PGS, TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết, bánh trung thu là món ăn giàu năng lượng với thành phần chính gồm: bột mỳ, đường, bơ, mỡ lợn, nhân (tùy loại).
Thường một chiếc bánh trung thu (bánh dẻo hay bánh nướng) năng lượng sẽ dao động khoảng trên dưới 600 kcal/1 chiếc bánh (tổng năng lượng phụ thuộc vào trọng lượng, nhân làm bánh). Nếu ăn hết một chiếc bánh trung thu khoảng 170g, năng lượng gấp 2 lần bát bún mọc và gấp 1,5 lần so với một bát phở.
Bánh trung thu là loại bánh ngon, nhưng nếu ăn liên tục kéo dài vài tuần, ăn nhiều dễ dẫn tới thừa cân béo phì. Trong ăn uống hằng ngày, khi ăn thừa khoảng 100-200 kcal đã có nguy cơ cao tăng cân.
Thông thường, đường trong bánh trung thu giúp kéo dài thời gian bảo quản bánh. Bánh trung thu càng có nhiều đường thì càng bảo quản được lâu, tuy nhiên cung cấp rất nhiều năng lượng.
PGS Nguyễn Thị Lâm khuyên, để giảm vị ngọt của bánh trung thu, mọi người có thể ăn kèm với hoa quả có nhiều nước và chỉ số đường thấp.
Theo chuyên gia này, khi ăn bánh trung thu thường ăn thêm dưa chuột. Đây là cách giúp giảm độ ngọt trong bánh, cung cấp thêm chất xơ để không làm tăng đường máu.
Theo PGS Nguyễn Thị Lâm, thưởng thức bánh trung thu cùng nước trà cũng giúp giảm bớt vị ngọt trong bánh.
Ngoài ra, hiện nay trên thị trường, các nhãn sản xuất bánh kẹo cũng cho ra mắt nhiều loại bánh trung thu giảm ngọt dành cho người ăn kiêng hoặc có các bệnh lý như đái tháo đường.
Cũng theo chuyên gia, mọi người chỉ nên ăn bánh với lượng vừa phải (1/8 hoặc 1/4 góc bánh một lần). Khi đã ăn bánh trung thu, người dân cũng nên giảm bớt các thực phẩm nhiều năng lượng, nhiều đường khác.
PGS, TS Nguyễn Thị Lâm khuyến cáo khi mua bánh trung thu, người dân cần mua sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Do điều kiện môi trường, khí hậu tại Việt Nam nóng, ẩm, nhiều khói bụi… nên bánh trung thu dễ bị ô nhiễm, biến tính, dễ hư hỏng ở bên trong mà chưa thể hiện ra ngoài vỏ bánh.
Ngoài ra, người tiêu dùng cần chú ý các tiêu chí sau khi mua bánh trung thu: Bảo quản và sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất được ghi trên bao bì và lưu ý một số khuyến cáo của nhà sản xuất như đối tượng sử dụng và một số lưu ý khi sử dụng (nếu có).
Bánh mua về phải được bảo quản ở nơi sạch sẽ, được che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập.
Chỉ ăn bánh còn hạn sử dụng, không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.
Không ăn quá nhiều bánh và các thực phẩm giàu đạm, mỡ, đường trong khẩu phần ăn để tránh rối loạn hấp thu thực phẩm.
Khi có những bất thường về sức khỏe do ăn uống, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, trợ giúp kịp thời về chuyên môn.
Để ăn bánh trung thu không lo ngại tăng cân, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia lưu ý nên cắt nhỏ bánh, chỉ nên ăn góc 1/8 của bánh hoặc nhiều nhất là góc ¼ (200 kcal của miếng bánh).
Đồng thời, khi đã ăn bánh trung thu thì nên giảm bớt các thực phẩm khác. Đặc biệt là các thực phẩm nhiều năng lượng như cơm, bánh mì, bún, phở…
Để giảm năng lượng trong bánh trung thu, khi ăn các loại bánh có nhân thập cẩm nên nhặt bỏ mỡ. Do 1g chất béo cung cấp 9kcal, ăn bánh càng có nhiều mỡ thì tổng năng lượng sẽ tăng.