Mang lại cuộc đời mới cho nhiều bệnh nhi mắc suy thận mạn tính

NDO - Tính từ năm 2004 đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã thực hiện thành công 62 ca ghép thận cho trẻ em, tỷ lệ thành công sau ghép là khoảng 98,2% với độ tuổi trung bình là 13,3 tuổi.
0:00 / 0:00
0:00
Các bác sĩ tiến hành ghép thận cho bệnh nhi.
Các bác sĩ tiến hành ghép thận cho bệnh nhi.

Nhiều bệnh nhi hồi sinh nhờ ghép thận

Bé B.N. (nam, ở Thái Nguyên) chào đời chỉ có một quả thận bên phải và quả thận này bị thiểu sản. Ngoài ra, trẻ còn bị chậm phát triển thể chất do suy thận mạn tính, vì thế, dù đã 6 tuổi nhưng B.N. chỉ nặng 12kg, cao 110cm. Đến năm 2019, tình trạng của trẻ chuyển biến nặng, trẻ được chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối và các bác sĩ đã chỉ định ghép thận là phương pháp duy nhất để cứu sống bệnh nhi.

Ngày 15/9/2019, bệnh nhi được tiến hành phẫu thuật ghép thận với người cho là mẹ ruột. Ca ghép kéo dài nhiều giờ đồng hồ đã cho kết quả tốt đẹp trong sự xúc động và hạnh phúc của gia đình cùng cả ê-kíp bác sĩ.

Bệnh nhi T.M. (nữ, ở Hải Phòng), ghép thận tại Bệnh viện Nhi Trung ương năm 2010 khi mới chỉ 5 tuổi. Khi đó, trẻ mắc suy thận mạn, dù đã tiến hành các phương pháp lọc máu, tuy nhiên, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Hương – Trưởng Khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương nhận định việc chạy thận nhân tạo hay lọc màng bụng chỉ giúp trẻ duy trì sự sống, nhưng chất lượng cuộc sống của trẻ rất thấp.

Trẻ sẽ kèm theo nhiều nguy cơ đe dọa tính mạng như tăng huyết áp, suy tim. Nếu trẻ được ghép thận, chất lượng cuộc sống và sự phát triển thể chất có thể gần như trẻ bình thường.

Sau một thời gian điều trị, các bác sĩ và gia đình quyết định thực hiện ghép thận từ người cho sống cho trẻ. Đến nay, đã 14 năm kể từ khi ca ghép thận diễn ra thành công, T.M. đang ở độ tuổi 19 đầy sức sống và có cuộc đời hạnh phúc như bao bạn bè cùng trang lứa khác.

Một trường hợp rất đáng mừng nữa là bệnh nhi V.A. ghép thận năm 2004, sau khi ghép, V.A. phục hồi sức khỏe hoàn toàn, hiện tại, cậu bé mắc bệnh suy thận năm nào đã lập gia đình, sinh con và có chất lượng cuộc sống rất tốt.

Hiện nay, ước tính có khoảng 850 triệu người trên toàn thế giới mắc các bệnh lý về thận do các nguyên nhân khác nhau. Con số này gấp đôi số lượng người bệnh đái tháo đường và gấp 20 lần so với bệnh ung thư. Người bệnh mắc suy thận mạn giai đoạn cuối để duy trì sự sống sẽ phải điều trị thay thế thận. Một trong các phương pháp điều trị thay thế thận tối ưu và mang lại chất lượng cuộc sống tốt nhất là ghép thận.

Bệnh viện Nhi Trung ương là đơn vị đầu tiên và là 1 trong 2 đơn vị duy nhất ghép thận trẻ em tại Việt Nam. Tính đến nay, bệnh viện đã ghép 62 ca thành công. Việc ghép thận thành công ở trẻ em cải thiện nhiều bệnh lý ở trẻ, giúp phát triển giới tính, thay đổi nhận thức và tâm lý xã hội của trẻ

Từ năm 2006, Tổ chức Y tế Thế giới đã chọn ngày thứ 5 tuần thứ 2 của tháng 3 hàng năm là Ngày Thận Thế Giới (World Kidney Day), nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về cách phòng ngừa và điều trị các bệnh về thận cũng như biến chứng do thận gây ra; từ đó, góp phần làm giảm tần số và tác động của bệnh thận trên toàn thế giới. Hiện nay, hoạt động này đã được hơn 100 quốc gia hưởng ứng mỗi năm.

Cha mẹ lưu ý dấu hiệu bệnh suy thận ở trẻ

Theo các bác sĩ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thận ở trẻ. Suy thận mạn ở trẻ em là tình trạng trẻ bị suy giảm chức năng thận một cách từ từ và kéo dài trong nhiều tháng, nhiều năm, dẫn đến sự ứ đọng nước, các chất độc độc hại trong cơ thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng của trẻ.

Mang lại cuộc đời mới cho nhiều bệnh nhi mắc suy thận mạn tính ảnh 1

Các bệnh nhi suy thận giai đoạn cuối đang được điều trị tại Khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Điển hình, trẻ có thể mắc tình trạng đau nhức do sưng phù chân tay nặng; tăng nguy cơ bị các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, suy tim, phù phổi; thiếu máu, tăng kali trong máu dẫn đến tử vong; xương trẻ bị yếu, giòn, dễ gãy; trẻ kém tập trung do hệ thần kinh bị tổn thương; hệ miễn dịch bị suy giảm dẫn đến nguy cơ mắc kèm nhiều bệnh lý khác.

Bên cạnh đó, suy thận mạn còn gây ra nhiều bất tiện cho cuộc sống của trẻ khi thường xuyên phải thăm khám, điều trị tại bệnh viện. Đối với những trẻ suy thận mạn giai đoạn cuối chưa ghép thận mà được điều trị phương pháp thay thế là thận nhân tạo sẽ phải đến bệnh viện liên tục 3-4 lần/ tuần, khiến trẻ không thể đi học, vui chơi như các bạn cùng lứa tuổi và cũng gây gánh nặng kinh tế cho gia đình.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc, Khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương, ghép thận là một hành trình dài của cả bệnh nhi, gia đình và các bác sĩ. Trước khi ghép thận, trẻ cần đến bệnh viện để các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, sàng lọc nhằm tạo điều kiện tốt nhất trước và sau ghép.

Trước mỗi ca ghép thận, bệnh nhi đều được hội chẩn bệnh viện dưới sự chủ trì của Tiến sĩ, bác sĩ Cao Việt Tùng – Phó Giám đốc Bệnh viện cùng sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám đốc để bảo đảm các quy trình trước, trong và sau ghép được chuẩn bị tốt nhất.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, sau ghép thận, trẻ đa phần cải thiện rõ rệt về sự phát triển thể chất, giảm tỷ lệ thiếu máu và biến chứng tim mạch sau 1 năm, 3 năm và 5 năm. Tuy nhiên, dù đã có rất nhiều khoa học kỹ thuật tiến bộ và nỗ lực của các y bác sĩ, nhưng việc ghép thận còn gặp một số khó khăn như chưa có thuốc ức chế miễn dịch tối ưu để loại trừ hoàn toàn sự thải ghép; vẫn còn một số biến chứng sau ghép như nhiễm trùng, ung thư…

Khả năng chữa khỏi bệnh suy thận ở mỗi bệnh nhi là khác nhau, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: giai đoạn, nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng, cũng như khả năng đáp ứng phương pháp điều trị.

Do đó, cha mẹ nên chủ động đưa con đi thăm khám nếu nghi ngờ trẻ mắc bệnh suy thận hoặc xuất hiện các triệu chứng bất thường như: phù nề, tiểu ít/khó/quá nhiều, thở yếu, chân tay bủn rủn,... Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phương pháp, trẻ sẽ có cơ hội phục hồi hoàn toàn.

Với bệnh nhi đã được chẩn đoán suy thận cấp, các bác sĩ cũng khuyến cáo cha mẹ cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị, không tự ý bỏ thuốc, không sử dụng các loại thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc, tránh làm tình trạng trẻ nặng hơn và chuyển từ suy thận cấp sang suy thận mạn.