May 10 đạt doanh thu gần 4.700 tỷ đồng

NDO - Trước bối cảnh khó khăn của thị trường, với sự nỗ lực vượt khó của tập thể người lao động đã giúp May 10 hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu đặt ra, bảo đảm công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Đồng thời, đơn vị hướng tới mục tiêu doanh thu đạt hơn 5.000 tỷ đồng trong năm 2025, trong bối cảnh thị trường đầy bất định.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu chứng kiến lễ ký giao ước thi đua năm 2025.
Các đại biểu chứng kiến lễ ký giao ước thi đua năm 2025.

Ngày 2/1, tại Hà Nội, Tổng công ty May 10 (May 10) tổ chức lễ Phát động thi đua năm 2025, hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập May 10 (1946-2026).

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Giám đốc May 10 Thân Đức Việt cho biết, năm 2024, ngành dệt may Việt Nam nói chung và May 10 nói riêng đối diện nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhờ nỗ lực vượt khó, cũng như tinh thần đoàn kết, phát huy trí tuệ, nội lực, tốc độ, tìm các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh đã giúp đơn vị hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu đề ra.

Trong đó, tổng doanh thu đạt gần 4.700 tăng 11% so kế hoạch, tăng 10% so với năm 2023; lợi nhuận trước thuế đạt 131,5 tỷ đồng, tăng 14% so kế hoạch, tăng 7% so năm 2023; thu nhập bình quân đạt hơn 10 triệu đồng/người/tháng, tăng 5% so kế hoạch, tăng 8% so năm 2023,…

Năm qua, May 10 đã được lãnh đạo các cấp quan tâm giúp đỡ, các khách hàng trong nước và quốc tế tin tưởng đặt hàng và đạt nhiều phần thưởng cao quý như: Nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng cờ Đơn vị xuất sắc trong phong trào công nhân viên chức lao động và hoạt động công đoàn năm 2024. Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Tổng công ty vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba; Cờ Thi đua của Chính phủ hay đạt Top 100 doanh nghiệp bền vững; nhãn hiệu Enternity GrusZ và May 10 Series được bình chọn là thương hiệu quốc gia năm 2024. Đặc biệt, May 10 tiếp tục lần thứ 10 liên tiếp được vinh danh “Doanh nghiệp vì người lao động” cấp quốc gia và năm thứ 4 liên tiếp được vinh danh “Doanh nghiệp vì người lao động” cấp ngành,…

May 10 đạt doanh thu gần 4.700 tỷ đồng ảnh 2

Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt phát biểu tại buổi lễ.

Để đạt kết quả trên, ông Thân Đức Việt cho rằng, công tác tuyên truyền giáo dục được May 10 chú trọng ngay từ những ngày đầu năm với khẩu hiệu hành động “Chọn việc khó”. Đồng thời thường xuyên cập nhật diễn biến của tình hình kinh tế trong nước và thế giới, tuyên truyền những khó khăn về việc làm, chi phí,... để người lao động thấu hiểu sát cánh với doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ngoài ra, tiếp tục mở rộng và phát triển dòng hàng chủ lực như sơmi, veston, nhận các đơn hàng nhỏ lẻ, tiếp tục nghiên cứu các đơn hàng có yêu cầu cao như đơn hàng giặt, đơn hàng của các nhãn hàng thời trang trung và cao cấp; phát triển các khách hàng và thị trường mới.

May 10 cũng tái cấu trúc bộ phận kinh doanh nội địa, khai trương 4 Trung tâm thời trang May 10 Centurion hướng đến phong cách phục vụ cao cấp và thời thượng, chú trọng xây dựng và thúc đẩy bán hàng qua kênh thương mại điện tử. Thương hiệu thời trang Detheia tiếp tục phát triển đến các thị trường Mỹ, Canada, châu Âu, Trung Đông, Australia…, và được giới thiệu ở 2 show diễn quốc tế tại Bangkok, Singapore nhận được đánh giá cao của khách mời và chuyên gia thời trang,…

Bên cạnh đó, đơn vị cũng tập trung vào công tác nghiên cứu và tổ chức sản xuất, tăng tốc độ phát triển mẫu, áp dụng rộng rãi thiết kế sản phẩm trên phần mềm 3D cũng như đẩy mạnh công tác đào tạo lao động, bố trí sản xuất linh hoạt, hiệu quả qua đó năng suất bình quân đầu người đạt 28,8 USD, tăng 5,5% so với năm 2023.

“Năm 2024, May 10 đã đầu tư gần 60 tỷ đồng để thực hiện chiến lược xanh hóa, chuyển đổi nồi hơi đốt than sang nồi hơi sử dụng viên nén gỗ Biomass giảm chi phí hàng trăm triệu đồng và góp phần bảo vệ môi trường và lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời áp mái tại 2 xí nghiệp may Hà Quảng và xí nghiệp veston Hưng Hà,… đồng thời, thực hiện các dự án chuyển đối số, đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm chế độ chính sách, chăm sóc sức khỏe và đời sống tinh thần cho người lao động, cũng như thực hiện trách nhiệm xã hội hơn 2 tỷ đồng,...”, ông Thân Đức Việt nhấn mạnh.

Nhận định về thị trường năm 2025, ông Thân Đức Việt cho rằng, ngành dệt may Việt Nam đối diện với hàng loạt khó khăn do cạnh tranh lao động gay gắt, đơn hàng số lượng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, đơn giá thấp, chuỗi cung ứng còn rủi ro, chi phí đầu vào cao, cùng với các yêu cầu xanh hóa, phát triển bền vững của nhà nhập khẩu.

“Với tinh thần vượt khó, quyết tâm đạt thành tích cao chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập May 10 (1946-2026), May 10 đặt ra các chỉ tiêu chính cho năm 2025 với doanh thu 5.055 tỷ đồng, tăng 7,4%; lợi nhuận 35 tỷ đồng, tăng 2,3%; thu nhập bình quân đạt 10,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 5% so năm 2024”, ông Thân Đức Việt khẳng định.

May 10 đạt doanh thu gần 4.700 tỷ đồng ảnh 3

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường phát biểu ý kiến tại buổi lễ.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường khẳng định: Năm thứ 3 liên tiếp May 10 có sự tiến bộ vượt bậc trong hiệu quả sản xuất kinh doanh và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao cũng như có nhiều đổi mới về chất lượng trong hoạt động của đơn vị. May 10 cũng đã tận dụng kịp thời những thời cơ xuất hiện để “cán đích” mục tiêu đặt ra, qua đó đóng góp chung vào thành quả của Tập đoàn và của ngành Dệt may Việt Nam.

“Theo dự báo, ngành dệt may tiếp tục đối diện nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới, do đó, các doanh nghiệp trong Tập đoàn nói chung và May 10 nói riêng cần phải tìm ra các giải pháp vượt khó trong trung và dài hạn khi những khó khăn trở thành bản chất của thị trường. Trong đó, giải pháp quan trọng nhất phải hội tụ được những nhân sự giỏi nhất, có khả năng nhìn nhận, dự đoán, đưa ra giải pháp rất nhanh để kịp thời thích ứng với những thay đổi, khó khăn của thị trường”, ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.

Tương tự, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang cho rằng, với thị trường bất định như những năm qua, doanh nghiệp phải rút ra được bài học về chiến lược thị trường. Trong đó, phải đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá mặt hàng và đa dạng hoá đối tượng khách hàng. Đặc biệt, phải thích ứng nhanh với giải pháp một nền kinh tế công nghiệp dệt may toàn cầu đã và đang tiếp tục thúc đẩy khả năng cạnh, phải lường trước được những biến động để có giải pháp ứng phó. Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy tự động hoá, quản trị số, đầu tư các trang thiết bị hiện đại, huy động nguồn lực,… nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Qua đó, tạo nền tảng cho sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp.