Mạo danh bác sĩ lừa đảo khám chữa bệnh trực tuyến với mức giá thấp

NDO - Đối tượng sẽ cung cấp hình ảnh các chứng chỉ, bằng cấp giả mạo hoặc chỉnh sửa hình ảnh để làm giả danh tính bác sĩ. Sau khi xây dựng lòng tin với người theo dõi, kẻ lừa đảo sẽ mời chào dịch vụ khám chữa bệnh trực tuyến với mức giá thấp hoặc ưu đãi đặc biệt.
0:00 / 0:00
0:00

Sau đây là một số chiêu trò lừa đảo trực tuyến tuần qua do Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp.

CẢNH BÁO LỪA ĐẢO TỪ THIỆN, QUYÊN GÓP ỦNG HỘ ĐỒNG BÀO VÙNG LŨ LỤT

Mạo danh bác sĩ lừa đảo khám chữa bệnh trực tuyến với mức giá thấp ảnh 1

Những ngày qua, bão số 3 (bão Yagi) đã và đang gây mưa lớn, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất trên diện rộng tại các tỉnh miền bắc. Lợi dụng tình hình đó, nhiều đối tượng xấu đã mạo danh Hội Chữ thập đỏ, các tổ chức từ thiện uy tín kêu gọi quyên góp nhằm chiếm đoạt số tiền của người dân ủng hộ đồng bào gặp thiên tai.

Nhiều đối tượng giả mạo cơ quan nhà nước hoặc các tổ chức uy tín đưa ra các thông tin sai lệch về tình hình bão lũ tại các tỉnh miền bắc, từ đó kêu gọi quyên góp, ủng hộ cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Các đối tượng lừa đảo sử dụng hình ảnh, thông tin giống các trang chính thống để kêu gọi những người hảo tâm quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt. Thậm chí, các đối tượng đánh vào sự quan tâm của người dân đối với tin tức liên quan đến tình hình bão lũ, các đối tượng đã phát tán thông tin giả mạo, tin tức sai sự thật trên các trang mạng xã hội về tình hình lũ lụt.

Trước thực trạng lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân trước khi quyên góp, ủng hộ, cần tìm hiểu kỹ về tổ chức kêu gọi, xác minh tính xác thực của thông tin được cung cấp.

Trong trường hợp người có tấm lòng hảo tâm, chia sẻ với những khó khăn của đồng bào trong vùng thiên tai thì nên quyên góp, ủng hộ tại các đơn vị có uy tín, minh bạch, đảm bảo sự đóng góp của mình thực sự có ý nghĩa.

Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ về ứng dụng hoặc dịch vụ đọc trộm tin nhắn, bạn nên báo cáo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

MẠO DANH CẮT GHÉP HÌNH ẢNH CỦA CÁC BỆNH VIỆN ĐỂ LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Mạo danh bác sĩ lừa đảo khám chữa bệnh trực tuyến với mức giá thấp ảnh 3

Lợi dụng nhu cầu làm đẹp của người dân ngày càng cao, các đối tượng không ngừng mạo danh bác sĩ thẩm mỹ của Bệnh viện Chợ Rẫy để tạo lòng tin với khách hàng nhằm trục lợi bất chính.

Cụ thể, mới đây, bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục phát hiện thêm 1 trang fanpage giả mạo tự xưng là bác sĩ Trưởng khoa, đang công tác tại khoa Tạo hình thẩm mỹ bệnh viện Chợ Rẫy, có tên “PGS, TS, BS Văn Thanh - Chuyên Khoa Thẩm Mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy”.

Đáng lưu ý, hình nền của trang giả mạo này còn sử dụng hình ảnh tập thể khoa Nội soi Bệnh viện Chợ Rẫy để cắt ghép, đưa hình bác sĩ giả mạo vào nhằm mục đích tạo lòng tin với các khách hàng, gây nên sự bức xúc không nhỏ cho các bác sĩ có mặt trong ảnh gốc.

Đối với hình thức lừa đảo trên, các đối tượng lừa đảo lập các tài khoản mạng xã hội giả mạo tên và hình ảnh của bác sĩ có uy tín hoặc danh tiếng trong lĩnh vực y tế. Các trang giả mạo này thường chia sẻ các bài viết liên quan đến sức khỏe, khám chữa bệnh để thu hút sự chú ý và tạo niềm tin cho người theo dõi.

Ngoài ra, để tạo thêm uy tín, đối tượng sẽ cung cấp hình ảnh các chứng chỉ, bằng cấp giả mạo hoặc chỉnh sửa hình ảnh để làm giả danh tính bác sĩ. Sau khi xây dựng lòng tin với người theo dõi, kẻ lừa đảo sẽ mời chào dịch vụ khám chữa bệnh trực tuyến với mức giá thấp hoặc ưu đãi đặc biệt.

Sau khi nhận được tiền cọc hoặc thanh toán dịch vụ, đối tượng sẽ biến mất hoặc cung cấp thông tin y tế không chính xác, gây nguy hại cho sức khỏe người bệnh.

Trước thực trạng lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân tuyệt đối cẩn trọng trước các dịch vụ khám chữa bệnh, bán thuốc trên mạng xã hội.

Trước khi sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh, hãy kiểm tra kỹ thông tin về bác sĩ và cơ sở y tế, thực hiện xác minh qua website của các cơ quan y tế uy tín hoặc từ nguồn tin đáng tin cậy. Nếu có nhu cầu khám chữa bệnh, hãy đến các bệnh viện hoặc cơ sở y tế có uy tín, được cơ quan chức năng cấp phép để đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, chỉ nên sử dụng các nền tảng khám chữa bệnh online chính thống, được cấp phép và có hệ thống kiểm tra danh tính bác sĩ rõ ràng. Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.

CẢNH BÁO CHIÊU TRÒ LỪA ĐẢO ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Mạo danh bác sĩ lừa đảo khám chữa bệnh trực tuyến với mức giá thấp ảnh 5

Công an thành phố Hà Nội vừa tiếp nhận đơn trình báo từ chị V. (SN 1974, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) về việc bị lừa đảo 2,3 tỷ đồng sau khi tham gia nhóm “Tài chính thời đại” và đầu tư tiền ảo qua sàn Bitforex.com.

Đối với chiêu trò trên, các đối tượng thường lập ra các sàn chứng khoán, đầu tiền ảo giả mạo hoặc không được cấp phép hoạt động. Thậm chí, đối tượng còn giả danh là chuyên gia tài chính, chuyên viên chứng khoán hoặc đại diện của các công ty môi giới uy tín.

Tiếp đó, đối tượng mời nạn nhân vào các nhóm đầu tư trên mạng xã hội (Facebook, Telegram, Zalo…) và mời chào nạn nhân tham gia vào sàn mà chúng tạo ra.

Ban đầu, đối tượng quảng cáo sàn giao dịch của mình với lời hứa lãi suất cao, thậm chí đưa ra các bằng chứng giả mạo về lợi nhuận từ các nhà đầu tư trước đó. Sau khi thu hút được số lượng lớn nhà đầu tư và nhận tiền, sàn giao dịch ảo sẽ đóng cửa hoặc biến mất, khiến nhà đầu tư mất sạch số tiền đã đầu tư.

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân tuyệt đối không tham gia không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số, website hay ứng dụng đầu tư tiền ảo.

Trước khi tham gia bất kỳ sàn giao dịch nào, người dân cần kiểm tra giấy phép hoạt động và thông tin về sàn giao dịch. Chỉ nên giao dịch trên các sàn được cấp phép bởi cơ quan chức năng.

Không chia sẻ thông tin cá nhân cho bất kỳ ai dưới mọi hình thức. Không tải về các ứng dụng không rõ nguồn gốc hoặc nhấp vào đường dẫn lạ. Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.

CẢNH GIÁC TRƯỚC NHỮNG THÔNG TIN GIẢ MẠO LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG TẠI HÀN QUỐC

Mạo danh bác sĩ lừa đảo khám chữa bệnh trực tuyến với mức giá thấp ảnh 7

Mới đây, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) vừa phát đi cảnh báo về thông tin giả mạo, lừa đảo người lao động đi Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS.

Đối với hình thức lừa đảo trên, các đối tượng thường mạo danh các công ty môi giới lao động hợp pháp bằng cách tạo website giả mạo hoặc cung cấp giấy tờ giả.

Tinh vi hơn, các đối tượng còn tổ chức các buổi hội thảo, gặp gỡ tại các địa phương, hứa hẹn việc làm tại nước ngoài với mức thu nhập cao và điều kiện lao động tốt. Đối tượng đưa ra lời hứa hẹn về chi phí xuất khẩu lao động thấp hơn so với mức thông thường và thu nhập rất cao.

Tiếp đó, đối tượng yêu cầu người lao động nộp một khoản tiền lớn để làm thủ tục hoặc chi phí đầu vào trước khi ký hợp đồng chính thức. Người lao động sau khi nộp tiền môi giới, chi phí hồ sơ sẽ không thể liên lạc lại với đối tượng lừa đảo hoặc được đưa sang nước ngoài với công việc, thu nhập khác xa so với lời hứa ban đầu.

Trước tình hình lừa đảo, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người lao động nên tìm hiểu kỹ về các chương trình xuất khẩu lao động qua các nguồn chính thống, như các cơ quan chính phủ, đại sứ quán, hoặc các tổ chức có uy tín. Tuyệt đối không tin vào các quảng cáo hay lời mời hứa hẹn hấp dẫn nhưng thiếu cơ sở pháp lý.

Thực hiện kiểm tra danh tính của các tổ chức, xác minh thông qua các trang web chính thức của cơ quan chức năng. Chỉ nên tham gia các chương trình xuất khẩu lao động thông qua các công ty được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép.

Tuyệt đối không nộp bất kỳ khoản tiền nào trước khi ký kết hợp đồng lao động rõ ràng với các điều khoản về công việc, thu nhập, chi phí cụ thể.

Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.

CẢNH GIÁC CHIÊU TRÒ LỪA ĐẢO THÔNG QUA GOOGLE VOICE

Mạo danh bác sĩ lừa đảo khám chữa bệnh trực tuyến với mức giá thấp ảnh 9

Mới đây, tại Mỹ đã xuất hiện hành vi lừa đảo mới nhắm vào số điện thoại của người dân thông qua dịch vụ điện thoại Google Voice. Nạn nhân của thủ đoạn này chủ yếu là những người có nhu cầu mua và bán hàng thông qua các nền tảng mạng xã hội.

Các đối tượng lừa đảo sẽ chiếm quyền kiểm soát số điện thoại thông qua tài khoản Google Voice của nạn nhân với mục đích xấu như mạo danh hoặc thực hiện các giao dịch chuyển tiền bất hợp pháp. Tổng thiệt hại do thủ đoạn này gây ra có thể dao động từ vài trăm cho đến hàng nghìn USD.

Ban đầu, các đối tượng có xu hướng nhắm đến những tài khoản đăng tải các bài viết với nhu cầu mua bán sản phẩm hoặc cung cấp các dịch vụ trực tuyến trên các nền tảng như Craigslist hoặc Facebook Marketplace.

Các đối tượng sẽ giả vờ quan tâm đến sản phẩm, chủ động hỏi han và liên hệ với nạn nhân. Sau khi trò chuyện, kẻ gian sẽ chủ động gửi mã xác nhận tài khoản Google Voice của mình cho nạn nhân, sau đó yêu cầu nạn nhân cung cấp số điện thoại và xác minh tính chính thống bằng cách gửi lại mã của mình.

Sau khi nạn nhân chia sẻ mã, các đối tượng sẽ sử dụng mã này để thiết lập một tài khoản Google Voice khác liên kết với số điện thoại mà nạn nhân sử dụng. Điều này sẽ cho phép các đối tượng chiếm quyền kiểm soát số điện thoại của nạn nhân, theo dõi toàn bộ nội dung tin nhắn và cuộc gọi của nạn nhân.

Trước tình hình lừa đảo, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi sử dụng Google Voice nói riêng và các ứng dụng VoiP (Truyền giọng nói trên giao thức IP) nói chung.

Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của các đối tượng lạ, không cung cấp các thông tin và dữ liệu cá nhân khi chưa xác minh được danh tính của đối tượng. Nâng cao bảo mật bằng cách bật chế độ bảo mật 2 lớp đối với các ứng dụng tương tự.

Khi nghi ngờ đối tượng có dấu hiệu lừa đảo, người dùng cần báo cáo ngay với bộ phận quản lý ứng dụng để kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo.

LỪA ĐẢO MẠO DANH GIÁM ĐỐC TẬP ĐOÀN APPLE

Mạo danh bác sĩ lừa đảo khám chữa bệnh trực tuyến với mức giá thấp ảnh 10

Trong thời điểm Iphone 16 cũng như các sản phẩm công nghệ đến từ thương hiệu Apple được công bố, nhiều người dân Mỹ chia sẻ rằng họ bắt gặp những buổi livestream với nội dung kêu gọi đầu tư tiền ảo đến từ Tim Cook - Giám đốc của tập đoàn công nghệ Apple. Thực chất, đây là những video giả mạo, được làm ra với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng sử dụng công nghệ Deepfake nhằm tái tạo lại khuôn mặt, sau đó livestream thông qua các tài khoản giả mạo để lừa người dùng đầu tư vào các dự án tiền điện tử. Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, các video trở nên vô cùng chân thật, thu hút hàng ngàn lượt xem.

Các đối tượng tạo ra các video Deepfake giả mạo khuôn mặt và giọng nói của Tim Cook, sau đó livestream trên các nền tảng mạng xã hội với tiêu đề gồm các từ khóa như “Tim Cook”, “Apple” nhằm gia tăng mức độ uy tín, đi kèm với nội dung là những đợt khuyến mãi có thời hạn, hứa hẹn sẽ đem về lợi nhuận cao, nhận tiền nhanh chóng sau khi đầu tư.

Sau đó, người được cho là giả mạo Tim Cook sẽ đưa ra các nhận định về thị trường chứng khoán, từ đó kêu gọi người xem tham gia đầu tư bằng cách gửi tiền dưới dạng các đơn vị tiền ảo phổ biến như Bitcoin, Ether, Tether hoặc Dogecoin. Sau khi nhận được một số lượng tiền nhất định từ người xem, các đối tượng ngay lập tức sẽ tắt livestream, xóa toàn bộ những video và thông tin liên quan trên trang cá nhân.

Trước thực trạng lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác trước các thủ đoạn như trên. Cảnh giác trước những lời mời gọi đầu tư hứa hẹn đem về lợi nhuận cao, rủi ro thấp. Chủ động xác minh tính hợp pháp của các dự án đầu tư tiền điện tử, không cả tin và làm theo hướng dẫn của các đối tượng.

Cẩn trọng xác thực nguồn gốc của những video hoặc bài đăng trên mạng xã hội, những thông báo đến từ người nổi tiếng hoặc các tập đoàn lớn thường chỉ xuất hiện trên cổng thông tin điện tử chính thống hoặc các tài khoản có tích xanh với nhiều lượt theo dõi. Khi phát hiện thấy có dấu hiệu lừa đảo, người dùng cần nhanh chóng báo cáo các tài khoản giả mạo để kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo.