực lớn của cơ quan lập pháp trong việc ngăn chặn các hành vi tiêu cực, tham nhũng và triệt tiêu chúng ở mức tối đa có thể nhằm bảo đảm môi trường công bằng cho các nhà đầu tư, nhà thầu trong việc triển khai các dự án phát triển kinh tế, xã hội. Những quy định này ở khía cạnh khác sẽ thúc đẩy một hệ thống quản lý, điều hành kinh tế hiệu quả, trong sạch.

Bế mạc Hội thảo, GS, TS Lê Hồng Hạnh, Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Viện trưởng Viện Pháp luật và Kinh tế ASEAN khẳng định: "Ban Tổ chức quyết tâm đóng góp để xây dựng hệ thống Luật Đấu thầu một cách tốt nhất. Đấu thầu là hiện tượng kinh tế pháp lý, giúp phát triển thông qua tránh được những lãng phí, tiêu cực. Những tham luận, ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo là những luận cứ khoa học có giá trị, sẽ được tổng hợp, đánh giá và chuyển tới Chính phủ, Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, sửa đổi, gỡ những nút thắt trong hoạt động đấu thầu, góp phần đưa Luật Đấu thầu 2023 đi vào cuộc sống.