Có cung sẽ có cầu
"... Anh ơi, em nhận làm bằng đại học, cao đẳng, trung cấp, cấp ba, bảo đảm an toàn uy tín, kín đáo; giao hàng tận nơi mới thu tiền”. Đó là nội dung tin nhắn tôi bất ngờ nhận được từ số điện thoại +841252069978. Trao đổi về nội dung tin nhắn trên, Trung úy Chu Huy Thạch, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội cho biết: “Nhấp chuột máy tính thấy ngay vấn nạn rao bán bằng cấp, chứng chỉ giả. Đây là thủ đoạn biến tướng của loại tội phạm chuyên sử dụng điện thoại, mạng xã hội để rao bán văn bằng, chứng chỉ, các loại giấy tờ giả".
Chị Vũ Thị Mỹ Hạnh, ở Hà Đông (Hà Nội) là nạn nhân của trò lừa đảo này cách đây chưa lâu. Chị cần mua một tấm bằng giả, tốt nghiệp Đại học Luật, hệ tại chức. Qua mạng in-tơ-nét, chị Hạnh làm quen với một người tên là Bùi Công Minh, có điện thoại 0937313831, hộp thư điện tử là: lambangcacloai@gmail.com. Sau khi chị Hạnh thỏa thuận mua bằng Đại học Luật với giá 19 triệu đồng, đối tượng Minh yêu cầu chị chuyển trước sáu triệu đồng vào tài khoản số 050044258355, mở tại Ngân hàng Sacombank, chi nhánh Long Bình Tân, tỉnh Đồng Nai. Đồng thời, Minh yêu cầu chị Hạnh gửi ảnh, bản phô-tô-cóp-py chứng minh thư để làm bằng. Nhận được sáu triệu đồng của chị Hạnh đặt cọc, mấy ngày sau đó, Minh tiếp tục điện thoại báo tin cho chị Hạnh biết, bằng đã làm xong, phải chuyển nốt 13 triệu đồng vào tài khoản số 048100072898 mang tên Đàm Duy Hiền, tại Ngân hàng Vietcombank, chi nhánh Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, thì Minh mới chuyển bằng.
Nhận đủ 19 triệu đồng của chị Hạnh chuyển trả, Minh liền tắt máy điện thoại. Liên hệ với Minh mãi không được, chị Hạnh biết mình bị lừa. Điều tra vụ việc nêu trên, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội xác định rõ đối tượng Minh lừa bán bằng đại học cho chị Hạnh có tên thật là Trần Tấn Đạt, sinh năm 1962, thường trú tại tổ 78, thôn Trung Nghĩa, xã Nghĩa Thành (Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu). Đạt vốn không nghề nghiệp; từ năm 2014, thấy một số người có nhu cầu mua bằng đại học, trung cấp, chứng chỉ giả, Đạt nảy sinh ý định lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đạt thường ra các cửa hàng in-tơ-nét lập nhiều tài khoản trên facebook, lập hộp thư điện tử lambangcacloai@gmail.com ghi rõ số điện thoại. Kiếm được khách hàng, Đạt yêu cầu họ phải gửi đầy đủ thông tin họ, tên, năm sinh, bản phô-tô-cóp-py giấy chứng minh nhân dân, ảnh chân dung vào hộp thư điện tử của mình; đồng thời nộp trước 30% số tiền đặt cọc vào tài khoản do Đạt cung cấp. Ba, bốn ngày sau, Đạt thông báo làm xong bằng và yêu cầu khách hàng phải chuyển nốt tiền vào các tài khoản mở tại một số ngân hàng. Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội phát hiện Trần Tấn Đạt còn lừa bán bằng cấp giả cho nhiều người khác. Số tiền Đạt đã chiếm đoạt trong năm 2015 lên đến ba tỷ đồng.
Đường dây chuyên làm bằng đại học, cao đẳng, trung cấp, chứng chỉ giả khác do Nguyễn Li Ly, trú tại huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) cầm đầu, cũng đã bị Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) triệt phá hồi tháng 9 vừa qua. Chúng thường sử dụng mạng máy tính, thiết bị công nghệ số in sẵn các loại phôi bằng đại học, trung cấp, THPT, các loại chứng chỉ theo mẫu; sản xuất hàng chục con dấu giả các trường đại học, cao đẳng để đóng lên bằng; sản xuất tem giả dán lên chứng chỉ, trông như thật, rất khó phát hiện. Ông Đặng Văn Định, thành viên Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết: Thực tế các cơ quan chức năng, địa phương trong cả nước mới chỉ xử lý các đối tượng lừa đảo bán bằng cấp giả, sản xuất phôi bằng, chứng chỉ giả; còn người mua và sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả thì chưa được chú trọng xử lý.
Cần xử lý nghiêm
Theo lời khai tại cơ quan công an của một số nạn nhân như chị Vũ Thị Mỹ Hạnh ở Hà Đông (Hà Nội), anh Nguyễn Mạnh Cường ở Cẩm Mỹ (Đồng Nai) và nhiều nạn nhân khác, họ cần mua bằng giả, chứng chỉ giả để xin việc làm ở các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức.
Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa Trịnh Xuân Cảnh cho biết: “Từ tháng 1-2015 đến nay, Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã xác minh 593 văn bằng tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT và THCS theo đơn thư khiếu nại tố cáo, theo yêu cầu của ngành chức năng và các cơ quan báo chí. Kết quả đã phát hiện 36 trường hợp tên người ghi trong văn bằng không có trong danh sách tốt nghiệp. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã trả lời bằng văn bản từng trường hợp, giúp cho ngành chức năng, các huyện, thị xã trong tỉnh có cơ sở xử lý nghiêm các trường hợp gian dối sử dụng bằng cấp, chứng chỉ”. Trong 36 trường hợp sử dụng văn bằng giả ở Thanh Hóa, có một số là cán bộ, công chức xã. Họ sử dụng văn bằng giả nhằm hợp lý hóa tiêu chuẩn cán bộ để được tăng lương, bổ nhiệm. Ở một số địa phương khác, với những tấm bằng giả có trình độ cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ, thì một số đối tượng còn dùng để khoe mẽ, hoặc dùng bằng đại học giả để khai man lý lịch. Chẳng hạn, một đối tượng sử dụng bằng đại học có ký hiệu B2714348, số vào sổ ĐC40, loại hình đào tạo tại chức, ghi rõ nơi đào tạo là Trường đại học Kinh tế quốc dân do bạn đọc gửi tới Báo Nhân Dân yêu cầu xác minh. Ngày 13-7-2015, Báo Nhân Dân đã nhận được Văn bản số 222/ĐHKTQD-TT-PC của Trường đại học Kinh tế quốc dân, do GS, TS, Phó Hiệu trưởng Phạm Quang Trung ký, trả lời: Đối tượng sử dụng văn bằng trên không có tên trong hồ sơ lưu của nhà trường.
Dù với bất cứ mục đích nào, việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả là hành vi gian dối. Nhu cầu mua và sử dụng bằng cấp giả, chứng chỉ giả của nhiều người chính là nguyên nhân tiếp tay cho vấn nạn sản xuất, buôn bán bằng cấp, chứng chỉ giả gia tăng, ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội. Hành vi sản xuất bán văn bằng, chứng chỉ giả cũng như sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả khi bị phát hiện đều bị xử lý nghiêm. Các cơ quan, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng lao động, cần kiểm tra, xác minh bằng cấp, chứng chỉ của người xin việc thông qua các cơ sở đào tạo. Đồng thời, chính quyền các địa phương cần chủ động rà soát, xử lý nghiêm các cán bộ sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả để làm gương.