Minh chứng cụ thể ở Quảng Ninh, từ những đột phá quan trọng trong quy hoạch và nhất là sự quyết liệt đầu tư phát triển giao thông: Đường bộ phát triển nhanh, phá các thế độc đạo, mở rộng cơ hội kết nối thuận lợi với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía bắc; giao thương thông thoáng với nước bạn qua cửa khẩu Móng Cái; kết nối hàng không bằng sân bay Vân Đồn; nâng cấp cảng biển quốc tế,... trong vòng 10 năm trở lại đây, cái tên Quảng Ninh là “điểm sáng” trên bản đồ phát triển quốc gia…
Nhắc lại tư duy “muốn làm giàu thì phải làm đường” và hiện thực hóa mệnh đề đó tại Quảng Ninh để so sánh với khu vực Tây Nguyên, một miền đất dồi dào tiềm năng, tài nguyên về sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp; về du lịch phong phú bản sắc, đa dạng sản phẩm,… nhưng đã và đang bị “điểm nghẽn” giao thông chi phối tiêu cực.
Những năm qua, do ảnh hưởng nhiều yếu tố, trong đó hạ tầng giao thông chất lượng kém, thiếu đồng bộ, chậm phát triển, ít trục liên kết, dẫn đến hiệu quả vận tải thấp, chi phí tăng cao đã kìm hãm quá trình lưu thông. Cả một thời kỳ dài, khu vực này bị vây hãm trong không gian chật hẹp, kết nối thiếu thuận lợi.
Do đặc điểm địa hình, Tây Nguyên không thể phát triển đường thủy, hạn chế trong phát triển đường sắt, chỉ còn vận tải đường bộ và hàng không là phương thức tối ưu. Thế nhưng đến nay, toàn vùng Tây Nguyên mới chỉ có vỏn vẹn 19km đường cao tốc và hơn 3.000km quốc lộ được đầu tư xây dựng từ lâu, qua thời gian đã xuống cấp; các sân bay trong vùng khai thác chưa thật sự hiệu quả.
Bởi vậy, nếu điểm nghẽn giao thông được khai mở, Tây Nguyên sẽ có rất nhiều dư địa nhằm khai thác và biến thành cơ hội, nhanh chóng bứt phá, thoát khỏi vị thế là vùng chậm phát triển của cả nước.
Tại hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, với trọng trách người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh vấn đề phát triển giao thông Tây Nguyên.
Người đứng đầu Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đều chung quan điểm, giao thông Tây Nguyên cần được đầu tư đột phá, tạo nên không gian lưu thông thuận lợi, mở ra cơ hội cho những không gian phát triển mới, cả lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội. Cũng tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã công bố một thông tin lạc quan cho lộ trình phát triển giao thông Tây Nguyên nhằm tăng thế và lực phát triển mới cho khu vực quan trọng này.
Sẽ có rất nhiều công việc phải làm trong quá trình triển khai, nhưng lộ trình đã được vạch rõ và chúng ta có quyền hy vọng về sự đột phá, mở đường trong phát triển giao thông Tây Nguyên. Hiện thực hóa giấc mơ “đại lộ” sẽ là một trong những tiền đề cho tiến trình phát triển lên “đại phú” ở khu vực có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, phên giậu phía tây của Tổ quốc.