Năm qua, TCT vẫn đạt mức tăng trưởng cao 18%, với tổng doanh thu đạt 2,188 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động tăng 11,3% (đạt 6 triệu đồng/người/tháng) , nộp ngân sách tăng 20% so với cùng kỳ năm trước ; cổ tức đạt 18%... Với những thành tích nói trên, TCT được Chính phủ tặng Cờ Thi đua năm thứ 10 liên tiếp.
Năm 2015, theo nhận định của Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường, các doanh nghiệp (DN) của ngành dệt may Việt Nam có những thuận lợi mới. Đó là các hiệp định thương mại sẽ được ký kết trong quý 1, như FTA Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam - Liên minh Hải quan, FTA Việt Nam – EU, dự kiến sẽ được ký kết vào tháng 3-2015 tại Hà Nội. Dự báo, thị trường EU có nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may144 tỷ USD, gấp 1,5 lần thị trường Mỹ. Hiệp định Liên minh thuế quan hải quan ba nước Nga – Belarus - Kazakhstan được ký kết cũng tăng nhu cầu nhập khẩu lớn hàng dệt may. Việc mở cửa thị trường Liên minh Hải quan và EU mở ra thị trường lớn, mức nhập khẩu tương đương 200 tỷ USD. Đặc biệt, EU sẽ cho phép Việt Nam ứng trước một số điều khoản về hàng dệt may trong lúc chờ 28 nước thành viên EU phê chuẩn. Vì thế, EU tiếp tục là thị trường lớn cho các DN dệt may Việt Nam. Cùng với đó, Hiệp định TPP có thể hoàn tất đàm phán trong tháng 6-2015, và đến khoảng đầu năm 2017, TPP sẽ có tác dụng toàn diện. Bên cạnh đó, Hàn Quốc hàng năm nhập khẩu 40 tỷ USD hàng dệt may, trong đó Việt Nam mới xuất khẩu sang Hàn Quốc hơn 2 tỷ USD. Do vậy, cơ hội cho ngành dệt may phát triển là rất lớn
Năm 2015, bên cạnh những cơ hội lớn, thách thức với DN trong nước cũng không ít . Đó là áp lực cạnh tranh ngay cả đối với những DN có truyền thống lâu năm. Nếu không đổi mới để thích ứng nhanh thì sẽ không tận dụng được các cơ hội do các hiệp định thương mại đem lại. Ngoài ra, thách thức từ quy tắc xuất xứ từ sợi hoặc vải rất khắt khe, có nghĩa là chỉ DN nào đạt được quy tắc xuất xứ mới được hưởng thuế suất thấp. Do vậy, nếu các DN không chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng, cứ phát triển theo phương thức cũ thì sẽ không thể đứng vững. Phải tuân theo quy tắc này, các DN mới được giảm thuế để giảm giá thành sản phẩm, tạo sức cạnh tranh tốt hơn. Ngành dệt may nói chung và TCT May 10 nói riêng phải phấn đấu sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao với giá hợp lý, chứ không phải tận dụng lợi thế giá rẻ như trước đây.