Dự buổi lễ có đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cùng đại diện Ngân hàng Thế giới (WB).
Kênh Nghĩa Hưng là hợp phần rất quan trọng của Dự án WB6, dự án lớn nhất từ trước đến nay đầu tư vào hạ tầng đường thủy nội địa ở khu vực phía bắc, được thực hiện trên phạm vi 14 tỉnh, thành phố; có tổng mức đầu tư 200 triệu USD, trong đó vốn vay của Ngân hàng thế giới 170 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ 30 triệu USD; đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2016.
Nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đã ký hiệp định bổ sung vốn cho dự án WB6 để đầu tư cụm công trình kênh nối sông Đáy-sông Ninh Cơ, nay được đặt tên chính thức là Kênh Nghĩa Hưng.
Cụm công trình gồm các hạng mục: Kênh Nghĩa Hưng nối sông Đáy-sông Ninh Cơ, Âu tàu Nghĩa Hưng và cầu vượt kênh; có tổng mức đầu tư 107,19 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới là 78,74 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 28,45 triệu USD.
Các đồng chí lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, lãnh đạo tỉnh Nam Định và đại diện Ngân hàng Thế giới bấm nút thông luồng đường thủy nội địa quốc gia Kênh và Âu tàu Nghĩa Hưng. |
Công trình do Ban Quản lý các dự án đường thủy (Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư; được khởi công ngày 1/3/2021, hoàn thành ngày 30/6/2023.
Ngày 25/7, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Quyết định số 888/QĐ-BGTVT công bố mở luồng thủy nội địa quốc gia kênh Nghĩa Hưng với chiều dài 1,18km; Âu tàu Nghĩa Hưng có chiều dài 179m, rộng 17m, cao 10,5m, chiều dài hữu dụng 160m; hệ thống neo âu tàu cố định 3 mức nước vận hành gồm 12 cụm neo, 2 khu chờ tàu; tải trọng phương tiện được phép đi qua âu tàu đến 3.000 tấn.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Giao thông Vận tải khẳng định, kênh Nghĩa Hưng là một trong những công trình giao thông phức hợp nhất (có các hạng mục giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, thủy lợi) mà bộ đã triển khai thực hiện.
Việc thi công công trình gặp rất nhiều khó khăn do những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhưng nhờ sự tích cực của các đơn vị thuộc bộ, Ngân hàng Thế giới và đặc biệt là sự phối hợp, tạo điều kiện tối đa của tỉnh Nam Định, công trình Kênh-Âu tàu Nghĩa Hưng đã hoàn thành bảo đảm tiến độ.
Sau khi kênh Nghĩa Hưng được công bố mở luồng, Bộ Giao thông Vận tải giao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam vận hành, quản lý, khai thác hiệu quả.
Bộ Giao thông Vận tải đề nghị tỉnh Nam Định và huyện Nghĩa Hưng tiếp tục tạo điều kiện giúp đỡ đơn vị vận hành, khai thác công trình.
Các đại biểu dự Lễ công bố mở luồng đường thủy nội địa quốc gia Kênh Nghĩa Hưng. |
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Nam Định, đồng chí Phạm Đình Nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trân trọng cảm ơn Bộ Giao thông Vận tải và Ngân hàng Thế giới đã quan tâm đầu tư công trình Kênh-Âu tàu Nghĩa Hưng nối sông Đáy-sông Ninh Cơ.
Đồng chí nhấn mạnh, công trình hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ giúp tàu có trọng tải 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải có thể đi sâu vào đất liền; giảm khoảng cách vận chuyển hàng hóa khoảng 100km so với đường bộ, giảm chi phí vận tải, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội của tỉnh.
Thời gian tới, tỉnh Nam Định rất mong tiếp tục được Bộ Giao thông Vận tải và Ngân hàng Thế giới tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện đầu tư thêm các công trình khác trên địa bàn; tỉnh cam kết sẽ thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, phối hợp tạo điều kiện tối đa để triển khai các công trình, dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng.